Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Các đại biểu quan tâm đến những khó khăn của cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Tham gia chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, vấn đề đạo đức phóng viên đang rất được quan tâm trong những năm gần đây. Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế báo chí. Trước đây 80% quảng cáo trực tuyến thuộc về báo chí thì nay thuộc về mạng xã hội, tức là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thống chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây cũng sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện.
Về kinh tế báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí cũng phải thay đổi công nghệ. Hiện đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm nghề báo chí.
“Thực ra thu nhập của các phóng viên ở các cơ quan báo chí cũng không phải là thấp so với cán bộ, công chức. Nhiều cơ quan báo chí đã có mức thu nhập từ 15 - 20 triệu, thấp hơn so với doanh nghiệp truyền thông, nhưng cao hơn so với công chức, viên chức”, Bộ trưởng nêu rõ.
Nhận thấy vấn đề đạo đức báo chí trong nhiều năm chưa được quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này là tập trung vào đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí.
|
Đại biểu Tạ Thị Yên. (Ảnh: quochoi.vn) |
Cùng mối quan tâm với Đại biểu Hòa, Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cũng đặt vấn đề cần giải quyết bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Yên, Bộ trưởng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, quảng cáo trực tuyến lên tới 80%. Như vậy, nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Về sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời quá trình sửa Luật sẽ theo hướng, Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: quochoi.vn) |
Tranh luận, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không? Và có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?
Giải đáp, về ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật, Bộ trưởng nêu rõ, có khoảng 50 nội dung về định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến ngành Truyền thông. Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cố gắng hoàn thành khoảng 80%, còn lại đến đầu quý II sẽ cố gắng ban hành đủ 100% văn bản về vấn đề này. Tuy nhiên, một số quy định trước đây quá khó, nhiều cơ quan chủ quản khó ban hành định mức, mặc dù Bộ đã có hướng dẫn. Các định mức kinh tế, kỹ thuật mới được Bộ xây dựng theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm định, đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hành chính.