Sáng ngày 31/5/2017, tại khu vực Ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ ở Kabul đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết bằng xe ô tô. Văn phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng nằm trong khu vực này.
Mạng người ngã đổ
Theo số liệu cập nhật mới nhất, ít nhất 80 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương. Một quan chức y tế Afghanistan cho biết, hầu hết nạn nhân bị thương đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu, song số thương vong có thể sẽ tiếp tục tăng.
Phát biểu trên đài phát thanh “Europe 1”, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Marielle de Sarnez xác nhận cả Đại sứ quán Đức và Pháp nằm trong khu vực này đều bị thiệt hại tài sản trong vụ đánh bom. Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thông báo các nhân viên tại đại sứ quán Đức ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã bị thương và một nhân viên bảo vệ người Afghanistan bị thiệt mạng trong vụ nổ bom.
Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Gabriel cho biết: “Vụ tấn công xảy ra rất gần đại sứ quán Đức. Vụ nổ đã trúng dân thường và những người đang có mặt ở Afghanistan làm việc vì tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và người dân tại đây. Thật là một hành động đáng khinh khi những người này lại là mục tiêu”.
|
Vụ đánh bom liều chết mới nhất khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, hơn 350 người bị thương |
Đối mặt khó khăn
Vụ tấn công xảy ra ở khu vực Ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ là vụ tấn công mới nhất tại thủ đô Kabul. Điều đáng lo ngại là vụ đánh bom này xảy ra trong bối cảnh Afghanistan chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình, an ninh và hòa giải vào ngày 9/6 tới với sự tham dự của gần 20 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Saudia Arabia, Pakistan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị lần này được tổ chức sau khi tình trạng bạo lực ở Afghanistan gia tăng do phong trào Hồi giáo Taliban tiến hành các vụ tấn công liên tiếp thời gian gần đây làm hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cả lực lượng an ninh và quân đội.
Một thực tế là 2 năm sau khi lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan và lực lượng an ninh nước sở tại tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc gia Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn, trong khi lực lượng quân đội chính phủ liên tục là mục tiêu tấn công của phiến quân Taliban.
Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), hiện chưa có sự cải thiện về an ninh tại Afghanistan kể từ khi liên quân rút binh sĩ khỏi quốc gia này và chỉ duy trì một lực lượng gồm khoảng 13.000 binh sĩ để hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh nước sở tại. Các cuộc tấn công liên tiếp của phiến quân Taliban - lực lượng cực đoan được trang bị đầy đủ vũ khí và có nguồn tài chính dồi dào - đã gây tổn thất trong lực lượng an ninh Afghanistan. Trong năm 2015, đã có hơn 5.000 cảnh sát Afghanistan thiệt mạng trong các vụ tấn công, đến năm 2016, con số này cao hơn rất nhiều.
Còn theo Phái đoàn hỗ trợ Afghanistan của Liên Hợp quốc (UNAMA), số dân thường thiệt mạng và bị thương trong các cuộc xung đột tại Afghanistan trong năm 2016 cũng tăng cao kỷ lục, với 3.500 người thiệt mạng và 7.900 người bị thương, tăng 3% so năm 2015. Trong số này có hơn 3.500 trẻ em, tăng 24% so năm 2015 và là số trẻ thiệt mạng và bị thương cao nhất UNAMA ghi nhận chỉ trong một năm. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 715 dân thường thiệt mạng và 1.460 người bị thương.
Trong khi đó, Điều phối viên nhân đạo của LHQ Mark Bowden cho rằng bạo lực kéo dài tại Afghanistan đã tạo nên những khó khăn đối với người dân như nền kinh tế suy giảm, tiếp cận hạn chế đối với chăm sóc y tế và giáo dục, suy dinh dưỡng. Trong những năm qua dù cộng đồng quốc tế đã nỗ lực hỗ trợ nhằm tái thiết và cải thiện tình hình ở quốc gia Nam Á với số tiền ước tính lên tới 500 tỷ USD, song những gì đạt được rất hạn chế. Hiện vẫn còn khoảng 1/3 dân số ở Afghanistan sống trong nghèo khổ, 2/3 dân số không không thể tiếp cận dịch vụ y tế quốc gia, 1,57 triệu người bị thiếu lương thực trầm trọng, trong khi nạn tham nhũng vẫn hoành hành ở nước này.
Chính vì vậy, vụ tấn công xảy ra ở khu vực Ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ tại Afghanistan lại một lần nữa khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về một cuộc xung đột chưa có hồi kết tại quốc gia Nam Á này.