70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Người làm báo - những chiến sĩ tiên phong

(PLVN) - Vượt lên mọi hoàn cảnh, các phóng viên, nhà báo luôn phát huy tinh thần tiên phong, cống hiến và đều nhận thức một cách sâu sắc: Làm báo là làm cách mạng; người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Đó là những chia sẻ của Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam với PLVN.
Nhà báo Hồ Quang Lợi.
Nhà báo Hồ Quang Lợi.

Tiên phong và cống hiến

70 năm qua, báo chí nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong đời sống chính trị - xã hội. Ông đánh giá thế nào về những thành tựu của báo chí trong chặng đường qua?

- Nền báo chí Cách mạng của chúng ta có truyền thống rất vẻ vang. 70 năm qua, trong mọi giai đoạn lịch sử, Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ báo chí cả nước đã đồng hành cùng đất nước và đã có những đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.

Trong truyền thống vẻ vang của nền báo chí Cách mạng, bản thân tôi cảm nhận được một trong những điều sâu sắc nhất, đó là tính tiên phong và tinh thần cống hiến của những người làm báo Cách mạng Việt Nam. Không chỉ trong thời chiến mà ngay trong thời bình, vẫn còn không ít nhà báo nhiều lúc phải tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thậm chí nguy hiểm.

Nhưng vượt lên mọi hoàn cảnh, các nhà báo của chúng ta luôn luôn phát huy tinh thần tiên phong, cống hiến và đều nhận thức được một cách sâu sắc rằng: Làm báo là làm cách mạng; người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Vậy trong giai đoạn hiện nay, nền báo chí Cách mạng có diện mạo mới như thế nào, thưa ông?

-  Hiện nay chúng ta có nền báo chí đang phát triển mạnh mẽ và đang vươn lên để có thể đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Chúng ta có hệ thống báo chí gồm hơn 900 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình; có đội ngũ với hơn 45.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 25.000 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. 

Với lực lượng ngày càng hùng hậu, trong mọi giai đoạn cách mạng, luôn có sự đóng góp rất xứng đáng của đội ngũ người làm báo và của Hội Nhà báo Việt Nam.

Lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Ông nhận xét về công tác truyền thông của báo chí về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua?

- Hiện nay, cùng với y tế, quân đội, công an…,  báo chí là một trong những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Thời gian vừa qua, những người làm báo đã tham gia vào mặt trận chống dịch như những chiến sĩ và có thể nói ở đâu có hoạt động chống dịch - kể cả những nơi có độ rủi ro cao thì ở đó đều có mặt của những người làm báo. Dù nơi tâm dịch hay trong bệnh viện, những thước phim, những tư liệu sống động tác nghiệp tại hiện trường của các nhà báo đã làm cho nhân dân hiểu được tầm vóc của “cuộc chiến” mà toàn Đảng, toàn dân đang triển khai vô cùng quyết liệt. 

Phóng viên Báo PLVN tác nghiệp tại điểm cách ly tập trung ở Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 (Thanh Hóa).
 Phóng viên Báo PLVN tác nghiệp tại điểm cách ly tập trung ở Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 (Thanh Hóa).

Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam chúng ta đang nổi lên như một điểm sáng toàn cầu. Thành công bước đầu này là sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có đóng góp rất quan trọng của báo chí. Thông qua công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân một cách kịp thời, chính xác, giúp cả xã hội đồng thuận, chung sức, chung lòng cùng Đảng và Chính phủ chống dịch thành công. 

Có thể nói, hiệu quả to lớn trên mặt trận tuyên truyền của báo chí đã đóng góp vào thành công chung trong cuộc chiến chống dịch hiện nay.

Hiện nay, chúng ta đã và đang thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của nền báo chí nước nhà sau khi thực hiện Quy hoạch? 

- Việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc là hết sức cần thiết. Thứ nhất, giúp chúng ta phát triển báo chí đúng hướng và hiệu quả hơn. Thứ hai, thông qua công tác quy hoạch, chúng ta có thể khắc phục được tình trạng chồng chéo làm lãng phí nguồn nhân lực. Thứ ba, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong hoạt động báo chí, trong đó có vấn đề đạo đức của người làm báo.

Tất nhiên, trong việc thực hiện quy hoạch cũng có những khó khăn nhất định, nhưng vì mục tiêu chung của nền báo chí nên chúng ta đang thực hiện một cách rất nghiêm túc. 

Cũng liên quan tới Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc,  Hội Nhà báo Việt Nam đã và sẽ có những việc làm cụ thể như thế nào để hỗ trợ, tạo điều kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên, nhà báo?

- Như đã nói, trong quá trình thực hiện quy hoạch, chúng ta gặp một số khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là vấn đề cơ cấu lại các cơ quan báo chí và giải quyết việc làm cho hội viên, người làm báo. Việc quy hoạch chắc chắn sẽ tác động mạnh và trực tiếp đến đời sống của từng nhà báo, hội viên, các cấp hội và cơ quan báo chí. Có cơ quan phải sáp nhập hoặc chuyển từ báo thành tạp chí, nhưng có cơ quan phải giải thể, từ đó có một bộ phận người làm báo hoặc phải chuyển sang làm việc khác hoặc mất việc…

Nhận thức rõ vấn đề này, với trách nhiệm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, trong việc thực hiện quy hoạch và quản lý báo chí toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam đã đồng hành, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm để hỗ trợ, giúp đỡ các cấp hội và hội viên. 

Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn và đề nghị các cấp từ Trung ương đến địa phương khi thực hiện quy hoạch báo chí cần quan tâm thích đáng để giải quyết, hỗ trợ một cách cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, những người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam luôn đồng hành cùng các cấp hội và hội viên để thực hiện tốt quy hoạch báo chí. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm