99 người bị chó, mèo cắn phải tiêm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu năm 2023 tới nay, phòng tiêm chủng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 99 người bị chó mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại.

Theo các chuyên gia, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).

Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%.

Những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp bị chó, mèo cắn. Mới đây nhất, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết chó cắn trên mặt.

Do đó, để chủ động phòng chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.

Đọc thêm