Sáng 6/8, trả lời báo chí, Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin trên.
Theo Thượng tá Thịnh, hiện đã có 8/17 con hổ bị chết, nguyên nhân đang được cơ quan chuyên môn làm rõ. Số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.
Trước đó, sáng 4/8, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất và phát hiện tại nhà của ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đang nuôi nhốt 14 con hổ trưởng thành, trọng lượng gần 200 kg/con.
Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An trao đổi với báo chí |
Cùng thời gian trên, lực lượng công an phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi) nuôi nhốt 3 con hổ trọng lượng từ 225 đến 265 kg.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, cơ quan công an đã sử dụng thuốc gây mê để vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu để gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, đến nay có 8 con hổ đã chết.
Việc nuôi nhốt hổ trái phép ngay trong khu dân cư, không chỉ vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn cho người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, 2 hộ gia đình xây dựng hầm để nuôi nhốt.
Theo tìm hiểu, nguồn gốc hổ chủ yếu đưa từ Lào về, sau đó được các hộ dân vỗ béo rồi xẻ thịt, nấu cao bán kiếm lời. Vì lợi nhuận rất cao nên không ít người đổ tiền đầu tư, xây dựng hầm, hệ thống chuồng trại để nuôi hổ như... nuôi heo!