Thông qua hoạt động tín dụng, Agribank đã góp phần làm thay đổi về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo nên sự chuyển biến khá mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa; hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp: mía, sắn, cao su, cà phê...
Các vật nuôi có hiệu quả kinh tế như gia súc, gia cầm, thủy sản… tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước trong việc đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng khác. Đồng thời, qua đó cũng tạo điều kiện để hệ thống dịch vụ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn được hình thành và phát triển.
Trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank kịp thời triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo ra nhiều cơ hội để các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng với cơ chế ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp hạn chế được tính thời vụ và tình trạng “nông nhàn” vốn tồn tại lâu nay trong sản xuất nông nghiệp nước ta.
Qua đó, Agribank đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước...
Để triển khai hiệu quả hoạt động tại các địa phương, Agribank tiến hành ký hợp tác liên tịch với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trong việc phối hợp thực hiện để chính sách tín dụng ngày càng gắn liền với cuộc sống của người dân, hạn chế tình trạng vay nặng lãi ở nông thôn.
Thông qua nguồn vốn của Agribank, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống cơ bản được đáp ứng đã tạo điều kiện cho nông dân đầu tư thâm canh, phát triển sản xuất. Người nông dân có thể sống và làm giàu trên mảnh đất của chính mình. Thu nhập cho hộ gia đình, cá nhân được cải thiện đáng kể đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung.
Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh huy động vốn ở địa bàn đô thị để mở rộng đầu tư cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung đối với nhu cầu vay vốn theo 5 đối tượng tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động). Tính đến 31/05/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 380.554 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 71,7%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Agribank không ngừng mở rộng quy mô tín dụng, đáp ứng một lượng vốn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong đó, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là ưu tiên số 1 trong hoạt động cho vay của Agribank.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu lương thực, thủy sản, cà phê; cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… đã có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, Agribank là Ngân hàng Thương mại Nhà nước duy nhất, luôn giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, tín dụng nông nghiệp, nông thôn; tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại; nâng cao thị phần vốn và dịch vụ trên địa bàn đô thị, nhất là địa bàn hai thành phố Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh để tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay hộ sản xuất và cá nhân, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay xuất khẩu, cho vay tiêu dùng, tạo nhiều công ăn việc làm mới góp phần thay đổi và khởi sắc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục tập trung vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn; ưu tiên tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng truyền thống; tiếp tục nghiên cứu triển khai gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả và tiết giảm chi phí như: Cho vay chuỗi liên kết trong sản xuất giữa nuôi trồng - thu mua- chế biến- xuất khẩu thủy sản; cho vay liên kết giữa nhà cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào- nhà sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng.