Đột quỵ là nguyên nhân tử vong và tàn tật hàng đầu tại Việt Nam trong 10 năm qua. Không chỉ gia tăng tỷ lệ tử vong, đột quỵ còn để lại các di chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng lâu dài đến người thân, cộng đồng và xã hội. Bất cứ ai cũng đều có thể là nạn nhân của đột quỵ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia đầu ngành, 80-90% đột quỵ có thể phòng tránh được hoàn toàn với những biện pháp đơn giản. Tuy nhiên nhiều người vẫn có những quan niệm sai lầm về căn bệnh này, dẫn tới không có biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Sau đây là 8 sai lầm phổ biến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chỉ ra:
Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi
Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi) nhưng ngày nay đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ở Việt Nam có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Nguyên nhân là do việc lạm dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng “béo phì văn phòng” làm gia tăng các vấn đề về bệnh lý tim mạch.
Đột quỵ là một tình trạng hiếm gặp.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở Việt Nam (21,7%) với khoảng 200,000 trường hợp mỗi năm. Những trường hợp bệnh lý tim mạch đặc biệt là những rối loạn liên quan đến nhịp có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với người bình thường.
Người gầy không bị đột quỵ
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có đột quỵ. Tuy nhiên, dù gầy nhưng vẫn sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ bị đột quỵ nếu như có một lối sống không lành mạnh, ít vận động và sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá) hay mắc các bệnh lý mãn tính khác như rung nhĩ, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Trúng gió và đột quỵ là một
Trúng gió (trúng phong) thể hiện trạng thái cơ thể bị nhiễm lạnh và cảm cúm. Trong khi đó, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng xảy ra khi có sự ngưng trệ trong dòng máu dẫn đến việc cung cấp máu nuôi não bị gián đoạn từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có thể phân biệt bằng quy tắc BE FAST.
BE FAST quy tắc để nhận biết sớm đột quỵ |
Không thể phòng ngừa đột quỵ
Mọi lứa tuổi hoàn toàn có thể ngăn ngừa đột quỵ bằng cách thay đổi lối sống bao gồm tập thể dục, giảm cân và từ bỏ các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá). Đối với nhóm người đã mắc các bệnh mãn tính khác như rung nhĩ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường thì việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố tiên quyết trong việc ngăn chặn cơn đột quỵ.
Người bị đột quỵ sẽ không còn nguy cơ bị đột quỵ nữa
Khoảng 26% bệnh nhân sau đột quỵ sẽ bị tái phát đột quỵ, tỷ lệ tái phát đột quỵ trong năm đầu tiên lên đến 11%. Vì vậy việc tuân thủ điều trị là cực kỳ quan trọng đối với nhóm người bệnh trên từ đó làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Tập luyện thể thao liên tục giúp làm giảm nguy cơ bị đột quỵ
Tập thể dục luôn là phương pháp tốt để cải thiện sức khỏe giúp làm giảm các nguy cơ về đột quỵ. Tuy nhiên việc vận động quá sức hay thể thao quá độ khiến cho cho cơ thể bị mệt mỏi, làm phản tác dụng và đôi khi làm tăng các yếu tố về tim mạch cũng như dẫn tới đột quỵ. Vì vậy tập luyện thể thao hằng ngày lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi.
Không thể phục hồi sau đột quỵ
Người bệnh vẫn có thể hồi phục sau đột quỵ nếu như được cấp cứu và điều trị kịp thời. Thời gian vàng trong cấp cứu điều trị đột quỵ là từ 0 - 6 giờ đầu sau khi bị đột quỵ. Nhận biết và thực hiện quy tắc BE FAST rất quan trọng giúp người bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời, làm giảm tỉ lệ tử vong cũng như di chứng do đột quỵ gây ra.