Afghanistan: Mịt mờ tương lai hòa bình

(PLO) - Đã 14 năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến chống khủng bố đầy tốn kém do Mỹ dẫn đầu được tiến hành, liên quân đã tấn công tiêu diệt chế độ Taliban do chế độ này chứa chấp trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Afghanistan và cuối cùng đã hất cẳng được tổ chức cực đoan này. 

Sau gần 15 năm, Afghanistan vẫn chưa có một ngày bình yên.
Sau gần 15 năm, Afghanistan vẫn chưa có một ngày bình yên.
Chiến dịch tấn công của quân đội Mỹ trên không và trên bộ bắt đầu vào ngày 7/10/2001 và chỉ trong vòng một tháng đã dồn quân Taliban ra khỏi nhiều vùng trên khắp Afghanistan, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống hàng ngàn tay súng Taliban và Al-Qaeda. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tình hình chính trị Afghanistan, Taliban và các tổ chức cùng khuynh hướng đang có sự trở lại đầy bạo lực và làn sóng khủng bố sẽ tiếp tục hủy hoại Afghanistan trong những năm tới. 
Taliban - chưa thể “nhổ tận gốc”
Sayed Masoud, nhà phân tích chính trị và là Giáo sư tại Đại học Kabul nói: “Sau 14 năm Mỹ tiến hành chiến tranh chống khủng bố, quân khủng bố vẫn đang hoành hành ở Afghanistan và gần như ngày nào cũng có người vô tội bị giết chết, bởi vậy chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến này chưa nhổ được tận gốc chủ nghĩa khủng bố”. Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và sự can dự của cộng đồng quốc tế tại Afghanistan trong 14 năm qua đã giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá này tái xây dựng quân đội, Quốc hội và Chính phủ của mình. 
Để chiến thắng được trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo hòa bình, ổn định lâu dài ở Afghanistan, lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu đã triển khai hơn 140.000 quân ở Afghanistan. Tuy nhiên, liên quân NATO đã kết thúc sứ mệnh chiến đấu của mình vào cuối tháng 12/2014 và rút khỏi Afghanistan, chỉ để lại 13.000 quân làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho lực lượng quân đội quốc gia Afghanistan. 
Sau đó, Taliban và các nhóm khủng bố khác đã tăng cường hoạt động, thách thức lực lượng an ninh Afghanistan bằng việc mở ra các mặt trận ở nhiều tỉnh và đã chiếm được một số khu vực. Các tay súng Taliban mới đây đã tràn qua nhiều khu vực thuộc thành phố quan trọng chiến lược Kunduz, thủ phủ tỉnh Kunduz dọc biên giới với Tajikistan. Lực lượng chính phủ vẫn chưa tiêu diệt được các tay súng Taliban và đảm bảo lập lại trật tự và luật pháp tại đây. 
Kể từ khi quân đội NATO chính thức chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan cuối năm 2014 và nhất là sau khi Taliban tuyên bố thủ lĩnh sáng lập Mullah Omar đã qua đời cách đây 2 năm, để lại ghế lãnh đạo cho Mohammad Mansour - một kẻ khủng bố khát máu và liều lĩnh hơn nhiều so với người tiền nhiệm, con số thương vong tại đây đã lên tới mức kỷ lục. Bất ổn bắt đầu lan tới cả những khu vực trước đây từng rất yên ắng như phía Bắc và Đông Bắc Afghanistan. Sau khi lên nắm quyền, Mansour tuyên bố chấm dứt mọi tiến trình hòa bình với chính quyền Afghanistan và thề sẽ trả thù lực lượng của Mỹ cùng các đồng minh. 
Afghanistan rõ ràng đang lún sâu vào một chu kỳ bạo lực mới, có nguy cơ hủy hoại mọi thành tựu của các cuộc thương lượng hòa bình mới bắt đầu giữa Taliban và chính quyền trung ương Kabul. Sự trỗi dậy của Taliban, sự hiện diện của các nhóm chân rết Al-Qaeda và cả mối đe dọa từ sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng  (IS) đang đe dọa “xé toạc” Afghanistan một lần nữa. Trong khi đó, nước này cũng đối mặt với các vấn đề “muôn thuở” như tham nhũng, nghèo đói hay nguy cơ gia tăng các phần tử cực đoan, các hoạt động buôn bán ma túy xuyên biên giới. Những hy vọng mong manh vừa lóe lên lại đã bị dập tắt. 
Trên thực tế, nhiều phần tử Taliban đào ngũ đã tuyên bố gia nhập IS. Theo tướng John Campell - Chỉ huy trưởng Quân đội Mỹ tại Afghanistan - động thái đó chủ yếu là để “thu hút sự chú ý của truyền thông và các mạnh thường quân, tạo bàn đạp để chúng tăng cường chiêu mộ tân binh”. 
Ông Campell cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh mức độ can thiệp của quân đội Mỹ ở quốc gia Nam Á này trước nguy cơ từ các tổ chức khủng bố. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Vũ khí Thượng viện mới đây, Tướng Campell cho biết đã đệ trình Dự thảo sửa đổi kế hoạch của Tổng thống Barack Obama vốn định giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ sau năm 2016 từ 9.800 binh sỹ xuống con số 1.000 người, và chủ yếu là lực lượng đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.
Ông Campell nói: “Dựa trên tình hình thực địa, tôi cho rằng chúng ta nên đề xuất cho giới lãnh đạo cấp cao các lựa chọn khác với kế hoạch mà chúng ta đang tiến hành”. Tuy nhiên, ông không nói rõ chi tiết về mức độ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan. 
Lan rộng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan
Và sự hỗ trợ của Mỹ đối với lực lượng Afghanistan không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, như vụ ném bom nhầm vào bệnh viện  ngày 3/10 làm chết 22 người, gồm 12 nhân viên bệnh viện, và làm bị thương 37 người khác. Hiện còn 24 nhân viên bệnh viện này vẫn mất tích không rõ lý do. Các tay súng Taliban cũng đã tràn qua các vùng ở tỉnh Badakhshan dọc biên giới với Pakistan, Trung Quốc và Tajikistan. 
Các nhà quan sát Afghanistan cho rằng cuộc chiến chống khủng bố của liên quân do Mỹ đứng đầu đã tạo cơ hội để chủ nghĩa tôn giáo cực đoan tiếp tục lan rộng ở Afghanistan và các nơi khác. Theo giới quan sát, năm 2001 mạng lưới Taliban và Al-Qaeda mới chỉ hoạt động ở Afghanistan, nhưng 14 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố, bên cạnh Taliban và Al-Qaeda còn có thêm các nhóm khủng bố khác như IS, mạng lưới Haqqani, Jandullah và các nhóm cực đoan khác nổi lên ở đất nước này. 
Theo nhà phân tích Masoud, ngoài IS và các nhóm khủng bố khác, Afghanistan cũng đứng đầu danh sách các nước sản xuất ma túy kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố. Nazari Pariani, Tổng Biên tập tờ “Daily Mandegar” nói: “Sự thất bại trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố đã tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố phát triển ở Afghanistan và đó là lý do tại sao ngày nay có thêm những tổ chức khủng bố như Daesh (IS) cùng với Taliban đang gây bất ổn cho khu vực”. Ông nói thêm rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn kéo dài hơn dự kiến và người dân Afghanistan sẽ còn tiếp tục phải đau khổ vì bọn khủng bố. 
Cuộc chiến giành tự do cho Afghanistan là một cuộc đấu tranh đầy gian khổ và thách thức. Ách cai trị của lực lượng Taliban và sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan Al-Qaeda đã biến lãnh thổ Afghanistan trở thành mảnh đất của mạng lưới khủng bố. Dần dần, chúng vươn chân rết tới tận châu Á, châu Phi và khắp nơi trên thế giới, với đỉnh điểm là vụ tấn công kinh hoàng ngày 11/9/2001 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York (Mỹ). 
Mỹ, nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố có nguồn gốc từ Afghanistan, sau đó đã có những quyết sách và hành động nhằm truy quét các phần tử cực đoan và cải thiện cuộc sống cho người dân tại quốc gia này. Hơn một triệu binh sỹ Mỹ cùng khoảng 30.000 nhân viên dân sự đã tới Afghanistan, chiến đấu, huấn luyện và hỗ trợ người dân nước này, kề vai sát cánh cùng họ trên con đường đạt được không ít thành tựu.
Trong 14 năm, Afghanistan và Mỹ đã cùng nhau hướng tới mục tiêu nhổ sạch gốc rễ khủng bố và cực đoan trên mảnh đất này. Washington hậu thuẫn Afghanistan xây dựng một chính phủ vững mạnh, có trách nhiệm với người dân và từng bước trở thành một thành viên nghiêm túc, đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. 
Tìm đâu hòa bình cho Afghanistan?
Có thể nói Afghanistan ngày hôm nay là một nền dân chủ đa diện. Truyền thông tại quốc gia này được đánh giá là tự do nhất trong khu vực, với sự nở rộ của các hãng truyền thông tư nhân. Người dân có quyền lựa chọn lãnh đạo cho mình và quyết định những thay đổi về quyền lực thông qua hòm phiếu thay vì súng đạn như trước đây. 
Các tổ chức xã hội dân sự, cả trong nước và quốc tế, được tự do thành lập và các đối tác nước ngoài luôn được chào đón tới Afghanistan để giúp quốc gia này vươn lên từ vũng bùn chiến tranh. Phụ nữ có quyền bình đẳng hơn, xuất hiện với tư cách ngang bằng nam giới trong chính phủ, trường học và công sở. Trong số 11 triệu sinh viên, có tới 40% là nữ. 
Tuy nhiên, sẽ thật ngây thơ khi cho rằng quá khứ bất ổn của Afghanistan đã lùi xa. Ngay khi quân đội Mỹ rút dần về nước, “bóng ma” khủng bố Taliban đã manh nha trỗi dậy. Vừa mới đây, các tay súng Taliban đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn tại thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Làn sóng bạo lực mới phản ánh thực tế những thách thức an ninh nghiêm trọng vẫn còn tồn tại trên mảnh đất này. 
Rõ ràng, trong số những lý do khiến nhà cầm quân Mỹ muốn thay đổi kế hoạch do Tổng thống Obama khởi xướng phải kể đến sự bành trướng của IS, “sự trỗi dậy của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda” và “làn sóng” bạo lực gia tăng tại nhiều khu vực ở Afghanistan. Cũng trong phiên điều trần, Tướng Campell nhấn mạnh: “Tôi đề xuất điều chỉnh kế hoạch quân sự để phù hợp với bối cảnh mới, song đồng thời vẫn duy trì các nhiệm vụ trọng tâm như huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan cũng như tiến hành các chiến dịch chống khủng bố hiệu quả”. 
Thời hạn hoàn tất kế hoạch rút binh sỹ Mỹ về nước đang tới gần, song công tác huấn luyện đào tạo nhằm chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho lực lượng địa phương dường như vẫn chỉ thu được những kết quả hết sức hạn chế. Mỹ đã chi 6 tỉ USD cho chương trình đào tạo lực lượng cảnh sát Afghanistan, nhưng thực tế là nhiều binh sỹ vẫn chưa thể bắn trúng đích, chưa biết cách sử dụng thành thạo các loại vũ khí cơ bản và vẫn cực kỳ vô kỷ luật. 
Có thể nói, một trong những lý do khiến chương trình đào tạo huấn luyện này chưa đạt kết quả như trông đợi là bởi người ta đã quá tập trung tăng cường quân số, dẫn tới hệ quả là một kế hoạch đào tạo sơ sài, kém chất lượng. 
Nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng và thực tế là chính quyền sở tại hầu như vẫn phải dựa vào các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ bên ngoài. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết phải có một kế hoạch mới, một lộ trình khác để đảm bảo an ninh và hòa bình cho quốc gia Nam Á này…

Đọc thêm