5 năm trở lại đây, khi các nhà máy xí nghiệp ùn ùn mọc lên, dân làng Vạn Chánh (thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương) sợ hãi khi “Mộ người chết ung thư nhiều như bát úp trên chạn”.
Ra khu nghĩa trang của làng, chỉ vào hàng loạt những ngôi mộ dài chưa cải táng, người dân cho biết gần như toàn bộ số mộ là của những người chết vì bệnh ung thư. Đó là chưa kể những người được gia đình mang đi "hóa thân hoàn vũ" vì… thiếu đất chôn.
10 ngày, 5 người chết vì ung thư
Đếm sơ qua, thấy gần 40 ngôi mộ như vậy. Hai năm trở lại đây, số người chết vì ung thư trong khu dân cư nhỏ bé này lên tới hàng chục người. Rùng mình khi nghe người dân ví von: “Mộ người chết ung thư nhiều như bát úp trên chạn”.
“Nghĩa địa ung thư” |
Ông Nguyễn Đức Khải (SN 1962, ngụ khu 5, thị trấn Phú Thứ) kể: “Từ đầu năm tới nay đã có tới hơn chục người chết vì ung thư. Kinh hoàng nhất là tháng 2 vừa rồi, chỉ trong 10 ngày mà có tới 5 người chết vì căn bệnh quái ác đó”. Khẳng định lời mình vừa nói, ông Khải kể tên tuổi, địa chỉ hàng loạt những người xấu số.
Theo tìm hiểu, loại ung thư chủ yếu người dân nơi đây mắc phải là ung thư phổi, dạ dày và vòm họng, số ít khác bị ung thư xương, ung thư máu hay ung thư não. Những loại ung thư này có nguyên nhân chủ yếu từ môi trường sống chứ ít khi do di truyền. Phần lớn những người mắc bệnh và tử vong ở làng có độ tuổi từ 40 - 60 tuổi, thời gian phát hiện ung thư đến lúc qua đời rất nhanh.
Như trường hợp ông Nguyễn Văn Chông (SN 1955, ngụ khu 5) vốn là người khỏe mạnh. Trước khi mắc căn bệnh hiểm ác, ông vẫn làm công nhân khai thác đá ở gần nhà. Vậy mà từ thời điểm phát hiện bị ung thư đại tràng tới lúc mất chỉ khoảng hơn hai tháng.
Đến nhà tìm hiểu thông tin, vợ người quá cố cũng mắc bệnh tim, vừa bị tai biến nên không thể nói chuyện được, gia cảnh vô cùng khó khăn. Hàng xóm thương cảm: “Nhà ông ấy neo người, chỉ có hai vợ chồng già, các con đều ở chỗ khác. Lúc ông ấy mất chẳng ai biết, chỉ đến khi gọi cửa mãi không thấy trả lời, chạy vào mới biết ông ấy đã "đi" từ bao giờ. Ông ấy vốn khỏe mạnh, vậy mà phát bệnh nhanh quá”.
Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Thế (SN 1935, cùng ngụ khu 5) phát hiện ra căn bệnh ung thư dạ dày khi ở tuổi 78. Tuy nhiên, khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn cuối, lại thêm sức khỏe già yếu nên chỉ 5 tháng sau, bà Thế đã qua đời.
Người dân sợ hãi vì số người mắc bệnh ung thư tăng vọt |
Tương tự là ông Ngô Viết Huyên (63 tuổi, trú khu 6), khi phát hiện ung thư dạ dày cũng là lúc căn bệnh đã ở giai đoạn cuối, không có cơ hội chữa trị.
Ông Nguyễn Văn Luyến, trưởng khu 6 nhận định: “Nhiều người ung thư giai đoạn cuối mới phát hiện được bệnh, người dân vốn không có điều kiện đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ tới khi đau đớn mới vào viện thì đã quá muộn, không kịp chữa chạy”.
Chỉ tính riêng khu 5 và khu 6, từ đầu năm tới nay đã có tới 5 người chết vì ung thư. Ông Trương Văn Cường, trưởng khu 5 cho biết: “Nếu tính trung bình ở địa phương này, 10 người chết thì có đến 7 người bị ung thư. Hiện nay, ở làng còn nhiều người mắc bệnh ung thư, nhưng chưa thống kê được vì họ có tâm lý giấu bệnh, không muốn nói. Chỉ tới khi chết, người xung quanh mới biết măc trọng bệnh”.
Bà Phạm Thị Thủy, Trưởng trạm y tế thị trấn Phú Thứ không đưa phóng viên tiếp cận sổ ghi chép, mà chỉ cho biết tình hình chung: “Tỷ lệ chết do mắc bệnh ung thư ở thị trấn Phú Thứ cao thứ hai của huyện”.
Người dân cho biết, trước đây không có hiện tượng này, chỉ khoảng 3 - 4 năm trở lại, căn bệnh quái ác bỗng bùng phát. Nhiều người bệnh đến nỗi có cảm giác "cứ bước chân ra ngõ là gặp ung thư". Người dân cho rằng nguyên nhân dẫn đễn tình trạng này là sự ô nhiễm môi trường sống khủng khiếp.
Những nhà máy nhả bụi
“Dân chết oan, làng thí mạng” là câu nói của người dân làng này về nỗi khổ phải chịu đựng những nhà máy, xí nghiệp độc hại. Một thị trấn đi loanh quanh 5 phút đã hết đường, mà tập trung đến 3 nhà máy xi măng, hai nhà máy xử lý rác thải, một nhà máy gang thép, một nhà máy xử lý dầu.
Thị trấn Phú Thứ có diện tích khoảng 881,36 ha với 11.300 nhân khẩu thường trú, chia thành 8 khu dân cư. Làng Vạn Chánh bao gồm khu 5 và khu 6, nằm lọt thỏm trong khu công nghiệp rộng lớn. Người dân phải chịu đủ loại ô nhiễm nặng nề: Ô nhiễm không khí khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn máy chạy ầm ĩ suốt ngày đêm, ô nhiễm mùi khói đốt nhiên liệu…
Những cột khói này đang được coi là nguyên nhân của bệnh ung thư |
“Sáng nào dậy quét sân cũng hót được cả bát to bụi xi măng. Ngày quét mấy lần mà bụi vẫn sặc sụa. Ở đây chẳng ai dám mở cửa sổ hay cửa chính, suốt ngày đóng im ỉm tránh bụi, cũng chỉ hạn chế được phần nào", một người dân chia sẻ.
Những nhà máy xi măng “thay nhau thở ra bụi”, hết ống khói này đến ống khói kia. Thường thì những nhà máy này hạn chế xả khói bụi vào ban ngày, nếu có cũng chỉ “đánh lẻ” khoảng 3- 5 phút rồi “tịt” ngay, sợ người dân phản ứng. Chực chờ đến khoảng nửa đêm, khi người dân say giấc ngủ, các ống khói mới đồng loạt nhả khói bụi mù mịt, có khi kéo dài đến mấy tiếng đồng hồ mới chấm dứt. Cứ như vậy, mỗi sáng, người dân lại tha hồ thu gom “cơn mưa” bụi xi măng.
Một người dân bức xúc: “Chắc các nhà máy đều lơ là đầu tư các thiết bị xử lý lọc bụi, khói thải. Họ kinh doanh sản xuất, cắt giảm được cái gì có lợi cho họ là họ, đâu cần biết việc họ làm giết người như thế nào”.
Chưa dừng ở nạn khói bụi, thời gian gần đây, liên tục có những phàn nàn về việc không khí lúc nào cũng nồng nặc mùi khét rất khó chịu. Người dân đoán có thể đó là mùi từ hai nhà máy xử lý rác vừa được xây dựng. Cùng “góp sức”, một công ty gang thép cũng "đóng góp" thứ mùi đặc trưng khác cực kỳ khó chịu.
Người dân đã nhiều lần phản ánh sự ô nhiễm môi trường nêu trên đến chính quyền, tuy nhiên, đơn lên đơn xuống, mọi việc vẫn "dậm chân tại chỗ".
Trả lời về vấn đề này, một cán bộ địa phương cho biết: “Chính quyền cũng đã nhiều lần nhận được đơn thư kiến nghị của người dân nhưng… không biết kêu ai”.
Cái lợi khi sống trong khu công nghiệp là phát triển được nhiều loại dịch vụ, thu nhập tăng, kinh tế nhiều gia đình khởi sắc. Nhưng cùng với đó là ô nhiễm nặng nề, tử thần ung thư chực chờ, làng rồi sẽ ra sao?.
Theo Xa lộ pháp luật