Cụ thể, ACV đang lên kế hoạch thoái 20% vốn điều lệ (tương đương hơn 4.300 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng) vào năm 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn 75,4% vốn điều lệ. Tiếp đó, tới năm 2020, 10,4% vốn nữa sẽ tiếp tục được thoái.
Một phương án khác cũng được tính đến là tiến hành thoái 1 lần cả 30% vào năm 2020. Giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đến hết số lượng cổ phần thuộc vốn Nhà nước cần chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá khởi điểm. Đối tượng mua cổ phần là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
“Chúng tôi sẽ thuê tư vấn thẩm định giá để định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn Nhà nước tại ACV”, ông Thanh thông tin.
Trước những e ngại liệu thị trường có hấp thụ hết số cổ phiếu này khi mức giá hiện tại của một cổ phiếu ACV đã khá cao, lên tới 90.000 đồng, có thời điểm thậm chí còn gần 120.000 đồng/cổ phiếu, ông Thanh cho rằng không hề có khó khăn trong thị trường vốn. Các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến cổ phiếu ACV.
Hiện cổ đông Nhà nước (đại diện là Bộ GTVT) sở hữu 2.076.943.011 cổ phần (tương đương 95,4% vốn điều lệ). Các cổ đông khác nắm 100.230.225 cổ phần (tương đương 4,6% vốn điều lệ).