Cuộc sống luôn có những khó khăn, thử thách nhưng cũng chính đó là cơ hội để rèn luyện bản thân và thành công và từ đó nhận thức được rằng không có gì là phụ nữ không làm được. Không hẹn mà nên, những người phụ nữ đã và đang khởi nghiệp thành công đều nhận thức được như vậy.
Sống như một đóa hoa
Chị Nguyễn Thị Như Hoa ở Nghệ An là một phụ nữ khuyết tật, đơn thân nuôi con. Vì khuyết tật, chị cảm thấy mặc cảm, tự ti nhưng trong chị luôn khao khát quyết tâm vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thay đổi bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những ngày đầu bước vào cuộc mưu sinh, chị chọn nghề buôn bán hoa quả tại chợ, song chị nhận thấy với nghề đó, sức khỏe không đảm bảo, không đủ trang trải cuộc sống cho bản thân và con nhỏ. Sau nhiều lần thử sức với công việc may mặc, chị thấy nghề này phù hợp với sức khỏe và từ đó chị bắt đầu quyết tâm thực hiện hoài bão, ước mơ của mình.
Những buổi đầu chập chững vào nghề, với chị - phụ nữ khuyết tật nuôi con nhỏ, khó khăn lại tăng lên gấp bội. Chị đã phải cố gắng gấp nhiều lần so với một người bình thường khác, đi sớm về muộn, miệt mài học hỏi. Sau hơn một tháng học việc tại tiệm may gần nhà, với sự chịu khó, chăm chỉ cộng thêm chút ít khéo léo sẵn có, chị đã may thành thạo. Từ đó, chị vừa học nghề may lại vừa tranh thủ mọi thời gian để học thêm cắt may thời trang và đến năm 2010, chị đã tự tạo dựng được một tiệm may nhỏ.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết Đề án 939 đầu tháng 10/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, kỳ vọng của Chính phủ là khơi dậy tinh thần quốc gia khởi nghiệp, trong đó chị em phụ nữ có đóng góp không nhỏ. Đồng thời cũng kỳ vọng các doanh nghiệp của phụ nữ lớn mạnh không chỉ đơn thuần tính bằng vốn, bằng doanh thu mà còn có tính xã hội, hướng đến gắn kết với cộng đồng xung quanh, đóng góp giải quyết các vấn đề xã hội và trở thành những doanh nghiệp xanh, bền vững.
Từ bản thân mình, thấu hiểu suy nghĩ của những người phụ nữ khác, từ năm 2014 đến nay, chị luôn cố gắng tạo điều kiện cho nhiều bạn nữ học nghề và ổn định được cuộc sống bằng nghề may. Xưởng may Hoa Như của chị thường xuyên có khoảng 8 lao động nữ là người khuyết tật, là phụ nữ nghèo làm việc.
Sản phẩm của xưởng may Hoa Như luôn cho ra mẫu mã đẹp, hợp thời trang, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, vì vậy dù khó khăn do dịch bệnh nhưng sản phẩm vẫn được xuất xưởng đều đặn, qua đó, mức lương được đảm bảo đã phần nào giúp chị em phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo vững tin vào bản thân, tự đứng lên để hòa vào cuộc sống như những người bình thường khác.
Thậm chí, trong đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị vẫn đảm bảo mức lương bình quân 6 triệu/tháng cho mỗi lao động thông qua việc hướng dẫn cho chị em nhận sản phẩm về nhà làm trong đợt giãn cách.
Dưới sự hỗ trợ giúp đỡ, đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Hội Phụ nữ thành phố Vinh, trong năm 2020, chị đã đạt 3 giải thưởng trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, bao gồm: Giải clip xuất sắc nhất, Giải cánh én vàng và Giải ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc tự lực vươn lên để có sự nghiệp thành công, chị còn là một người mẹ đảm đang, nuôi dạy con tốt, giờ con trai của chị đã trưởng thành, là một chiến sỹ Công an nhân dân. Ngoài ra, chị cũng là người nhiệt tình, tận tâm tham gia nhiều hoạt động xã hội, hiện nay, chị là Ủy viên BCH Hội người khuyết tật của tỉnh, Ủy viên BCH Hội người khuyết tật TP Vinh, Phó Chủ nhiệm CLB Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An.
“Với quyết tâm khẳng định phụ nữ khuyết tật vẫn có thể trở thành doanh nhân, tôi học nghề may và nỗ lực để có tay nghề tốt. Sau 6 năm thành lập, hiện xưởng may Hoa Như tạo thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng cho 10 nhân sự. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 đã làm tôi thay đổi nhận thức. Tôi thấy rằng ngoài việc kinh doanh tốt, mình cần có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng. Từ đó, tôi đã có những hành động thiết thực như đóng bảo hiểm xã hội, quan tâm đến nơi ăn nghỉ của nhân viên, tham gia các hoạt động truyền cảm hứng cho phụ nữ tự tin vươn lên khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật”, chị Như Hoa cho biết.
Phụ nữ ở Sà Phìn, Hà Giang suốt ngày quanh quẩn với con cái, ruộng nương, không kiếm ra tiền nên không có tiếng nói. Từ mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc, tạo việc làm cho chị em, với sự chung tay của chính quyền, của Hội LHPN huyện Đồng Văn, Hợp tác xã (HTX) Lanh trắng xã Sà Phìn đã được thành lập. Những ngày đầu muôn vàn khó khăn ấp đến như: nguồn vốn ít, chị em chưa có tay nghề, tính kỷ luật chưa cao, hạn chế về thị trường tiêu thụ… nên Ban Quản trị phải ngồi lại bàn bạc tìm cách giải quyết, tháo gỡ. Khó khăn qua đi, HTX liên tục phát triển thêm các mô hình mới và liên kết với 40 hộ gia đình thành viên. Thu nhập bình quân HTX đạt từ 4 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, ngay từ khi mới thành lập, HTX Lanh trắng đã giúp 19 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bạo lực gia đình, bị mua bán qua biên giới có công việc, có nguồn thu nhập ổn định. Chị Sùng Thị Si – Giám đốc HTX cũng từng là nạn nhân bạo lực gia đình tâm sự: “Trước đây, mình không có tiền cho con đi học, ăn uống cũng rất thiếu thốn. Đến Tết cũng chỉ có một cân thịt, một yến gạo. Các con ăn mặc cũng không đầy đủ. Từ khi làm ở HTX có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng ổn định, thuận hòa hơn”.
Sinh năm 1965, chị Trịnh Thị Hồng mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Gia cảnh nghèo khó, chị phải làm nhiều nghề kiếm sống, từ công nhân ở xưởng may, cho tới nông dân trên đồng ruộng... nhưng chị luôn nung nấu ước mơ khởi nghiệp, làm giàu để có ngày đền ơn, giúp đỡ những người đã cưu mang mình. Chị nung nấu ý định biến rác thành sản phẩm có ích bắt đầu từ năm 2011. Khi đó, chị làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, TP Đà Nẵng.
Một lần, xe chở rác của Công ty Môi trường bị sự cố 4 ngày liền, rác ở khu phố tồn đọng, bốc mùi. Chị suy nghĩ làm sao sáng chế sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường từ các loại rác hữu cơ như rau, hoa, vỏ quả, cơm nguội cùng với một số thảo dược khác để sản xuất ra các dòng sản phẩm như nước rửa chén, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, nước lau nhà… Thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm và lại thất bại. Nhưng chị Hồng không bỏ cuộc, dù chính thời điểm đó chị phát hiện bị ung thư vú.
Bằng lòng kiên trì, sau 5 năm mày mò nghiên cứu, chị đã thành công với quy trình ủ rác thải thực vật, biến những thứ phế thải thành sản phẩm nước rửa chén, lau nhà sinh học. Minh Hồng Biotech ra đời vào năm 2015, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ thiên nhiên, sử dụng 100% rau, củ, quả, lá cây, dược liệu… Đến nay, sản phẩm của chị ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều của người dân trong thành phố và 63 tỉnh/thành trên cả nước; được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá năm 2015, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng năm 2018.
Không giấu nghề, chị Trịnh Thị Hồng còn chia sẻ công thức, chuyển công nghệ cho 32 hộ gia đình, chủ yếu là hộ phụ nữ nghèo, tạo điều kiện tăng thu nhập ổn định cho các hộ phụ nữ nghèo từ 4 - 8 triệu đồng/tháng/hộ, giải quyết việc làm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Chị Hồng là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019…
Tinh thần quốc gia khởi nghiệp có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ
Câu chuyện của những người phụ nữ trên đây là một vài nét chấm phá trong rất nhiều câu chuyện đã được nhắc đến trong nội dung sơ kết của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Đề án 939, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.
Sau 5 năm triển khai Đề án 939, bước đầu đã thay đổi cách nghĩ của phụ nữ, mạnh dạn thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng khoa học kỹ thuật, qua đó đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình và thể hiện rõ nét hơn vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội; thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia tổ chức Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương.
Những con số ấn tượng qua 5 năm thực hiện Đề án 939, đó là: 13,6 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua gần 200.000 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ gần 64.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp thành lập gần 4.700 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; hơn 5.000 doanh nghiệp phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…