Không ràng buộc điều kiện với người được trợ giúp pháp lý
Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo - Phó trưởng Phòng chính sách và quản lý nghiệp vụ (Cục TGPL, Bộ Tư pháp) Phan Thị Thu Hà cho biết: Qua nhiều lần lấy ý kiến, thảo luận, đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc xác định diện người được TGPL cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi.
Theo đó, việc quy định người được TGPL trong Dự thảo Luật dựa trên 2 nguyên tắc, tiêu chí: Một là, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Hai là, trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý.
Trên cơ sở này, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm kế thừa quy định của Luật hiện hành (các đối tượng đang được TGPL theo Luật TGPL năm 2006, các luật khác và văn bản dưới luật có liên quan), phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng mới (người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính).
Cụ thể, người được TGPL bao gồm người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính (người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS).
Cần tôn trọng quyền của người được TGPL
Bà Hà lý giải, quy định về người được TGPL như trên nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động TGPL một cách có chất lượng, hiệu quả. Khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật TGPL.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, việc quy định các đối tượng được TGPL bị ràng buộc bởi điều kiện “có khó khăn về tài chính” của Dự thảo Luật đã hạn chế quyền được TGPL mà họ được hưởng, gây nên sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng được hưởng TGPL. Bởi theo quy định hiện hành, các đối tượng trên đang được hưởng TGPL, còn theo quy định của Dự thảo luật, những cá nhân này nếu không thuộc diện “khó khăn về tài chính” thì sẽ không được hưởng TGPL. Ngoài ra, việc phải xuất trình thêm giấy chứng nhận “có khó khăn về tài chính” như quy định trong Dự thảo Luật sẽ làm phức tạp thêm về thủ tục, giấy tờ, gây phiền hà cho người được TGPL. Ông Tuyến đề nghị, Dự thảo Luật bỏ điều kiện “có khó khăn về tài chính”, không quy định thêm bất kỳ điều kiện gì ràng buộc người được TGPL.
Cũng quan tâm đến việc không gây phiền hà cho người được TGPL, nguyên Phó Cục trưởng Cục TGPL Chu Văn Thịnh cho rằng, không nên bó hẹp quyền được lựa chọn của người được TGPL chỉ có tại phạm vi địa hạt tại địa phương. Người TGPL, vì sự thuận tiện của mình về khoảng cách không gian liền kề và vì sự tín nhiệm với tổ chức, cá nhân mình tin cậy có thể được lựa chọn rộng rãi hơn (tương tự như lựa chọn luật sư bảo vệ cho mình). “Vấn đề lựa chọn ai là người “bảo vệ tốt nhất” cũng đồng thời làm tăng niềm vinh dự, uy tín, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân người thực hiện TGPL. Khi đó họ sẽ “hết mình” vì nghĩa lớn mà dấn thân phục vụ” – ông Thịnh tin tưởng.