Chui rào… |
Hàng đêm, các nhân viên của Eurotunnel luôn phải đối mặt với những người nhập cư trốn vào đường hầm để bám theo những chuyến tàu từ Pháp sang Anh. Nhiều người nhập cư bất hợp pháp đã thiệt mạng trong đường hầm và trên đường đi về phía đường hầm Channel.
Eurotunnel cho biết đã phải ngăn 37.000 người nhập cư lẻn vào đường hầm từ đầu năm nay, đang yêu cầu London và Paris bồi thường 9,7 triệu euro vì bị người nhập cư làm “đảo lộn” kế hoạch khai thác hoạt động vận chuyển qua đường hầm.
Khủng hoảng lan rộng
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, từ đầu tháng 7 đến nay, khoảng 4.500 người nhập cư bất hợp pháp qua eo biển Manche đã bị ngăn chặn. Phía Anh thông báo sẽ chi thêm 7 triệu bảng (tương đương 9,8 triệu euro) để trợ giúp gìn giữ an ninh khu vực quanh đường hầm của Eurotunnel trên đất Pháp, thêm vào số tiền 15 triệu bảng mà London đã chi trước đây cũng cho việc bảo đảm an ninh tại hai phía.
Tại Italia, cửa ngõ cho những người vượt biên bằng đường biển từ Trung Đông, châu Phi vào châu Âu, dòng người nhập cư bất hợp pháp vẫn không ngừng gia tăng. Theo Cao ủy của Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 1/4 số người nhập cư đi qua Địa Trung Hải để sang châu Âu trong năm nay đến từ các quốc gia như Eritrea, Nigeria, Somalia, Sudan và Syria.
Riêng tại Italia, số người nhập cư tới đây bằng đường biển trong năm nay đã tăng thêm khoảng 90.000 người sau khi lên tới 170.000 người trong năm 2014. Một phần lớn trong số này được đưa vào các trại tiếp nhận của Italia. Một số khác xin tị nạn chính trị ở nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) khác và chờ đợi được chuyển đi.
… vượt rào |
Trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II ngày 27/8/2015 các nhà lãnh đạo EU đã phải tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tây Balkan tại Vienna (Áo) để tìm giải pháp đối phó với thực trạng đau đầu này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thừa nhận các nước Tây Balkan đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan tới vấn đề di cư và trách nhiệm của EU là phải giúp đỡ các nước này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU cho biết, bên cạnh hướng đi “truyền thống” là vượt qua biển Địa Trung Hải để vào Italia, Tây Ban Nha, gần đây các nước vùng Tây Balkan đã xuất hiện những tuyến đường mới cho làn sóng di cư bất hợp pháp.
Hàng trăm nghìn người tị nạn từ các nước Macedonia, Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Serbia và vùng Kosovo đang đổ xô tới EU, gây nên cuộc khủng hoảng đặc biệt trong những ngày gần đây. Người dân các nước Tây Balkan muốn rời bỏ quê hương đến các nước EU để tìm kiếm một công việc tốt hơn có thể trang trải cuộc sống gia đình.
Theo Cục Nhập cư Liên bang Đức, trong nửa đầu năm 2015, 45% người đệ đơn xin tị nạn tại Đức là từ các nước Tây Balkan. Tuy nhiên những người xin tị nạn từ khu vực này có ít cơ hội để ở lại Đức, nhất là tại khu vực ổn định về chính trị như Bosnia, Herzegovina, Serbia và Macedonia.
Ngoài ra, một vấn đề rất lớn của các nước Tây Balkan hiện nay là khu vực này đang nổi lên thành một trung tâm trung chuyển người tị nạn. Hiện hàng vạn người từ Trung Đông, châu Phi tìm mọi con đường đến Hy Lạp, Macedonia, Serbia để đi tiếp tới các nước Tây Âu thông qua “cửa ngõ” Hungary. Đa số những người di cư đều xuất phát từ Syria, Afghanistan hoặc Pakistan.
Chính quyền Budapest ghi nhận, chỉ riêng trong ngày 26/8, kỷ lục có tới 3.241 người, trong đó có 700 trẻ em đã đến Hungary, bất chấp Chính phủ nước này đã cho xây dựng bức tường rào chắn cao 4m, dài 175km dọc biên giới với Serbia và thắt chặt các quy định về nhập cư từ ngày 1/8.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi cảnh sát Hungary phải sử dụng hơi cay để ngăn cản người di cư cố trốn khỏi một trung tâm tiếp nhận người tị nạn gần biên giới với Serbia. Tính từ đầu năm đến nay, số người di cư đổ về Hungary đã lên tới 150.000 người, trong đó chỉ riêng tháng 8 đã có 50.000 người, chủ yếu từ Serbia.
Còn theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS), số người nhập cư vào nước này trong vòng một năm qua, tính đến tháng 3/2015, đạt mức cao kỷ lục. Chênh lệch giữa số người đến và đi khỏi Anh khá lớn, lên tới 329.000 người, so với 236.000 người của năm 2014. Theo ONS, trong vòng 12 tháng, khoảng 636.000 người đã nhập cư vào Anh, tăng 84.000 người, trong khi chỉ có 307.000 người đi khỏi nước này, giảm 9.000 người so với mức kỷ lục trước đó, tính đến tháng 6/2015.
Hiện lần đầu tiên số người nhập cư vào Anh vượt quá 8 triệu người. Điều này có nghĩa rằng cứ 8 người gốc Anh thì có một người nhập cư, tăng so với tỷ lệ 1/11 trong năm 2014. Đa số người xin tị nạn tại Anh đến từ các nước Eritrea, Pakistan và Syria.
Theo thống kê của Cơ quan Giám sát biên giới châu Âu (Frontex), chỉ trong 7 tháng qua, số lượng người di cư tới biên giới châu Âu đã lên đến 340.000 người, so với con số 123.500 người cùng kỳ năm 2014.
… mong đến “miền đất hứa” |
Các nước Liên minh châu Âu đang ở vào cảnh buộc phải “tường cao, hào sâu” khép kín đường biên nếu không muốn bị “nhấn chìm” trong làn sóng người di cư. Thậm chí, Tổng thống CH Séc Milos Zeman còn cho rằng cần điều quân đội với vũ khí hạng nặng tăng cường chống nhập cư trái phép.
“Tôi ủng hộ việc EU bảo vệ biên giới của mình. Cách đây hai năm, tôi phát biểu tại Quốc hội EU về sự cần thiết của quân đội châu Âu, tôi đã bắt gặp những nụ cười. Nhưng vào thời điểm này, một đội quân như vậy sẽ là có ích. EU chỉ có duy nhất một tổ chức Frontex sở hữu ba tàu có hoặc không có vũ khí. Phải tìm cách ngăn chặn làn sóng di cư, đặc biệt là sự xâm nhập của người di cư bất hợp pháp, và nếu có thể tại chính biên giới của nước Cộng hòa chúng ta. Tôi cũng kêu gọi các nước khác làm như vậy”- ông Zeman nói.
Làn sóng dân ở những quốc gia nghèo khó, xung đột rời bỏ quê hương đi tìm “miền đất hứa” bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa đang khiến châu Âu trở nên bất lực. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất về những vấn nạn đang thách thức châu Âu do Ủy ban Châu Âu (EC) tiến hành và công bố ngày 1/8, tình trạng người nhập cư ồ ạt tràn vào châu Âu trong những tháng qua đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với châu Âu, thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp.
Rõ ràng, nếu không sớm tìm ra giải pháp sẽ có thêm nhiều nước châu Âu buộc phải giải quyết cuộc khủng hoảng với các biện pháp và sáng kiến riêng. Điều này nếu xảy ra sẽ không chỉ đe dọa các giá trị đồng nhất mang tính truyền thống của EU, nhất là giá trị nhân đạo, mà còn làm xói mòn ý nghĩa của một hiệp định biên giới mở đã và đang được cả thế giới ngưỡng mộ như Schengen.
Thủ tướng Áo Werner Faymann đã đề xuất kế hoạch hành động 5 điểm gồm: Triệt phá các băng nhóm buôn người; phân bổ công bằng hơn hạn ngạch người tị nạn trong khu vực EU; hợp tác an ninh rộng rãi hơn; hỗ trợ những nước là điểm xuất phát của dòng người di cư và một “chiến lược tị nạn liên châu Âu”.
Bên cạnh đó, EU dự kiến sẽ đầu tư 600 triệu euro để phát triển hệ thống mạng lưới giao thông, đường sắt, lưới điện cho các nước Tây Balkan, mục tiêu là nâng cao chất lượng sống cho người dân các nước trong khu vực và tìm giải pháp cho vấn đề di cư.
Khoản tiền này sẽ do EU, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đóng góp. Trong các năm tiếp theo, số tiền đầu tư cho các dự án hạ tầng ở những nước này sẽ lên tới 7,7 tỷ euro. Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới ở các nước vùng Tây Balkan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định những giải pháp này chưa thể mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Trong khi đó, người nhập cư trái phép đang là một thách thức to lớn ở ngay phía trước Cựu lục địa. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng và quả “bom nợ” Hy Lạp vẫn chưa hoàn toàn được tháo ngòi nổ, cuộc khủng hoảng người di cư không sớm chấm dứt có thể sẽ gây bất ổn kinh tế, xã hội trên toàn châu Âu.