Những câu hỏi “ai” đã không chìm vào im lặng đáng sợ nữa, vấn đề không bị khoác áo “nhạy cảm” nữa, hầu như ngay lập tức có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất, cơ quan chức năng vào cuộc và sớm có câu trả lời phơi bày sự thực.
Điểm nóng sân bay Tân Sơn Nhất đang được tháo gỡ bằng những động thái mà dư luận trông mong: Chủ trương mở rộng sân bay, ngừng thi công tất cả các công trình trong sân gôn để kiểm tra, Bộ Quốc phòng vào cuộc, sẵn sàng trả đất phục vụ các mục tiêu dân sinh.
Ai đã phá rừng Tây Nguyên – câu hỏi này được phát ra từ diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông và được trả lời chính từ các địa phương có nạn phá rừng hoành hành. Không ai khác, đó là các công ty lâm nghiệp được giao bảo vệ và phát triển rừng, tham gia trực tiếp hoặc tiếp tay cho “lâm tặc” có cán bộ kiểm lâm, sỹ quan công an và có cả các đồng chí nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy (Đắk Nông). Đó là câu trả lời không tránh né sự thật, vấn đề còn lại là xử lý đích đáng và tìm cách cứu rừng hiệu quả.
Trong khi mọi con mắt đổ xô vào phiên tòa xử tội lừa đảo của hoa hậu với “đại gia”, dỏng tai nghe “quyền im lặng” và “hợp đồng tình ái” thì tại miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố dự thảo báo cáo về kết quả kiểm định những con tàu vỏ thép đóng cho ngư dân ven biển. Sự dối trá đã bị phơi bày, từ đánh tráo vỏ thép đến các máy móc thiết bị trên tàu, liệu người ta có còn tiếp tục trơ trẽn đổ lỗi cho “nước biển mặn” và ngư dân “không biết vận hành” nữa không. Khuất tất tiếp tục được làm rõ và yêu cầu chuyển vụ việc này cho cơ quan điều tra là rất chính đáng, cần làm ngay.
Những “đường dây” bổ nhiệm, những dinh thự hoành tráng và cả những món tiền khổng lồ bị “thất thoát” cũng đang được tích cực làm rõ, vụ việc khởi tố và bắt giam các lãnh đạo chủ chốt ở Cty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) là một ví dụ.
Những động thái này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc quản lý xã hội và con người, chống tham nhũng và bất công, đem lại sự ổn định và phát triển.