Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho phụ nữ bị bạo hành

(PLO) - Hiện nay, bạo lực với phụ nữ đang trở thành một vấn nạn đáng báo động trong toàn xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ bị bạo hành còn rất hạn chế mà nguyên nhân chính là do họ không hề biết tới các quyền được pháp luật bảo vệ của mình.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Khoảng 30% phụ nữ đã từng kết hôn đã trải qua bạo lực thể xác, gần 10% bị bạo lực tình dục và trên 50% từng bị bạo lực tinh thần là những con số đáng lo ngại được Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) công bố trong một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam. Đáng lưu ý, cũng theo đánh giá của Cơ quan này năm 2011 về thực trạng của phụ nữ trong hệ thống pháp lý hình sự cho thấy, không có nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp cận, hỗ trợ pháp lý và có đến 77% các trường hợp nín nhịn, không trình báo với cơ quan chức năng. 

Các nghiên cứu quy mô nhỏ khác cho thấy tình trạng bạo lực xảy ra ở tất cả các cấp như trong gia đình, trong cộng đồng, trong nước và ngoài nước. Nó bao gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế; bạo lực gia đình, hiếp dâm và xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, buôn bán, cưỡng ép kết hôn, tảo hôn và các hình thức khác.

Thực tế cho thấy bạo lực đã và đang trở thành vấn nạn đáng báo động trong xã hội. Tuy nhiên, khung pháp luật về tiếp cận và TGPL cho phụ nữ ở Việt Nam nói chung và hệ thống tư pháp hình sự trong việc bảo vệ nạn nhân và buộc tội phạm phải chịu trách nhiệm hiện nay còn nhiều bất cập khiến phụ nữ bị bạo lực chịu nhiều thiệt thòi.

Ở nước ta, rất nhiều vụ bạo lực đối với phụ nữ không được trình báo và không bị truy tố, số nạn nhân có nhu cầu hỗ trợ, bảo vệ và khắc phục không được ghi nhận và không được đáp ứng chiếm số lượng lớn. Một trong những trở ngại lớn mà phụ nữ phải đối mặt khi trình báo về bạo lực và tìm kiếm hỗ trợ trong hệ thống tư pháp hình sự đó là việc diễn giải, suy luận và áp dụng pháp luật hình sự của cán bộ tư pháp bị ảnh hưởng nhiều bởi khuôn mẫu giới. Họ thường tập trung xem nạn nhân có đáng tin hay không dựa trên tính cách, ngoại hình và công việc của họ hơn là mức độ tin cậy của sự việc được trình báo. Đã có nhiều trường hợp phụ nữ làm nghề mại dâm từng cố gắng trình báo về các vụ hiếp dâm nhưng công an thường không tin họ bởi định kiến về nghề này. 

Không những vậy, thái độ tha thứ của cán bộ thực thi pháp luật vẫn còn phổ biến, họ quan niệm bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư và phụ nữ không được từ chối nhu cầu tình dục của chồng. Một số cán bộ công an còn quan ngại rằng bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục thường không đủ cấu thành để xử hình sự, tuy phạt hành chính là không đủ nghiêm nhưng phạt hình sự lại sẽ quá nghiêm khắc nên cần sớm tìm ra một giải pháp thích hợp để xử lý các hình thức bạo lực này. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa biết tới quyền được TGPL và họ thường nghĩ rằng bạo lực gia đình là chuyện của gia đình nên chính quyền sẽ không can thiệp. 

Có thể nói, bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả bất lợi và lâu dài không chỉ với sự an toàn và sức khỏe của họ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội. Đây được coi là trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Do vậy, hệ thống tư pháp cần xây dựng đầy đủ, đồng bộ các dịch vụ tư pháp thiết yếu như bảo vệ, hỗ trợ, thông tin và điều phối của cơ quan tư pháp để tạo cơ chế chặt chẽ hơn nữa trong việc bảo vệ phụ nữ trước các mối đe dọa, trong đó có nạn bạo lực./.

Đọc thêm