“Mảnh đất” kinh doanh đa cấp còn rất lớn
Tại buổi tọa đàm "Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam" do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo điện tử VTC News tổ chức mới đây, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - cho biết, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Cụ thể, tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Kinh doanh đa cấp tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), bán hàng đa cấp hay còn gọi là kinh doanh đa cấp là mô hình kinh doanh rất phố biến và thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như: bạn bè, người thân.
Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm.
Theo ông Long, tiềm năng của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam là rất lạc quan, với dân số Việt Nam gần 100 triệu dân, đời sống của người dân luôn được cải thiện, xu nhập có xu hướng tăng, đặc biệt tầng lớp trung lưu. Do vậy dư địa của kinh doanh đa cấp còn rất lớn. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi khi tham gia kinh doanh đa cấp như được pháp luật thừa nhận; không mất chi phí đầu tư, không cần mặt bằng, không cần ôm hàng, không áp lực về doanh số, không ràng buộc về thời gian. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia dễ dàng, không phân biệt trình độ học vấn, nơi đang sống và cũng có thể tạo ra một kênh kiếm tiền tự động.
Việt Nam cũng nằm Top 5 thị trường thế giới tăng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm 2019. Số người bán hàng đa cấp đứng thứ 5 Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Philipines và Malaysia.
Người Việt “dị ứng” do kinh doanh đa cấp biến tướng
Tiềm năng là vậy, nhưng theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), ở Việt Nam đa cấp vẫn chưa phải là mô hình kinh doanh phổ biến. Đa số người Việt Nam có cái nhìn không thiện cảm đối với mô hình kinh doanh theo mạng này.
Lý do của tình trạng này, theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động đa cấp chính thống, còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức này để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp. Có thể kể như hoạt động của hệ thống Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin… hay các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex...
Các hoạt động đa cấp biến tướng không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia…
Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, những mô hình này thường yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng. Đồng thời, đưa thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; từ chối quyền lợi của người tham gia; mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia…
Theo ông Long, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh đa cấp nên bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm.
Để tạo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh, theo ông Trịnh Anh Tuấn, các doanh nghiệp đa cấp chân chính phải bảo vệ chính mình trước. Trước hết, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính phải đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ tiêu thụ trong hệ thống. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các hoạt động, tăng cường đào tạo để nhà phân phối kinh doanh đúng pháp luật, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cần giám sát, theo dõi thị trường chặt chẽ để phát hiện nhưng bất thường của thị trường. Chính doanh nghiệp phải biết được sự bất thường này và có kết nối với Bộ Công Thương để Bộ có thông tin xử lý kịp thời.