Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Paris, London hay New York, chính là: tại sao Covid-19 dường như nhắm vào nam giới béo phì?
"Tất cả các đơn vị hồi sức ở Pháp đều có tỷ lệ lớn bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì", bác sĩ Matthieu Schmidt (Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris) cho biết khi được phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2, “Ba phần tư bệnh nhân của chúng tôi là nam giới".
Phát hiện của ông nhận được sự chia sẻ của một đồng nghiệp là bác sĩ phẫu thuật ở New York, Tiến sĩ Hani Sbitany thuộc Hệ thống Y tế Mount Sinai. "Tôi ở khoa cấp cứu và có một điều thật đáng chú ý: có đến 80% bệnh nhân nhập viện là nam giới", ông bình luận trên tờ New York Times.
Tại London, các chuyên gia y tế cũng nhận thấy rằng "nhiều đàn ông hơn phụ nữ" trong nhóm các bệnh nhân bị diễn biến nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và "bệnh nhân thừa cân hoặc có bệnh nền có nguy cơ cao nhất. "
Thống kê của Anh về bệnh nhân Covid-19 được điều trị tích cực xác nhận hiện tượng này: trong số đó có tới 73% là nam giới và 73,4% là thừa cân hoặc béo phì.
Con số này do tổ chức độc lập ICNARC đưa ra ngày 3/4, cho thấy những bệnh nhân thừa cân thì khả năng cứu chữa được thấp hơn: chỉ có 42,4% bệnh nhân béo phì sống sót rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt so với tỷ lệ 56,4% của những người có cân nặng trung bình hoặc thấp.
Tương tự như vậy, giới tính nam dường như có yếu tố tiên lượng kém hơn: chỉ 47,8% sống sót so với 55,4% của phụ nữ.
Đây là số liệu thống kê trên khoảng 2.200 bệnh nhân ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland được chăm sóc tích cực.
|
Hình ảnh chụp phổi bệnh nhân của Covid-19. |
Số liệu chỉ ra như vậy, nhưng tại sao các trường hợp nghiêm trọng lại nhiều nam giới như thế? "Đó là một quan sát, nhưng đến nay tôi vẫn không có một lời giải thích rõ ràng nào”, chuyên gia Jean-François Delfraissy, chủ trì Ủy ban khoa học chịu trách nhiệm tư vấn cho chính phủ Pháp về dịch bệnh, nói, "Tôi biết không nhiều về loại virus này”.
Còn giáo sư Pierre Delobel, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Toulouse, nhận định: chỉ có thể giải thích là do khả năng phòng vệ tự nhiên của phụ nữ chống lại virus, là do miễn dịch bẩm sinh tốt hơn ở phụ nữ, đặc biệt là trước khi mãn kinh.
Còn một giải thích nữa là những người thừa cân, béo phì thường có kèm theo bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Đây là hai yếu tố khiến cho bệnh Covid-19 nặng hơn. Điều này được xác định rõ ràng ở cả Trung Quốc và Ý. Tiếp theo sau tiểu đường, tăng huyết áp thì các yếu tố tuổi tác, bệnh về tim mạch và mạch máu não cũng tác động đến diễn biến của bện Covid-19.
Có một thực tế khiến Giáo sư Delfraissy cảm thấy ngạc nhiên, đó là phần lớn những người bị bệnh nặng lại không hút thuốc, phải chăng có sự liên kết nào với việc chất nicotin giúp chống lại virus này hay không.
Thibaud Soumagne, làm việc ở phòng hồi sức tại Bệnh viện Đại học Besançon (miền Đông nước Pháp), xác nhận đã quan sát thấy "ít hoặc không có người hút thuốc" trong số những người được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện của mình.
Trong khi đó, chính các chuyên gia cũng lưu ý rằng, nếu một người hút thuốc lá phát bệnh thì mức độ nghiêm trọng cao hơn vì những người đó phổi và tim mạch kém hơn.