Ả rập Saudi trong “cuộc chiến” giữa các hoàng tử

(PLO) - Trước đây không lâu, dư luận quốc tế cũng từng xôn xao về sự biến mất của 5 vị hoàng tử đang sống lưu vong ở nước ngoài… Đâu cũng có hoàng tử, lĩnh vực nào cũng có hoàng tử. Rốt cuộc Ả rập Saudi có cả thảy bao nhiêu hoàng tử? Vì sao số lượng hoàng tử lại đông đúc như thế?
Ủy ban Trung hiếu của Quốc vương Ả rập Saudi
Ủy ban Trung hiếu của Quốc vương Ả rập Saudi

Như báo PLVN đã đưa tin, khai cuộc từ ngày 4/11, chỉ sau vài ngày đã có tới 17 vị hoàng tử của hoàng gia Ả rập Saudi bị bắt bởi Ủy ban chống tham nhũng được chính hoàng gia thành lập do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu. Ủy ban này mới được thành lập hôm 4/11 ngay lập tức mở chiến dịch bắt bớ quyết liệt khiến những kẻ liên quan không kịp trở tay. 

Những nhân vật đầy thế lực bị sa lưới

Ngoài 17 hoàng tử bị sa lưới, còn có nhiều vị cựu bộ trưởng khác cũng bị bắt. Tuy nhiên, chiến dịch được coi là chống tham nhũng này cũng khiến một số người nghi ngờ là Thái tử Mohammed bin Salman – người được lựa chọn kế vị ngai vàng – mượn cớ để thanh trừng những người anh em chống đối, củng cố thế lực phe cánh trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực nơi cung đình.

Trong số 17 hoàng tử bị Ủy ban chống tham nhũng bắt giữ chỉ sau mấy ngày, người ta thấy có những nhân vật đình đám. Nổi nhất là tỷ phú Alwaleed bin Talal, người là chủ Công ty Kingdom Holding của Ả rập Saudi và là cổ đông quan trọng của các công ty xuyên quốc gia Citigroup, Twitter, Apple, News Corp…

Kế đó là tỷ phú Nasser bin Aqeel al-Tayyar, người sáng lập và ông chủ hãng du lịch nổi tiếng al-Tayyar; hoàng tử Miteb bin Abdullah – Tư lệnh lực lượng cảnh về quốc gia Ả rập Saudi; hoàng tử Turki bin Abdullah – cựu đô trưởng thủ đô Riyadh; hoàng tử Amr al-Dabbagh – Chủ tịch Tập đoàn xây dựng quốc tế Hồng Hải đứng đầu khu vực Trung Đông…

Ngoài ra, ngày 5/11, một chiếc trực thăng bị rơi một cách đầy bí ẩn khiến “nhiều hoàng tử bị chết”, trong đó có hoàng tử Mansour bin Muqrin – Cố vấn tòa án hoàng gia, Phó chủ tịch Quỹ Ả rập Saudi – Pakistan… cũng bị nghi ngờ có liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng lần này…

Quốc vương khai quốc Adulaziz Al Saud
Quốc vương khai quốc Adulaziz Al Saud

Truyền ngôi từ anh xuống em

Năm 1902, Quốc vương Abdulaziz ibn Abdul Rahman ibn Faisal ibn Turki ibn Abdullah ibn Muhammad al-Saud (Adulaziz Al Saud) được vua cha nhường ngôi, trở thành nhà vua của cương quốc “Mamlakat al-Ḥijāz wa-Najd” (Kingdom of Hejaz and Nejd). Sau mấy chục năm chinh chiến, ông giành được hai thánh địa Mecca, Madinat và thành Riyadh, đuổi Vương triều Hasimi chạy sang Jordan rồi chính thức thành lập Vương quốc Ả rập Saudi vào năm 1932.

Quốc vương khai quốc Adulaziz Al Saud sinh năm 1876, qua đời năm 1953 có một dàn hậu cung khổng lồ với 41 bà hoàng hậu, phi tần, trong đó có 22 bà được coi là vợ hợp pháp. Những bà hậu, phi, tần này sinh cho ông gần 100 người con, trong đó có 45 hoàng tử. Trong số 45 hoàng tử này có 36 người sống đến tuổi thành niên, sau đó trừ người con đầu là Thái tử Turki al Awwal bị chết khi mới 19 tuổi, 35 người còn lại đều được đưa vào “Ủy ban Hijaz” do Quốc vương Adulaziz Al Saud lập ra.

Những ai được gia nhập Ủy ban Hijaz tức là được công nhận mang dòng máu trực hệ của hoàng gia. Theo quy định của Quốc vương Adulaziz Al Saud khi còn sống, ngai vàng được truyền theo thứ bậc các hoàng tử từ anh đến em, những người nối ngôi đều phải là con đẻ của ông, cụ thể người nào được kế vị thì phải do Ủy ban Hijaz bỏ phiếu lựa chọn ra.

Nhưng Quốc vương Adulaziz Al Saud vừa qua đời thì các thành viên Hijaz đã phân chia thành các nhóm nhỏ theo phả hệ của mẹ - những người sinh thành ra họ; trong đó thế lực mạnh nhất là phả hệ Sudairi. Phả hệ này tức là gia tộc Dawasir lừng danh của bà vợ thứ 8 Hassa bint Ahmed Al Sudairi. Bà là người vợ duy nhất hai lần kết hôn cùng Quốc vương, rất được nhà vua yêu chiều. Bà sinh được cả thảy 7 con trai, 4 con gái và là người vợ sinh con nhiều nhất cho ông.

Trong số 7 người con này có Quốc vương thứ 5 Fahd bin Abdulaziz Al Saud và đương kim Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud (gọi tắt là Salman); ngoài ra còn có Thái tử quá cố Nayef bin Abdul-Aziz Al Saud (tức là cha của Muhammad bin Nayef – người vừa bị truất ngôi Thái tử năm nay. Hai cha con đều chỉ được làm Thái tử, không có mệnh làm vua). Những người con còn lại là: cố vương Sultan bin Abdulaziz, Hoàng thân Abdul Rahman bin Abdulaziz, Hoàng thân Turki bin Abdulaziz và Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz sinh năm 1941, gọi tắt là Ahmed. 7 người con trai của hệ phả này còn được gọi là “Sudairi Seven” (Thất hiền vương).

Sudairi Seven - 7 anh em hệ phả Sudairi
Sudairi Seven - 7 anh em hệ phả Sudairi

Đối địch với hệ phả Sudairi là hệ phả Shahida (hay hệ phả Armenian), tức 4 người con trai do bà Shahida, cung phi được Quốc vương khai quốc Adulaziz Al Saud sủng ái nhất vào giai đoạn cuối đời. Tuy nhiên do bà xuất thân không phải bộ lạc lớn trong nước nên cả 4 người con trai đều không được đăng quang ngôi báu Quốc vương hay Thái tử, phần lớn chỉ giữ chức bộ trưởng.

Một hệ phả khác là Sheikh do bà vợ thứ tư là Tarfah bint Abdullah Al Sheikh sinh ra 4 hoàng tử thì chỉ 1 người sống được thành niên. Do hệ phả này thuộc gia tộc khai quốc công thần nên trong hoàng gia đều vị nể, tuy thanh thế của vị hoàng tử duy nhất còn sống là Faisal bin Abdulaziz Al Saud không thật lớn, nhưng nhiều hoàng tử các hệ phả khác yếu thế hơn đều tìm đến ông làm chỗ dựa.

Người sinh ra Quốc vương thứ 6 Abdullah bin Abdulaziz Al Saud là bà Fahda bint Asi Al Shuraim thuộc hệ phả Rashid. Hệ phả này con trai ít, lực mỏng nên trước khi kế vị bị “Thất hiền vương” gây sức ép đủ điều nên sau khi lên ngôi, Quốc vương buộc phải chỉ định Salman – một người trong hệ phải Sudairi làm Thái tử (có tư cách lên ngôi vua).

Sau khi đăng quang, Abdullah bin Abdulaziz Al Saud như ngồi trên đống lửa bởi Ủy ban Hijaz lúc này chỉ còn không đến 10 người, trong đó quá nửa là hệ phải Sudairi. Chính vì vậy, không những người kế vị ông sẽ là người thuộc hệ Sudairi mà tất cả đại quyền chính trị, kinh tế của Ả rập Saudi cũng đều bị người của Sudairi lũng đoạn.../.

Đọc thêm