Ở thời này, phụ nữ bắt đầu chứng kiến những sự đổi thay mạnh mẽ về mặt hình ảnh. Lúc này, tư tưởng nam nữ bình quyền đã xuất hiện, hình ảnh những người phụ nữ phá cách, mạnh mẽ, tự do bắt đầu được xem là “mốt”.
“Ngôi sao” không cần đóng thế
Lật lại lịch sử dòng phim hành động, nữ diễn viên người Mỹ Helen Holmes (1892-1950) được xem là ngôi sao nữ đầu tiên từng mạo hiểm ở thể loại phim kịch tính, gay cấn này.
Helen Holmes bắt đầu đến với điện ảnh hồi năm 1912 và tham gia diễn xuất đến năm 1925 thì giải nghệ. Thuở ấy, những bộ phim câm có thời lượng ngắn được sản xuất tương đối dễ dàng, vì vậy, không có gì lạ khi dù là một gương mặt mới “chân ướt chân ráo” xuất hiện trong làng điện ảnh, nhưng Helen Holmes vẫn “bỏ túi” hàng chục bộ phim do mình diễn xuất chính.
Ngày ấy, người đẹp Helen Holmes đã dám tự mình thực hiện những cảnh như nhảy từ trên một đoàn tàu đang chạy vào trong một chiếc xe hơi mui trần. Hay như khi nhân vật của nàng suýt bị thiêu sống, thì nhân vật ấy chắc chắn sẽ tự mình xoay xở thoát khỏi cảnh hiểm nghèo mà không hề mảy may tuyệt vọng, cầu cứu sự trợ giúp từ một nhân vật người hùng nam giới nào.
Một cảnh nhảy tàu mạo hiểm của Helen |
Helen Holmes đã tự mình thực hiện những pha hành động nguy hiểm tính mạng một cách cuồng nhiệt, không cần người đóng thế. Sự xuất hiện của Helen trong giới làm phim câm đen trắng hồi thập niên 1910-1920 đã tạo nên một sự choáng ngợp. Cho tới hôm nay, có thể người ta không còn biết Helen Holmes là ai, nhưng thuở ấy, nàng là một nữ diễn viên ngôi sao.
Ở những thập niên đầu của thế kỷ 20, khi các biến động trong đời sống văn hóa - xã hội diễn ra không ngừng, khi những biểu tượng của sự hiện đại liên tiếp ra đời, với đầu máy xe lửa, với xe hơi, máy quay và điện ảnh, thì ngôi sao điện ảnh chính là một “đặc sản” mới của đời sống văn hóa đại chúng lúc bấy giờ.
Ở thời này, phụ nữ bắt đầu chứng kiến những sự đổi thay mạnh mẽ về mặt hình ảnh. Lúc này, tư tưởng nam nữ bình quyền đã xuất hiện, hình ảnh những người phụ nữ phá cách, mạnh mẽ, tự do bắt đầu được xem là “mốt”.
Ngay lập tức, màn ảnh cũng phản ánh sự đổi thay trong tư duy của công chúng, và liền xuất hiện một Helen Holmes, người đẹp kiên cường, dũng cảm, tràn đầy năng lượng, luôn sẵn sàng làm những chuyện mạo hiểm “chỉ có đàn ông mới dám”…
“Ngôi sao” phim câm
Thuở ấy, Helen Holmes là ngôi sao phim câm nổi tiếng, nàng in dấu ấn với loạt phim điện ảnh “The Hazards of Helen” (Những việc làm nguy hiểm của Helen) được thực hiện với thời lượng ngắn 12 phút mỗi tập và được làm tổng cộng 26 tập trong vòng 3 năm, từ 1914 đến 1917.
Nữ diễn viên trực tiếp đóng các cảnh mạo hiểm |
Nhân vật Helen trong loạt phim “The Hazards of Helen” là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Helen Holmes. Nhân vật nữ chính Helen được xây dựng rất giống với cá tính ngoài đời thật của nữ diễn viên - một phụ nữ tò mò, thích phiêu lưu mạo hiểm.
Trong phim, nhân vật Helen làm nhân viên điện báo tại một nhà ga tàu hỏa. Cô rất thính nhạy trong việc nhìn ra dấu vết của bọn tội phạm và sẵn sàng đối diện với mọi hiểm nguy để bênh vực chính nghĩa. Đạo diễn của loạt phim “The Hazards of Helen” cũng chính là chồng của nữ chính Helen Holmes.
Nữ diễn viên từng chia sẻ hồi năm 1916 rằng chính vì đàn ông đương thời vốn thiếu thiện cảm với những phụ nữ mạnh mẽ, tháo vát, ưa mạo hiểm, nên cô càng phải thực hiện những bộ phim xoay quanh tuýp nhân vật nữ này, và càng phải đưa lại kịch tính thực sự bằng cách tự mình đảm nhiệm những cảnh quay nguy hiểm.
Helen Holmes được đánh giá là một nhan sắc sáng màn ảnh và dễ gây thiện cảm với khán giả. Phương thức làm phim thời kỳ này rất đơn sơ, vì vậy, việc một nữ diễn viên ưa mạo hiểm như Helen Holmes thường xuyên gặp phải chấn thương là chuyện “cơm bữa”. Dù vậy, rất may mắn cho cô là cô chưa từng phải trả giá đắt cho sự mạo hiểm của mình.
Trong suốt sự nghiệp diễn xuất, Helen luôn có sự đồng hành của người chồng đạo diễn, nhưng rồi khi họ chia tay, sự nghiệp diễn xuất của cô đi xuống nhanh chóng. Sau khi xuất hiện trong hàng trăm tập phim câm với cùng một mô-típ nhân vật, khán giả đã bắt đầu bị “ngấy” Helen Holmes.
Ngôi sao dòng phim câm đầu thế kỷ XX |
Những cơ hội diễn xuất biến mất, cuộc đời của một ngôi sao điện ảnh nhanh chóng bị lãng quên. Người chồng thứ hai của Helen làm một nghề mà trước đó, khi còn là diễn viên, cô luôn không muốn hợp tác cùng, đó là nghề… diễn viên đóng thế. Helen Holmes qua đời năm 1950 ở tuổi 58.
Thực tế, đến hôm nay, những vai diễn của Helen Holmes không để lại dấu ấn gì nhiều về mặt giá trị nghệ thuật, nhưng bà vẫn được những người nghiên cứu lịch sử điện ảnh nhớ đến như một trong những nữ diễn viên đi tiên phong trong việc tạo nên một dạng vai mới, mang tính đột phá dành cho phụ nữ trên màn ảnh ngay từ đầu thế kỷ 20.
Phim câm là những bộ phim không có tiếng động hoặc lời thoại đồng bộ với hình ảnh, đó có thể là các bộ phim được chiếu hoàn toàn không có âm thanh hoặc những bộ phim được chiếu kèm với âm thanh tạo ra bên ngoài (từ dàn nhạc, người đọc thoại, bộ phận tạo tiếng động hoặc các phần thu âm tách rời).
Kỉ nguyên phim câm hay điện ảnh câm được bắt đầu từ khi anh em Lumière khai sinh ra nền điện ảnh hiện đại vào năm 1895 và bắt đầu suy tàn nhanh chóng sau sự ra đời của bộ phim có tiếng đồng bộ đầu tiên vào năm 1927.
Từ giữa thế kỉ 19, một số nhà phát minh đã tập trung vào việc ghi lại các hình ảnh chuyển động. Năm 1888, một người Pháp đã đưa ra phương pháp chụp ảnh với tốc độ nhanh (nhiều khung hình một giây), đặt cơ sở cho sự ra đời của kỹ thuật điện ảnh. Tại Hoa Kỳ, nhà sáng chế nổi tiếng Thomas Edison cũng bắt đầu lãnh đạo việc thiết kế một thiết bị cho phép người xem quan sát các hình ảnh chuyển động liên tiếp.
Năm 1895, anh em Lumière đã đánh dấu bước ngoặt của quá trình này khi cho ra đời Cinématographe, thiết bị cho phép quay và trình chiếu các đoạn phim ghi lại hình ảnh chuyển động.
Ngày 28/12/1895 tại Paris, trong tầng hầm của một quán cà phê, anh em Lumière đã tổ chức buổi trình chiếu rộng rãi có thu tiền những đoạn phim ghi lại bằng thiết bị cinématographe. Buổi chiếu bao gồm 10 cuộn phim rất ngắn (mỗi cuộn dài 17m). Buổi trình chiếu này cho đến nay được coi như thời điểm đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh nói chung và phim câm nói riêng.
Trong khoảng một thập niên tiếp theo, phát minh của nhà Lumière trở nên nổi tiếng và được đem đi trình chiếu hoặc bắt chước ở khắp thế giới. Hàng nghìn đoạn phim ngắn quay lại những cảnh sinh hoạt đời thường được thực hiện để phục vụ cho các buổi trình chiếu trong các hội chợ hoặc các tiệm cà phê.
Nhà điện ảnh tiên phong Georges Méliès cũng bắt đầu thử nghiệm việc áp dụng các kỹ thuật dàn dựng của sân khấu cho các đoạn phim để tạo nên các bộ phim điện ảnh thực sự.
Từ năm 1905 đến năm 1910, điện ảnh từ chỗ chỉ là một trò giải trí mới lạ đã dần phát triển thành một ngành công nghiệp thực sự, công nghiệp điện ảnh. Từ năm 1908, không dừng lại ở mức một ngành công nghiệp giải trí đơn thuần, các nhà điện ảnh bắt đầu phát triển những bộ phim trở thành các tác phẩm nghệ thuật thực sự.