Ai sẽ là Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam trong nhiệm kỳ tới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 26/4 mới đây, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội quý II năm 2021. Cuộc họp này được đặc biệt chú ý bởi Hiệp hội sẽ giới thiệu nhân sự lãnh đạo mới trong nhiệm kỳ tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Lương Văn Tự (74 tuổi) đang giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội tới nay đã có nhiều nhiệm kỳ liên tiếp và được dự đoán là khó có khả năng tiếp tục lãnh đạo. Nguy cơ khi người kế nhiệm không am hiểu về chuỗi giá trị toàn cầu và lợi thế cà phê của Việt Nam sẽ khiến sự tiếp tục trượt dài của ngành cà phê - ngành chủ lực và vô cùng chiến lược của Việt nam.

Cà phê Việt Nam được thế giới biết đến với danh hiệu là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai toàn cầu. Nói một cách hình ảnh, trong mỗi ly cà phê được pha hàng ngày đều có hạt cà phê Việt Nam. Chính vì thế, cà phê là một trong những sản phẩm mũi nhọn có thể nâng tầm thành ngành chiến lược để Việt Nam định vị thương hiệu quốc gia của mình trên thị trường nông sản thế giới. 

Năm 1990, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại (nay là Bộ Công Thương). Một năm sau đó, cũng theo đề xuất của Bộ Công Thương, Hiệp hội đã gia nhập và trở thành thành viên của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). 

Đây được xem là Hiệp hội lớn nhất của ngành cà phê Việt Nam, là tổ chức tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nghiên cứu và đào tạo, cung ứng dịch vụ cho ngành cà phê trên phạm vi cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò của Hiệp hội hiện nay vẫn còn mờ nhạt và chủ yếu tập trung vào cà phê nhân chưa qua chế biến. 

Dù số lượng xuất khẩu lớn nhưng lợi nhuận và danh tiếng mang về cho thương hiệu cà phê Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Việt Nam sản xuất lớn và xuất khẩu thô hàng loạt nhưng ít thương hiệu mạnh và không có tiếng nói trong việc quyết định giá thành sản phẩm. Giá cà phê lên xuống thất thường, phụ thuộc nhiều vào sàn cà phê quốc tế.

Ngoài ra sự chi phối của các tập đoàn cà phê thế giới khiến đời sống người nông dân vẫn còn khó khăn, nguy cơ vùng nguyên liệu bị thu hẹp,… là những vấn đề lớn đối với ngành cà phê Việt Nam, trong khi tiềm năng của thị trường này lại rất lớn với nhu cầu ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Đây đang là bài toán rất thách thức đặt ra cho Hiệp hội trong việc phải đổi mới toàn diện chính mình để có thể dẫn dắt ngành cà phê nước nhà thích ứng với sự bùng nổ mới của ngành thời kỳ Covid. 

Năm 2001, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê thứ hai trên thế giới, hàng năm thu về cho ngân sách quốc gia hơn một tỉ USD. Năm 2020, xuất khẩu cà phê cả năm 2020 xấp xỉ mức 2,8tỷ USD tương đương năm 2019, chủ yếu là cà phê nhân, chưa qua chế biến, trong khi tổng giá trị của ngành cà phê toàn cầu là 200 tỷ đô. Tỷ lệ tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam hiện nay khoảng 13% sản lượng, tương đương 200,000 tấn/năm, 2kg/người/năm.

Giá trị xuất khẩu và vị thế của cà phê Việt Nam tuy có cải thiện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 và tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên 30% trong thời tới, ngành cà phê buộc phải làm “cuộc chuyển mình”, đặc biệt là phát triển các sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững. 

Vì vậy, cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội VICOFA quý II năm 2021 cần đặt vấn đề đội ngũ nhân sự trong nhiệm kỳ mới, đặc biệt là vị trí Chủ tịch Hiệp hội - người lãnh đạo hội tụ năng lực, phẩm chất để ngành cà phê Việt Nam tạo ra bước phát triển đột phá và khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường Quốc tế./.        .

Đọc thêm