Theo New York Times, thông tin về việc tổ chức dạy và học môn thể dục cho các nữ sinh được Bộ giáo dục Ả rập Xê-út phát đi hôm 11/7. Tuyên bố không cho biết chi tiết về các hoạt động thể chất mà các nữ sinh sẽ được học nhưng nói rằng việc đó sẽ được tổ chức dần dần và “phù hợp với Luật sharia”, hay Luật Hồi giáo.
Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây là sự kiện đánh dấu sự nới lỏng những quy định ở một đất nước từ lâu nổi tiếng có môi trường hà khắc với phụ nữ. Do truyền thống và cách diễn giải đạo Hồi vô cùng khắt khe, những phụ nữ ở Ả rập Xê-út phải che tóc và cơ thể khi ra ngoài và bị cấm lái xe, cấm đi ra nước ngoài. Việc điều trị y tế cũng sẽ chỉ được thực hiện nếu được phép của người giám hộ là nam giới, thường là cha, chồng hay thậm chí là con trai của người phụ nữ.
Phụ nữ ở Ả rập Xê-út cũng không được học lái xe. Các quy định mang tính cấm đoán cũng được áp dụng với các môn thể dục của phụ nữ. Ngay cả đồ thể thao dành cho nữ giới cũng bị những người mang tư tưởng bảo thủ ở Ả rập Xê-út phản đối với lo ngại nếu để phụ nữ mặc đồ thể thao, họ sẽ mất đi tính sự thùy mị của mình. Những người khác thì cho rằng thể dục thể thao “đi ngược lại bản chất của phụ nữ”, khiến họ phát triển cơ bắp và dần có ngoại hình giống đàn ông.
4 năm trước, Ả rập Xê-út mới chính thức cho phép các nữ sinh ở các trường tư chơi thể thao dù các em vẫn phải được sự đồng ý của gia đình mới được tham gia và việc chơi thể thao cũng chỉ diễn ra ở một số khu vực riêng tư. Năm 2012, toàn đoàn dự Thế vận hội ở London, Anh chỉ có 2 người là phụ nữ vì Ủy ban Olympic quốc tế tuyên bố có thể cấm nước này tham gia thi đấu tại Olympic nếu chỉ cử các nam vận động viên tham gia tranh tài.
Quyết định cho phép nữ sinh học thể dục là một phần của bản kế hoạch Tầm nhìn Ả rập Xê-út 2030, kế hoạch do Thái tử nước này Mohammed bin Salman công bố hồi năm ngoái với mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế đất nước và khiến cuộc sống của người dân dễ chịu hơn. Bản kế hoạch kêu gọi 40% người dân Ả rập Xê-út tập thể dục ít nhất 1 lần mỗi tuần trong khi tỉ lệ này hiện nay chỉ là 13%.
Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động ở nước này. “Đây là một quyết định quan trọng, đặc biệt là với các trường công lập. Những bé gái trên khắp cả nước phải có cơ hội được rèn luyện thể chất, được chăm lo và tôn trọng cơ thể họ”, bà Hatoon al-Fassi, một học giả Ả rập Xê-út, nói.
Tuy nhiên, việc tổ chức các lớp học thể dục trong mạng lưới các trường học công lập ở Ả rập Xê-út được cho là sẽ gặp không ít khó khăn vì hiện nay nước này không đào tạo giáo viên thể dục là nữ và hầu hết các trường học cho nữ đều thiếu các phòng tập thể thao.