Bạo lực và xung đột gia tăng ở Yemen đã giết chết ít nhất 10.000 người và đẩy quốc gia này đến bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất thế giới trong vòng 100 năm qua, khiến 14 triệu người có nguy cơ chết vì đói. Hiện theo ức tính của LHQ, khoảng 400.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng vào năm 2018, nhiều hơn 15.000 trường hợp so với năm ngoái.
Theo CNN dẫn phân tích của tổ chức Save the Children về dữ liệu mới nhất của LHQ, từ tháng 4/2015 đến tháng 10/2018, hơn 84.700 trẻ em dưới 5 tuổi chết do không được điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng - hoặc nói một cách đơn giản là “đói”. Con số nghiệt ngã này thể hiện nỗi kinh hoàng về cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới đang diễn ra ở Yemen.
Hiện có khoảng 2/3 người dân Yemen thất nghiệp và không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Ngay cả với những người có việc làm, họ cũng phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình. Số lượng người dân có nguy cơ rơi vào nạn đói, và thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ để sống sót, đã tăng từ 11 triệu lên 14 triệu người.
“Hệ thống miễn dịch của hàng triệu người đang bị phá vỡ, làm cho họ - đặc biệt là trẻ em và người già phải sống nhờ vào viện trợ - có nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng, bệnh tả và nhiều bệnh khác. Trong đó, trẻ em suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần khi mắc các bệnh thông thường.
Những đứa trẻ phải chịu nhiều đau đớn trước khi tử vong, thậm chí cơ thể yếu ớt đến mức không thể khóc thành tiếng. Cha mẹ phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng, nhưng bất lực không thể làm gì để cứu con của họ”, ông Tamer Kirolos, đại diện tổ chức Save the Children tại Yemen cho biết.
Mới đây, khoảng 51.000 tấn lúa mỳ, lượng lương thực đủ nuôi sống 3,7 triệu người Yemen trong một tháng, đã bị kẹt tại kho chứa ở cảng Biển Đỏ, tỉnh Hodeidah. Chương trình Lương thực Thế giới không thể tiếp cận vì các phiến quân liên tục giao tranh tại khu vực này.
“Nếu công tác viện trợ lương thực và nhiên liệu qua cảng Hodeidah bị gián đoạn dù trong thời gian rất ngắn cũng có thể gây nên cái chết cho hàng trăm nghìn trẻ em suy dinh dưỡng cần viện trợ để sống sót. Trong khi đó, số lương thực viện trợ chỉ giúp hàng triệu người không chết đói, chứ không thể giúp họ phát triển”, ông Kirolos nói thêm.
Nội chiến ở Yemen đã kéo dài 3 năm kể từ khi phiến quân Houthi, được Iran hỗ trợ, chiếm đóng phần lớn quốc gia Trung Đông, bao gồm cả thủ đô Sana'a. Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và nhiều nước đồng minh khác tham gia vào cuộc chiến kể từ năm 2015 để hỗ trợ chính phủ Yemen.