Vẫn “căn bệnh” ý thức kém
Mối lo ngại lớn nhất dịp cuối năm hay lễ, Tết là ùn tắc giao thông, do lưu lượng phương tiện tăng cao, nhất là các cửa ngõ ra, vào thành phố, các trục đường hướng tâm. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm phải rào chắn một phần hè, đường phố. Vào các khung giờ cao điểm hay trời mưa, những khu vực rào chắn này rất dễ trở thành những điểm nghẽn, gây tắc đường kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông không chỉ dừng ở đó. Ngay vào những khung giờ thường, khi lưu lượng giao thông trên đường vắng, nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn hiện hữu. Một bộ phận người điều khiển phương tiện không chú ý nhìn đường, phóng nhanh vượt ẩu rồi va chạm với người khác, gây tai nạn.
Đơn cử, ngày 11/12, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên đi mô tô va chạm với xe máy khác do một phụ nữ điều khiển tại đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau va chạm, người phụ nữ bị chệch tay lái, ngã ra đường và bị ô tô đi cùng chiều đâm trúng. Dù biết sự việc nhưng nam thanh niên vẫn dửng dưng bỏ đi.
Nhiều người đã chỉ trích đây là hành vi thiếu đạo đức và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra danh tính người này, xử phạt nghiêm theo quy định. Ngoài gây tai nạn rồi bỏ chạy, nhiều ý kiến chỉ ra nam thanh niên đã mắc lỗi xi nhan nhầm hướng, thiếu chú ý quan sát, không đi đúng phần đường,… Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Dù không thiệt hại về người nhưng những vụ va chạm như vậy vẫn thường xảy ra vào cuối năm và trở thành nỗi lo lắng của nhiều người khi ra đường. Dù đã cảnh giác cao độ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhưng họ vẫn có thể trở thành nạn nhân của những người ý thức kém, không tuân thủ quy định giao thông. Đó có thể là tình trạng nhiều tài xế công nghệ phóng nhanh, vượt ẩu để kịp trả đơn hàng, trả khách; hay các ô tô khách tranh giành khách, dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định; hoặc các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để mua bán, tập kết hàng hóa gây cản trở giao thông…
Nguy hiểm hơn nữa là nhóm người vi phạm nồng độ cồn nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện ra đường, gây ra những tai nạn thương tâm. Thậm chí còn có trường hợp người đi bộ uống rượu rồi đi thẳng ra đường quốc lộ, nơi các phương tiện di chuyển với tốc độ cao, dẫn đến xảy ra va chạm, tai nạn không đáng có. Đến nay, “chữa căn bệnh” ý thức kém vẫn là “bài toán” nan giải đối với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.
Chủ động phòng tránh ùn tắc giao thông
Để chủ động phòng tránh ùn tắc giao thông dịp cuối năm, các ngành chức năng của thành phố đã xây dựng phương án và triển khai các biện pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu rủi ro tai nạn. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ nay đến 31/12/2023, Sở giao cho Ban Duy tu các công trình giao thông tiến hành xén dải phân cách một số tuyến phố, nút giao như: Ngã Tư Sở, đường Trịnh Văn Bô, làn đường rẽ dành cho xe máy đường Châu Văn Liêm, đường dẫn xuống cầu Thanh Trì… Đây là những tuyến phố, nút giao có lưu lượng phương tiện đông đúc, xung đột nhau và thường xuyên xảy ra ùn tắc, va chạm.
Các lực lượng chức năng cũng có kế hoạch huy động tối đa lực lượng để phân luồng, hướng dẫn giao thông. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ tăng cường 100% quân số cùng với các lực lượng thường xuyên túc trực trong các khung giờ cao điểm tại các vị trí nút giao cắt, các trục đường chính để kịp thời phân luồng, giải tỏa giao thông. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát Giao thông đề nghị người dân chủ động cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”, số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để xử lý kịp thời.
Đáng chú ý, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ XIV, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây nhấn mạnh việc khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống camera giao thông để bảo đảm hiệu quả trong quản lý và xử phạt người vi phạm; nghiên cứu, đề xuất nâng mức xử phạt đối với một số hành vi.
Mặt khác, bên cạnh những biện pháp của các cơ quan chức năng, mỗi người tham gia giao thông cần tăng cường cảnh giác, tự giác chấp hành pháp luật để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác.