Tuy nhiên, qua 4 vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra, nguyên nhân hàng đầu được xác định đều là “do con người” và giải pháp hữu hiệu để khắc phục tai nạn giao thông do lỗi này thì vẫn là bài toán cho các cơ quan chức năng.
Hiện hữu những “tử thần” trên mỗi cung đường
Tối 30/5, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại đảo Cát Bà khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương nặng, toàn bộ đảo bị mất điện do xe trộn bê tông xuống dốc mất phanh, tông vào 1 xe máy và đâm tiếp vào 1 trụ sở kinh doanh nước, 1 trạm biến áp.
Sáng cùng ngày, tại đường Võ Quý Huân (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người một nhà (gồm một thai phụ, bé sơ sinh bị sinh non khi gặp tai nạn và bé gái 4 tuổi) tử vong, 1 người bị thương (người chồng) khi đang di chuyển bằng xe máy. Gia đình gặp nạn do xe tải mang BKS 29C đang lùi đâm trúng, cuốn xe máy của họ vào gầm. Đó chỉ là 2 trong hàng chục vụ tai nạn giao thông diễn ra những ngày qua nhưng để lại những nỗi đau không thể nguôi cho gia đình nạn nhân, thiệt hại vật chất và nhất là những bất an cho cộng đồng khi tham gia giao thông là việc thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống.
Không chỉ đường bộ, những ngày qua, dư luận còn liên tiếp bàng hoàng trước những thông tin về 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt trong 4 ngày tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, làm 13 người thương vong, nhiều đầu máy, toa xe và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ.
Nguyên nhân trực tiếp của 3 trong 4 vụ tai nạn đường sắt được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xác định là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành Đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga; do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện; 2 trong 4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phát hành ngay sau đó, Bộ GTVT đánh giá đây là những vụ tai nạn nghiêm trọng và xác định nguyên nhân tai nạn là “có tình trạng các đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn đường sắt. Một số đơn vị đường sắt chưa chủ động phối hợp với địa phương về đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt.
Ngoài ra, các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt còn nhiều. Đặc biệt là đường ngang tự phát. Công tác giải tỏa công trình vi phạm hành lang an toàn chưa được xử lý dứt điểm. Phương tiện đường sắt như đầu máy, toa tàu lạc hậu, có niên hạn từ năm 1960-1970 vẫn đang khai thác trên đường ray”.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành giao thông của người dân còn kém, vi phạm an toàn đường sắt. Nhiều địa phương chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở. Nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên chưa thể sửa chữa nâng cấp đường ngang, gác chắn”.
Thực tế các vụ tai nạn cũng cho thấy rõ nguyên nhân mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ rõ “các vụ tai nạn đường sắt là do lỗi hoàn toàn chủ quan của con người”. Như trong vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng khiến 11 người thương vong tại Thanh Hóa, theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân là do lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn và lỗi của lái xe tải chở đá khi không chấp hành các quy định về an toàn giao thông trước khi đi qua vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Sau cuộc họp chiều 28/5 để rút kinh nghiệm và xác định trách nhiệm đối với 4 vụ tai nạn đường sắt, trả lời Báo điện tử Chính phủ, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng đưa ra nhận định ban đầu, trong vụ việc 2 đầu tàu đâm nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam) “là do tác nghiệp, do con người”.
Đồng thời ông Minh cho biết thêm, quy trình an toàn của đường sắt là quy trình rất nhiều lớp nên lỗi của 1 người không tạo ra tai nạn, nhưng tích hợp tại một thời điểm có thể xảy ra thì đó là hi hữu và lần đầu tiên là đâm trong ga, tất cả các lỗi dồn lại một lúc, cái sai của nhiều bộ phận tác nghiệp dẫn đến sự cố này. Lỗi đầu tiên là do trực ban, dù bất kì hoạt động nào diễn ra trong ga thì trực ban phải kiểm soát toàn bộ và chỉ khi nào đảm bảo an toàn rồi mới thông báo để ga bên kia cho phép tàu chạy, tức là toàn bộ hoạt động ga này dừng rồi thì ga bên kia mới cho tàu chạy, khi có tín hiệu thông tàu mọi hoạt động trong ga phải được đình chỉ hoàn toàn.
Giảm thiểu phải bắt nguồn từ ý thức đảm bảo an toàn
Công tác khắc phục hậu quả, rút kinh nghiệm, kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan đã được gấp rút tiến hành ngay sau khi Tư lệnh ngành GTVT lên tiếng “nhận trách nhiệm về những yếu kém, sai sót của ngành Đường sắt” khi để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và tương đối nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân. “Tôi xin nhận toàn bộ trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân. Tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi tới nạn nhân và thân nhân người bị nạn về những yếu kém này của ngành Đường sắt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Theo nhận định của ngành GTVT, tai nạn giao thông không chỉ gây ra những thiệt hại về người, tài sản mà còn “ảnh hưởng đến niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với Đường sắt nói riêng và ngành GTVT nói chung”. Nên Bộ tiếp tục chỉ đạo Cục Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt triển khai các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.
Vấn đề đặt ra làm thế nào để khắc phục những nguyên nhân gây tai nạn giao thông “do con người”. Theo ông Vũ Anh Minh, “thảm họa không thể để trách nhiệm của 1 cá nhân, vấn đề sâu xa là ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) ở đường sắt còn hạn chế”.
Đường sắt trên thế giới có 4 mức phát triển là đường sắt chạy hơi nước, đường sắt diesel, điện khí hoá và công nghệ điện tử. Hiện nay, trên thế giới sử dụng thế hệ đường sắt điện khí hóa, trong khi Việt Nam vẫn là diesel, rõ ràng ta đang lạc hậu. Khi ứng dụng KHCN thấp thì sẽ phụ thuộc vào tác nghiệp của con người và quy trình đường sắt ở Việt Nam đang như vậy. Dù được thấy là bình thường nhưng thực tế rất bất cập. Cần được ứng dụng KHCN nhiều hơn nữa để điều khiển hoạt động đường sắt, không để tình trạng “chân đất bắt tàu”; lắp camera hành trình để kiểm soát, lắp đặt camera trong cabin tàu để kiểm soát hành vi của lái tàu và phụ tàu, lắp camera tại các nhà ga, trong phòng trực ban và hướng tới lắp tại các ghi tự động.
Hiện, ngành Đường sắt đã lắp các ghi tự động nhưng không dám rút người gác ghi vì sợ ga không có hàng rào đầy đủ, trâu bò đi qua, hoặc trẻ con chạy vào… nên vẫn phải bố trí người gác. Do đó, hướng tới lắp camera vào ghi để người trực ban qua camera tác động được vào ghi, không phụ thuộc vào người gác ghi. Mới đây, Tổng Công ty đã làm việc với đối tác Ukraine sử dụng định vị GPS, giải pháp này nhằm nâng cao năng lực chạy tàu nối tiếp trong khu gian. Hiện chúng tôi đã báo cáo lên Bộ GTVT để xin ý kiến.
Nhưng rõ ràng nỗ lực của riêng ngành Đường sắt hay toàn ngành GTVT là chưa đủ sức nặng để hạn chế tai nạn giao thông, bởi tham gia giao thông là việc của toàn xã hội. Ai cũng tham gia giao thông với những phương thức, phương tiện, mục đích khác nhau, nhưng cùng sử dụng một hạ tầng giao thông và tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Vì vậy, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi người dân.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành GTVT có khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà” nên để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và mọi người, việc chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông phải trở thành ý thức, thói quen của mọi người dân. Vì vậy việc tìm hiểu pháp luật về giao thông là vô cùng cần thiết.
Cùng với đó, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là vấn đề quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông. Mỗi người cần tự trang bị, xây dựng cho mình ý thức chấp hành luật giao thông, từng bước hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Còn các cơ quan chức năng, ngoài tăng cường tuyên truyền, nâng cao, hình thành ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, cần tăng cường các giải pháp quản lý giao thông an toàn, hiệu quả, thân thiện với người tham gia giao thông, thiết lập trật tự an toàn giao thông...
Các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra những ngày qua:
Lúc 0h30 ngày 24/5, tại Km234+050 (xã Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tàu SE19 chạy hướng Hà Nội -TP.HCM đã va chạm với xe tải. Hậu quả 2 người chết, 10 người bị thương, 150 m đường sắt bị hư hỏng. 6 toa tàu và đầu máy bị lật đổ.
Chiều 26/5, hai tàu chở hàng đã đâm trực diện nhau tại ga Núi Thành (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khiến 2 đầu máy và 4 toa xe hàng bị trật bánh, một số toa xe bị bung cửa, hàng hóa văng khỏi toa xe.
Chiều 26/5 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) tàu chở hàng trật bánh khiến 1 cột tín hiệu ga bị đổ, hư hỏng 2 toa xe hàng.
Khoảng 13h (ngày 27/5), đoàn tàu hàng SH3 chạy hướng Hà Nội - TP HCM đi qua đường ngang tự mở tại xã Diễn An, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đâm vào xe bồn vượt qua đường sắt. Hậu quả lái xe ôtô bị thương.