Theo chuyên gia Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, khói thuốc lá có thể làm hẹp các mạch máu ở lớp ngoài cùng của da và làm giảm lưu thông máu. Tình trạng lưu thông máu kém sẽ khiến da không nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Điều này kết hợp với hàng nghìn hóa chất độc hại có trong thuốc lá sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa. Do đó, vẻ ngoài của những người hút thuốc thường già hơn từ 1 - 4 tuổi so với những người không hút. Sau đây là một số hậu quả đối với làn da nếu hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động:
Hói đầu
Nghiên cứu tổng hợp năm 2021 đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, nam giới hút 10 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng rụng tóc từ trung bình đến nặng cao gấp ba lần. Nguyên nhân là do các chất độc trong thuốc lá phá hủy DNA trong tế bào nang tóc, gây co thắt mạch máu nuôi dưỡng tóc, giải phóng các gốc tự do ở nang tóc.
Ung thư da
Dựa vào kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu hút thuốc thì khả năng bị ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) có thể cao hơn tới 52% so với khi không hút. SCC là dạng ung thư da phổ biến thứ hai và thường xuất hiện trên môi của những người hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ gia tăng ung thư da đến từ việc hệ thống miễn dịch bị tàn phá bởi các chất độc hại có trong khói thuốc lá.
Như vậy, làn da phải chịu rất nhiều các tác động từ môi trường bên ngoài, trong đó có cả khói thuốc lá. Trong khói thuốc có đến hàng nghìn chất gây hại cho làn da, đặc biệt là nicotine. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên bề mặt làn da thông qua lớp thượng bì mà còn gián tiếp thông qua dòng máu. Chất nicotine có trong khói thuốc lá làm hẹp các mạch máu đến nuôi dưỡng lớp ngoài cùng của da, và chính vì vậy làn da không được cung cấp đầy đủ oxy và các dưỡng chất thiết yếu.
Lão hóa sớm
Hút thuốc lá gây lão hóa da sớm vì làm thu hẹp các mạch máu, hạn chế lượng oxy mà da nhận được, tăng sản xuất các gốc tự do và làm giảm lượng vitamin A trong da.
Ngoài ra, hút thuốc còn góp phần sản xuất metallicoproteinase (MMP), một loại enzyme phá vỡ collagen và elastin, những thành phần dạng sợi giúp da săn chắc, mềm mịn. Không có chúng, da trở nên thô ráp và kém đàn hồi, dẫn đến nếp nhăn sâu.
Người hút thuốc thường xuất hiện nếp nhăn sớm hơn nhiều người không hút. Nếp nhăn dễ thấy nhất trên mặt, giữa lông mày, quanh mắt, quanh miệng và môi. Nếp nhăn cũng có thể xuất hiện dọc quanh miệng do mím môi khi hút thuốc. Thói quen này còn gây chảy xệ da, nhất là dưới mắt và xung quanh viền hàm.
Bệnh vẩy nến
Vẩy nến là tình trạng của da khi có vấn đề về sự tự miễn dịch. Nếu hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh này sẽ cao hơn rất nhiều. Theo nghiên cứu, hút hết 20 điếu/ngày trong 10 năm sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tăng 20% và sẽ tăng tới 60% nếu là 11 - 20 năm. Với những người đã có thâm niên tới 20 năm thì nguy cơ này tăng gấp đôi. Phụ nữ khi mang thai, hoặc trẻ em trong gia đình có người hút thuốc cũng sẽ dẫn tới nguy cơ mắc vảy nến cao.
Chậm lành vết thương
Hút thuốc gây co thắt mạch máu, làm suy yếu khả năng lưu thông máu của cơ thể và khiến vết thương khó lành hơn. Ngay cả những vết cắt và xước nhỏ cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục khi hút thuốc lá, khả năng sẹo cũng cao hơn.
Hầu hết bác sĩ đều khuyên bệnh nhân bỏ hút thuốc trước khi phẫu thuật vì hút thuốc cản trở quá trình lành vết mổ trên da. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Một nghiên cứu chung với Liên đoàn các Hiệp hội Bác sĩ Gây mê Thế giới (WFSA), WHO cho thấy cai thuốc lá 4 tuần giúp cải thiện sức khỏe gần 20% nhờ tăng lưu lượng máu đến các cơ quan thiết yếu trên khắp cơ thể.
Bệnh chàm
Bệnh chàm biểu hiện dưới dạng các mảng da đỏ, khô, ngứa. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ gây viêm da dị ứng, dạng bệnh chàm phổ biến nhất.
Một nghiên cứu năm 2018 trên hơn 2.000 sinh viên tại Trung Quốc cho thấy những người tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng da như bệnh chàm khi ở tuổi thanh thiếu niên. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hút thuốc có liên quan đến tăng nguy cơ mắc viêm da tiếp xúc, một loại bệnh chàm phổ biến khác.
Nghiên cứu năm 2019 trên 52 người ở Iran cho thấy mẩn đỏ và đốm đồi mồi giảm hẳn sau khi ngừng hút thuốc một tháng. Một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Khoa học Thẩm mỹ Quốc tế cũng phát hiện ra rằng làn da sáng hơn trong 4 đến 12 tuần sau khi bỏ thuốc.
Viêm mạch
Viêm mạch là nhóm bệnh tự miễn, trong đó các mạch máu thu hẹp và viêm, khiến cơ thể khó cung cấp máu đến tim và các cơ quan khác. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mạch gọi là bệnh Buerger cao hơn. Các triệu chứng bệnh Buerger có thể bao gồm ngón tay hoặc ngón chân nhợt nhạt, đỏ hoặc xanh, loét đau ở ngón tay hoặc ngón chân, lạnh tay hoặc chân và/hoặc đau ở tay, chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần như mọi trường hợp mắc bệnh Buerger đều liên quan đến hút thuốc lá. Không có cách chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Da tối màu, mụn nhọt
Hút thuốc lá trong thời gian dài cũng sẽ dần khiến làn da trở nên tối màu, sần sùi và xấu xí hơn. Trong thực tế, khi bỏ thuốc lá, tình trạng mụn đầu đen trên mặt cũng sẽ giảm, bọng mắt biến mất và làn da sẽ trở nên sáng hơn rất nhiều.
Mắt thâm quầng
Khi hút thuốc, cảm giác khó ngủ vào ban đêm thường cao gấp 4 lần so với người không hút thuốc. Nguyên nhân là bởi những triệu chứng thiếu nicotin xảy ra hàng đêm khiến người hút thuốc trở mình trằn trọc, thiếu ngủ lại là kẻ thù của sắc đẹp. Vậy nên trên khuôn mặt bạn sẽ dễ dàng xuất hiện vết thâm quầng do mất ngủ.