Nhiều cơ quan chưa giải quyết đúng pháp luật
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sau khi Chương trình phối hợp trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho người dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương (TCDTW) giữa 5 cơ quan trên được ký kết, từ ngày 14/7 đến 24/9/2015 đã có hơn 600 lượt công dân được 100 luật sư TGPL, tuyên truyền giải thích pháp luật miễn phí; đã có một số người dân tự nguyện về quê, không tiếp tục khiếu kiện.
Đáng chú ý, thông qua hoạt động TGPL, các luật sư đã phát hiện một số việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật nên hướng dẫn người dân kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết; đồng thời khuyên người dân cần tuân thủ các quy định pháp luật.
Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có đến 70-80% người dân khiếu kiện tại Trụ sở TCDTW có nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, những mâu thuẫn về thẩm quyền thu hồi đất, về giải phóng mặt bằng. Trong khi đó văn bản pháp luật về lĩnh vực đất đai thường xuyên sửa đổi, thay thế.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban TCDTW (Thanh tra Chính phủ): “Không chỉ tư vấn pháp luật cho dân, nếu cần thiết, luật sư còn có thể tư vấn pháp luật cho cán bộ tiếp dân tại Trụ sở TCDTW để hướng dẫn người dân trong từng trường hợp cụ thể”.
Tuy nhiên, ông Điệp lưu ý, khi tư vấn cho người dân, luật sư không được lợi dụng để làm dịch vụ pháp lý đối với bất kỳ trường hợp nào; dù việc tư vấn có kéo dài thì cũng phải tư vấn miễn phí cho dân đến cùng.
Cần tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Bên cạnh những kết quả, việc TGPL, tư vấn pháp luật miễn phí tại Trụ sở TCDTW cũng tồn tại không ít hạn chế, như việc người dân đến khiếu kiện vụ việc đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, có tính chất phức tạp; khi TGPL cho người dân, luật sư không thể nắm bắt và hiểu bản chất thấu đáo của vụ việc nhưng vẫn phải đưa ra ngay các ý kiến tư vấn pháp luật cho người dân. Vì vậy, vẫn còn trường hợp cùng một vụ việc, nhưng do không có cơ chế thông tin trao đổi giữa các luật sư tham gia TGPL nên hai luật sư TGPL ở hai ngày khác nhau có ý kiến tư vấn khác nhau.
Trước bất cập trên, các đại biểu đề nghị đối với những vụ việc kéo dài nhiều năm, Thanh tra Chính phủ cần trao đổi hồ sơ tài liệu cho luật sư nghiên cứu trước, từ đó tìm hướng giải quyết tốt nhất cho công dân. Đồng thời, nên có một bộ phận điều phối chung khi tiếp nhận thông tin đầu vào của công dân đến khiếu kiện, tố cáo trước khi luật sư tư vấn; thông tin cho các luật sư biết các vụ việc đã được Ban TCDTW giải quyết, kết quả thế nào để luật sư có đánh giá sơ lược về vụ việc…
Nhằm tiếp tục triển khai công tác này trong năm 2016, hiện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang xây dựng Đề án tham gia TGPL ở Trụ sở TCDTW tại Hà Nội và TP HCM với mục tiêu giảm từ 20-30% số vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân tại Trụ sở TCDTW sau khi được luật sư tư vấn.