80% lượng rượu tiêu thụ không được kiểm soát chất lượng

(PLO) -Theo quy định, toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước phải được dán tem và đăng ký bản công bố hợp quy về chất lượng, tuy nhiên phần lớn những loại rượu được chào bán trên thị trường hiện nay đều không có tem, nhãn. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tìm hiểu về thị trường rượu, phóng viên tìm đến một quán ăn trên đường Thiên Hiền (Mỹ Đình - Hà Nội) tại đây, được nhân viên giới thiệu rất nhiều loại rượu: “Nhà em có rượu táo mèo, ba kích, rượu sâm, rượu quê và cả những loại rượu ngoại đắt tiền. Thường khách đến nhà em hay dùng rượu quê và rượu táo mèo loại này uống khá được mà không quá nặng”.

Tuy nhiên, sau những lời mời chào “có cánh” tuyệt nhiên, nhân viên không hề nhắc đến nhãn mác cũng như nguồn gốc xuất xứ của rượu. Khi chúng tôi hỏi, nhân viên chỉ khẳng định rượu không pha cồn. Đây chỉ hai trong số rất nhiều điểm công khai bán rượu với nhiều loại rượu và được nhiều người tìm mua.

Theo quy định, toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước phải được dán tem và đăng ký bản công bố hợp quy về chất lượng, tuy nhiên phần lớn những loại rượu được chào bán trên thị trường hiện nay đều không có tem, nhãn.

Và theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu thì các cơ sở sản xuất rượu phải đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm phải đăng ký chất lượng với Sở Y tế mới được phép mua tem rượu sản xuất trong nước.

Quy định này đã dẫn đến một thực tế là tất cả các cơ sở và cá nhân sản xuất rượu trong nước đều không thể mua được tem thuế do không đạt tiêu chuẩn của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Vì vậy, họ lựa chọn cách bán sản phẩm của mình ra thị trường mà không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của mình cũng như không nộp bất cứ loại thuế nào.

Chính điểm này đã trở thành “lỗ hổng” để rượu giả trà trộn vào thị trường. Vì muốn tăng lợi nhuận và bán ra thị trường với số lượng lớn, nhiều gian thương đã sử dụng methanol pha chế ra loại rượu giả.

Thực tế đã chứng minh, chỉ trong vòng nửa tháng sau khi ra quân, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn lít rượu chứa methanol. “Tính đến nay toàn thành phố đã kiểm tra 3.950 cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến rượu, thu giữ trên 50.000 lít rượu, tiêu hủy 1.600 lít rượu và xử phạt gần 1 tỷ đồng” - ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Không chỉ tại Hà Nội, lực lượng chức năng còn tiếp tục phát hiện và bắt giữ hàng nghìn lít rượu chứa cồn công nghiệp tại các tỉnh, thành khác. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết:“Từ ngày 1-15/3, sau khi ra quân kiểm tra, 4 Chi cục QLTT Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng và Hà Nội đã phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu, trên 300 chai rượu và 4,9kg men ủ rượu”.

Ảnh hưởng của methanol không chỉ dừng lại ở đó, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, những vụ ngộ độc rượu cấp tính gần đây chỉ là bề nổi. Bởi đằng sau đó là hàng triệu người có thể bị ngộ độc mãn tính, tức là sẽ tác động từ từ đến sức khỏe con người mà chưa đánh giá đầy đủ được. Vì vậy, cần cấm tuyệt đối sử dụng cồn công nghiệp, quản lý chặt chẽ không để tiêu thụ methanol trên thị trường.

Đề xuất hạn chế tình trạng rượu chứa methanol tràn lan trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục Phó Chi cục QLTT Hà Nội cho hay:“Tôi đề xuất cơ quan chức năng quản lý chặt việc sản xuất kinh doanh cồn công nghiệp bởi đây chính là nguyên liệu đầu vào chủ yếu sản xuất rượu giả trên thị trường hiện nay”.

Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, bà Lê Việt Nga - Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cũng cho biết: “Loại rượu không tem, nhãn mác bắt buộc các cơ quan chức năng phải tịch thu và một điều quan trọng là việc quản lý loại cồn phi thực phẩm (methanol - PV). Cần phải có những biện pháp để phân biệt loại cồn phi thực phẩm, giúp người dân biết được tránh việc sử dụng chúng pha chế rượu”.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương  Phan Chí Dũng cho rằng quy trình cấp phép phải đơn giản hoá để các cơ sở kinh doanh dễ dàng đăng ký với chính quyền việc bán rượu có nguồn gốc, tem nhãn, thành phần rõ ràng thuận tiện, cấm bán rượu không có nguồn gốc.

Mặt khác, theo ông Đinh Đăng Hiếu, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho rằng: “Việc quản lý rượu trôi nổi trên thị trường hiện nay phần lớn nằm ở công tác quản lý của các địa phương. Vì vậy, tôi đề xuất tăng thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ sở quản lý tại địa phương. Chỉ cần làm tốt khâu này, chúng ta sẽ hạn chế được lượng rượu trôi nổi, không tem mác trên thị trường”.

Đọc thêm