Bi kịch đẩy Sồng A Đùa đến "điểm cuối" của cuộc đời
Giữa những ngọn núi cao quanh năm sương mù bao phủ của bản Co Tang, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nơi được mệnh danh là "điểm nóng" của ma túy, có một câu chuyện buồn về Sồng A Đùa – một người đàn ông dân tộc Mông với quá khứ đắng cay và những sai lầm không thể quay đầu.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó với người cha nghiện ngập, mẹ thần kinh không ổn định, cuộc sống của Đùa là chuỗi ngày dài thiếu thốn và bơ vơ. Lớn lên trong vùng đất mà ma túy như một thứ hàng hóa phổ biến, Đùa không được chỉ dạy để tránh xa những cạm bẫy xung quanh mình. Môi trường ấy đã dẫn Đùa cùng em trai là Sồng A Chồng sa vào con đường tội lỗi. Khi nhận lời tham gia phi vụ mua bán ma túy với mong ước kiếm được chút tiền thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, Đùa không hề hay biết rằng mình đang bước vào vực thẳm.
Năm 2008, lần đầu tiên Đùa nhận lời tham gia vào phi vụ mua bán ma túy, hy vọng có thể kiếm tiền thoát khỏi cảnh nghèo túng. Em trai anh, Sồng A Chồng, làm trung gian cho hai người mua, Thăng và Thọ. Thỏa thuận đã được lập: Thăng và Thọ sẽ đặt cọc, và Chồng sẽ vận chuyển ma túy đến tận nhà họ. Tháng 10/2008, Thăng và Thọ quay lại, giao trước 50 triệu đồng và một chiếc xe máy để đặt mua 5 bánh heroin với giá 9.000 USD mỗi bánh. Chuyến đi qua biên giới Lào để lấy hàng diễn ra suôn sẻ, Đùa và Chồng lái xe đến Bắc Giang giao hàng, nhận về 45.000 USD và mỗi người được trả công 5 triệu đồng.
Chỉ vài ngày sau, Thọ tiếp tục đặt mua 15 bánh heroin, Chồng lại lên đường sang Lào lấy hàng, lần này còn mang theo cả một quả lựu đạn mỏ vịt để phòng thân. Đêm ngày 29/10/2008, Chồng, Đùa cùng đồng bọn mang hàng đi giao. Tuy nhiên, xe chở hàng bị hỏng giữa đường, buộc họ phải chuyển sang xe máy để tiếp tục. Đến cầu Thanh Trì, họ bị công an kiểm tra. Hoảng loạn, Đùa rút 50 triệu đồng ra hối lộ công an, nhưng không qua mặt được lực lượng chức năng. Tất cả đều bị bắt giữ cùng tang vật, khép lại chuỗi ngày tự do của Đùa.
Tại Tòa án nhân dân Hà Nội, Đùa nhận án chung thân vì tội mua bán trái phép ma túy và thêm 2 năm tù vì tàng trữ vũ khí quân dụng. Tòa án tỉnh Sơn La cũng xử phạt Đùa chung thân cho những lần buôn bán khác mà anh đã thành khẩn khai nhận. Tổng hợp hình phạt, Đùa phải chấp hành án chung thân và nộp phạt 50 triệu đồng.
Ngồi đối diện chúng tôi, Sồng A Đùa, giờ là một người đàn ông trung niên với đôi mắt đượm buồn, da sạm đen và khuôn mặt tròn dày những dấu vết của sự ân hận.
Đùa nhớ lại ngày hắn bị bắt, khi ấy hắn mới 24 tuổi, bỏ lại phía sau mái nhà nhỏ với hai đứa con thơ (một đứa mới lên 4, một đứa vừa tròn 2 tuổi). Những đêm đầu tiên trong trại giam, hắn thức trắng, tự vấn bản thân: “Tại sao mình lại để gia đình tan nát đến thế? Tại sao mình lại đẩy các con vào cảnh bơ vơ?” Nhận bản án chung thân, Đùa hiểu rằng, rất có thể hắn sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội trở về nhà.
Những năm đầu, vợ Đùa vẫn đều đặn lên thăm, mang theo các con để chúng nhớ mặt cha. Thế nhưng, đến năm 2018, vợ hắn không còn xuất hiện nữa, một phần vì không chịu nổi cảnh cô độc chờ đợi. Sau đó, nghe tin vợ quyết định rời đi để bắt đầu cuộc sống mới, Đùa gục ngã. Trong nỗi cô đơn và sự giày vò, hắn trách bản thân vì đã khiến vợ con phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định mù quáng của mình.
Đến khi bước qua tuổi 40, các con của Đùa đã lớn, lập gia đình và có con cái. Mỗi khi nghĩ về chúng, Đùa cảm thấy như bị xát muối vào lòng. “Ngày tôi đi tù, chúng còn bé xíu, nào có hiểu gì. Giờ chúng có con, có cháu, vậy mà tôi chưa một lần được bế chúng nó,” Đùa nghẹn ngào. Hắn vẫn nhớ ngày con gái đi lấy chồng, hắn phải nhờ chị dâu bán đất để lo hồi môn, nhưng sự bù đắp ấy cũng chẳng làm vơi đi nỗi day dứt trong lòng.
Nhờ sự động viên của các cán bộ trại giam, Đùa bắt đầu cải tạo tốt hơn. Từ những ngày đầu chỉ đạt kết quả cải tạo trung bình, dần dần được xếp loại khá. Đùa bày tỏ lòng biết ơn đối với các cán bộ đã cảm hóa và hướng dẫn mình trên con đường cải tạo. Năm 2021, khi nhận tin được giảm án từ chung thân xuống 30 năm, Đùa đã không thể cầm được nước mắt. Đối với Đùa, đó là tia sáng hy vọng, dù hiểu rằng ngày về của mình vẫn còn xa lắm. “Dù đến lúc đó tóc tôi đã bạc, chân tay chẳng còn khỏe, nhưng chỉ cần được về là đủ,” hắn nói, giọng đầy khao khát.
Giờ đây, Đùa đã biết may hoàn chỉnh một bộ quần áo, công việc mà hắn chưa từng nghĩ tới trước đây. Đùa tự nhủ, nếu có ngày về, sẽ mua tấm vải đẹp nhất, tự tay may tặng các con, các cháu những bộ quần áo tử tế, bởi đó là cách duy nhất hắn có thể bù đắp phần nào sự thiếu vắng của mình. "Bao nhiêu năm nay, tôi chưa một lần được chăm sóc chúng, chỉ mong bù đắp được chút nào cho chúng thôi,” Đùa ngậm ngùi nói.
Khi các con lên thăm, Đùa chỉ còn biết khuyên chúng tránh xa tội lỗi, sống cuộc đời tử tế, đừng lặp lại con đường mà cha chúng đã đi. Hắn thấm thía rằng cuộc sống chân chính chỉ có được qua học tập và lao động lương thiện.
Cuộc đời của Sồng A Đùa đã chệch hướng trong một khoảnh khắc, và giờ đây, Đùa phải sống cùng với nỗi ân hận suốt đời. Hy vọng cuối cùng của Đùa là những đứa con của hắn sẽ không bao giờ đi vào vết xe đổ của cha chúng.
Mộng làm giàu từ “cái chết trắng” tới bi kịch sau song sắt
Trong căn phòng tĩnh lặng tại trại giam Yên Hạ, Khà A Tú – một người đàn ông người Mông quê gốc ở Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình ngồi lặng lẽ nhìn vào khoảng không. Ở tuổi 46, sau 18 năm 20 ngày chấp hành án chung thân vì tội mua bán trái phép ma túy và tàng trữ vũ khí, Tú cuối cùng cũng thấm thía cái giá phải trả cho những lầm lỡ.
Khi kể lại câu chuyện của mình, đôi mắt Tú ánh lên nỗi ân hận xen lẫn niềm khát khao mãnh liệt về một cơ hội sửa sai.
Khà A Tú, sinh năm 1976, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Tú là con thứ năm trong nhà, từ nhỏ đã theo cha mẹ lên nương, trồng ngô, trồng lúa. Đối với một chàng trai vùng cao chất phác như anh, cuộc sống tuy khó khăn nhưng lại tràn đầy sự ấm áp của gia đình. Đến khi lớn lên, gặp và yêu Vàng A Sú, cuộc đời Tú như có thêm sức mạnh. Cả hai kết hôn và có với nhau hai đứa con. Tú chăm chỉ làm nương rẫy, cuộc sống tuy đạm bạc nhưng tràn đầy niềm vui.
Với khát khao thoát nghèo và giúp đỡ bản làng, Tú làm thêm đủ việc, từ bốc vác đến làm thuê. Đồng lương ít ỏi chẳng đủ để Tú nuôi sống gia đình nói chi đến việc thực hiện ước mơ cao cả của mình. Dần dần, cảm giác bất lực len lỏi vào tâm trí anh. Trong sự túng quẫn đó, Tú bị cuốn vào ma túy, và càng ngày anh càng trở nên phụ thuộc.
Đến một ngày, người bạn đồng hao tên Khà A Giàng đã đến gặp Tú, gợi ý cho hắn một “công việc nhẹ nhàng” và kiếm nhiều tiền - buôn bán ma túy. Dù biết rằng việc này là phạm pháp, nhưng khát khao tiền bạc đã khiến Tú gật đầu đồng ý.
Những giao dịch đầu tiên của Tú diễn ra trót lọt, nhưng cũng chính chúng đã đẩy cuộc đời Tú vào một ngã rẽ không thể quay lại. Mỗi chuyến hàng lại là một nấc thang xuống vực thẳm. Đến tháng 4 năm 2006, trong một lần giao dịch, Tú đã bị bắt giữ khi đang mang theo heroin cùng súng và lựu đạn. Với những hành vi phạm tội, Tú bị kết án tù chung thân (giảm từ án tử hình).
Những ngày đầu trong trại giam là chuỗi ngày đen tối với Tú. Nghe bạn tù nói, án chung thân đồng nghĩa với việc không bao giờ có cơ hội trở về, Tú đã suy sụp hoàn toàn. Trong thời gian dài, Tú bị kỷ luật liên tục vì quậy phá, không chịu cải tạo.
Sau nhiều lần vi phạm, vì phải chịu kỷ luật nên hai lần khi vợ lên thăm, Khà A Tú đều không được gặp. Tú bảo, tới lần thứ 3, khi được gặp mẹ, gặp vợ và các con thì vợ Tú có nói với Tú một câu: “Anh đã vào trong này rồi. Tại sao anh lại hành xử như thế? Anh không muốn về nhà với vợ con nữa à?!” - câu hỏi này đã khiến Tú thức tỉnh.
Cùng với những lời động viên từ các cán bộ quản giáo, Tú dần hiểu ra rằng: nếu anh cố gắng cải tạo tốt thì vẫn có hy vọng được giảm án. Từ đó, Tú bắt đầu lao động, học tập và hăng hái tham gia vào các hoạt động văn hóa do trại phát động để mong sớm nhận được sự khoan hồng của Nhà nước.
Và rồi, Tú đã làm được. Dưới sự giáo dục của cán bộ trại giam cùng sự nỗ lực của bản thân, kể từ năm 2015 cho đến nay, Khà A Tú liên tục cải tạo tốt và được xếp loại khá. Tú được giảm án 5 lần. Năm 2022 Tú còn được tuyên dương trên loa phát thanh của phân trại do đã có thành tích trong phong trào thi đua do trại phát động.
Giờ đây, Tú chỉ còn hơn 7 năm tù. Anh ngậm ngùi nói, “Tôi sẽ cố gắng để rút ngắn thời gian lại, về với gia đình càng sớm càng tốt.”
Song mỗi khi nghĩ về vợ con, về gia đình, lòng Tú lại trĩu nặng. Cha mẹ Tú giờ đã già yếu, nhiều năm qua không thể lên thăm con. Vợ Tú đã gồng gánh cả gia đình suốt ngần ấy năm, đối mặt với bao khó khăn để chăm sóc các con khi không có chồng bên cạnh. Anh nhận ra rằng ước mơ đổi đời sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nếu chọn con đường bất chính. “Nếu ngay từ đầu tôi chọn cái nghèo nhưng trong sạch, sống thiện lương và không buôn bán ma túy, có lẽ cuộc sống của tôi đã khác,” Tú nói trong nghẹn ngào.
Trong những ngày tháng còn lại ở trại, Tú chỉ có một mong ước duy nhất là được sớm về nhà, xây lại chuồng trại, làm ăn lương thiện và phụ giúp vợ chăm sóc con cái. Anh muốn sống một cuộc đời bình dị, giản đơn nhưng trong sạch và thanh thản. “Qua 18 năm trong trại, mỗi ngày tôi đều tự nhắc mình tránh xa con đường này. Nếu thời gian có thể quay lại, có cho tiền tỷ tôi cũng sẽ không làm. Cái giá phải trả quá đắt…” Tú thở dài, đôi mắt dõi về xa xăm.