Đuối nước ở trẻ em là câu chuyện không mới. Mặc dù, chúng ta đã có rất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này nhưng ngày ngày vẫn xảy ra các tai nạn thương tâm, đau lòng. Điều đó cho thấy, công tác trên vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức.Điều này lại càng gây nhiều lo ngại khi đang là mùa mưa bão.
Đắng lòng những vụ trẻ tử nạn trong những hố ga, vũng nước…
Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ LĐ, TB & XH cho hay, hiện số trẻ em bị tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm. Cụ thể, trong năm 2012 chỉ có 1.708 trẻ bị tử vong do đuối nước trong tổng số 2.769 ca tử vong do tai nạn thương tích, những năm trước con số này luôn ở mức khoảng 3000 trẻ, đặc biệt cao trong năm 2010 (4000); 06 tháng đầu năm 2013 chỉ có 700 trẻ tử vong do đuối nước và tập trung vào mùa hè…
Cần phổ cập việc dạy bơi trong nhà trường |
Tuy nhiên, theo ông An, nguy cơ tử vong do đuối nước trong gia đình vẫn luôn rình rập. Đau lòng nhất là trường hợp tử vong học sinh tập thể do đuối nước vừa xảy ra mới đây tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngoài ra phải kể đến một số vụ trẻ tử vong do ngã xuống hố ga, hố nước công trình xây dựng… cũng trên địa bàn Thủ đô cách đây không lâu.
Điều đó cho thấy, nhiều gia đình vẫn chưa thực sự quan tâm đến sự an toàn của trẻ. Việc dạy bơi tại nhiều địa phương vẫn chưa được triển khai tốt (điều kiện, cơ sở vật chất triển khai dạy bơi, giảng viên dạy bơi thiếu, chưa có kỹ năng…).
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Đường biển, Bộ Công An, cũng lo ngại cho hay, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có mật độ sông, hồ, biển dày đặc, do đó tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao (có năm lên đến 3.500-4000 người). Đáng lo ngại hơn khi toàn quốc có tới hơn 4000 bến khách sang sông, trong đó có trên 2000 bến khách; 701 xã, phường có hoạt động đường thủy vận chuyển các cháu đi học (102.460 cháu), phương tiện vận chuyển thì đa số không bảo đảm an toàn…
Để đuối nước không còn là nỗi kinh hoàng
Từ thực tế trên, ông Tiến cho biết, trong thời gian tới lực lượng cảnh sát đường thủy sẽ tiếp tục triển khai chương trình hành động giảm thiểu tử vong do đuối nước gắn với hoạt động “Văn hóa giao thông, bình yên sông nước”; xây dựng và phát huy hiệu quả của các mô hình tự quản ở các địa phương, bến sông; triển khai xây dựng bến an toàn, phương tiện an toàn và trẻ an tham gia giao thông đường thủy an toàn…; tham mưu tổ chức các hoạt động vui chơi trên phương tiện đường thủy an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền tuần tra, kiểm soát các phương tiện chở khách, đặc biệt là chuyên chở học sinh đến trường, các bãi tắm, nơi vui chơi văn hóa có phương tiện đường thủy lưu thông…
Đại diện cho Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Duy Anh cho rằng, việc phổ cập dạy bơi cho học sinh, sinh viên, cũng như kỹ năng cứu bạn cần phải được quan tâm đầu tư và tăng cường hơn. Có kỹ năng, kiến thức các em sẽ không bị tử vong do đuối nước.
Theo ông Duy Anh, khó khăn lớn nhất hiện nay của các nhà trường trong việc phổ cập dạy bơi là điều kiện đất đai, cơ sở vật chất xây dựng các công trình dạy bơi; thách thức lớn tiếp theo là đội ngũ giáo viên dạy bơi (giáo viên thể dục đã ít, biết bơi và dạy bơi lại càng ít hơn); nhận thức của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương về vấn đề này hạn chế, do đó vấn đề này vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức; bản thân cha mẹ học sinh cũng chưa thực sự quan tâm đến con em mình. Do đó, triển khai đại trà hoạt động này là không đơn giản chút nào.
Ông Duy Anh cho biết thêm, thực tế, một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai hoạt động này nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vùng núi cao, sâu, xa càng việc dạy bơi, phổ cập bơi càng khó khăn hơn, trong khi đó nếu được triển khai tốt, những trường hợp tử vong do đuối nước trong những đợt lũ quát, thiên tai sẽ không xảy ra.
Với đề xuất, dạy bơi, phổ cập bơi, mỗi học sinh đều biết bơi, ông Duy Anh cho rằng Bộ GD & ĐT cần quan tâm hơn đến vấn đề này, đưa chương trình bơi vào giảng dạy trong các trường; tăng cường cơ sở vật chất; tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp lãnh đạo địa phương về vấn đề này. Kết hợp chính quyền, nhà nước, địa phương các tổ chức xã hội; tăng cường đội ngũ dạy bơi trong các nhà trường.
Tăng cường và phổ cập việc dạy bơi trong nhà trường, khu dân cư là quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung Ương, việc bảo đảm an toàn trong quá trình dạy bơi cũng phải đặt ra. Vụ việc 4 giảng viên dạy bơi lành nghề ở Hà Nội hướng dẫn 20 học sinh học bơi, mà không hề biết 1 em trong số đó chết ngạt dưới đáy bể bơi là rất nghiêm trọng và đáng trách.
Thực tế này cho thấy, sự lơ là, thiếu trách nhiệm của giảng viên trong quá trình dạy bơi. Một khi các tai nạn này còn xảy ra dám chắc phụ huynh sẽ không thể yên tâm khi giao con mình cho họ. Mặt khác, nhiều vùng, khu vực do điều kiện cơ sở vật chất sông suối, sông hồ hạn chế; kỹ năng dạy bơi của cán bộ phụ trách yếu… hoạt động này vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Bởi vậy, trong thời gian tới, vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các vấn đề này; “cơ bản nhất là tạo điều kiện cho học sinh biết bơi; từ đó đẩy mạnh phong trào dạy bơi cho thiếu nhi, tạo đà cho hoạt động này phát triển, không nhất thiết phải dạy trường lớp, cơ sở, khi điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta còn khó khăn như hiện nay” – ông Trường nhấn mạnh.
Trà Long