8 chất ma túy lần đầu phát hiện tại Việt Nam

(PLVN) - Tổng cục Hải quan mới đây đã có thông báo đến Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc những thông tin và hình ảnh của 8 chất “ma túy mới” để các đơn vị biết, lưu ý trong quá trình thực hiện các biện pháp kiểm soát ma túy theo quy định.
Một số chất mới này có tính năng, tác dụng như chất ma túy không có trong danh mục của Việt Nam.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới vẫn rất “nóng”.

Phổ biến thông tin, hình ảnh để kịp thời kiểm soát

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, trong thời gian qua, Viện Khoa học hình sự (C09) - Bộ Công an đã nhận được các quyết định trưng cầu giám định chất ma túy nghi là ma túy loại mới xuất hiện ở Việt Nam.

Qua công tác nghiệp vụ, Viện Khoa học hình sự đã xác định được 8 chất ma túy mới lần đầu phát hiện ở nước ta bao gồm: 1cP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA.

Cả 8 chất trên đều có tác dụng tương tự các chất ma túy; chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam nhưng đã được một số nước trên thế giới đưa vào danh mục kiểm soát ma túy. Hiện nay, Bộ Công an đang đề nghị bổ sung 8 chất trên vào danh mục chất ma túy tại Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhận định đây là thủ đoạn lợi dụng các chất ma túy mới, chưa có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép… gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Qua kênh hợp tác quốc tế do Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận, Hải quan Nhật Bản đã bắt giữ một số hàng hóa khai báo là thuốc lá qua tuyến đường chuyển phát nhanh Việt Nam – Nhật Bản có chứa chất MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA.

Để có các biện pháp kiểm soát ma túy kịp thời, Tổng cục Hải quan đã phổ biến các thông tin và hình ảnh của 8 chất “ma túy mới” này. Hiện nay, lực lượng chức năng đã nhận diện được đặc điểm mẫu thu giữ, đặc điểm hóa học (bao gồm: công thức phân tử, khối lượng, tên khoa học, tên khác, công thức cấu tạo), địa bàn xuất hiện, cách dùng... của 8 chất mới nêu trên.

Lợi dụng dịch bệnh để vi phạm

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 và những tháng đầu năm 2021, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm.

Tổng cục Hải quan nhận định, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 7/2021 diễn biến không phức tạp. Các vụ bắt giữ chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ, trị giá hàng vi phạm thấp được vận chuyển trái phép qua biên giới. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, đồ chơi trẻ em, gỗ, gia cầm, sản phẩm đông lạnh…

Tuy nhiên, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Chỉ trong tháng 7/2021, tuyến hàng không, bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy. Trên tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh,… tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi với số lượng ma túy bắt giữ lớn.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn cảnh báo phương thức, thủ đoạn và tăng cường công tác kiểm soát ma túy và Thông báo 08 chất “ma túy mới” lần đầu phát hiện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm soát hải quan, đã ban hành Kế hoạch điều tra, xác minh bổ sung việc nhập khẩu 50 container gỗ của Công ty TNHH Inbe Á Châu có dấu hiệu vi phạm.

Kết quả, tính từ 16/6-15/7/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 99 tỷ 536 triệu đồng. Số thu ngân sách đạt 23 tỷ 581 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 03 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ.

Đọc thêm