Âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela và đội cận vệ “lá chắn tình yêu”

(PLO) - Theo một báo cáo của tổ chức Giám sát Quốc phòng và An ninh Venezuela, Tổng thống Maduro từ năm 2016 đã thành lập 10 tiểu đoàn an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ mình và các quan chức thân cận. Lực lượng cận vệ này được Maduro gọi là "lá chắn tình yêu" khi họ dùng thân mình cùng các tấm giáp để bảo vệ Tổng thống trong âm mưu ám sát hôm 4/8.
Khoảnh khắc nhóm vệ sĩ che chắn cho ông Maduro

1. Khoảng 17h41 chiều 4/8 (4h41 sáng 5/8 giờ Hà Nội) ở Caracas, tại lễ diễu binh của lực lượng Vệ binh Quốc gia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang khép lại bài phát biểu về chủ đề mà mọi người Venezuela đều quan tâm: nền kinh tế ngày càng yếu kém đang khiến cho nhiều người thiếu ăn, bệnh viện thiếu thuốc và hàng trăm nghìn người rời khỏi đất nước. "Đã đến lúc nền kinh tế phục hồi", ông thể hiện sự lạc quan trước khán giả.

Một tiếng nổ vang lên. Đệ nhất phu nhân Cilia Flores hốt hoảng nắm lấy cánh tay của Chánh án Tòa án tối cao đứng bên cạnh. Các vệ sĩ lao đến dùng khiên lớn màu đen để che chắn quanh Tổng thống. Tất cả nhìn lên bầu trời trong sợ hãi..

Sự kiện được phát sóng trên truyền hình trực tiếp. Camera truyền hình quay vào các binh sĩ. Trong một cảnh quay cận cảnh, sự bối rối hiện lên trên khuôn mặt của người lính trẻ đội mũ beret đỏ. "Hãy chạy sang bên phải!", một người hét lên.

Tiếng nổ thứ hai vang lên.   "Tôi nhìn thấy ánh sáng và nghe thấy tiếng nổ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy âm thanh như thế trong cuộc đời", José Gregorio Chacín, người sống ở gần hiện trường, kể.

Các phóng viên vội vã đến hiện trường đưa tin. "Chúng tôi đang ở ngay gần Đại lộ Bolíva. Bạn có thể thấy hình ảnh của cảnh sát và vệ binh quốc gia", phóng viên nói khi truyền hình trực tiếp với chiếc máy quay được đặt ở ghế sau ôtô. Vệ binh quốc gia gõ cửa xe của cô. Họ ra lệnh cô tắt thiết bị rồi khống chế và bắt cô.

Các nhân chứng và truyền thông cho biết khói bốc lên từ một tòa nhà gần đó. Trong khi lính cứu hỏa nói nguyên nhân là nổ bình gas, các nhân chứng kể rằng ngọn lửa bùng lên do máy bay không người lái rơi xuống.

Cảnh tượng hỗn loạn này là bằng chứng nổi bật nhất về tình trạng bất ổn ở Venezuela kể từ khi các cuộc biểu tình bạo lực mùa hè năm ngoái bị lực lượng an ninh giải tán với hơn 100 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị bắt.

Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodríguez xuất hiện trước các phóng viên sau khoảng 19h. Ông nói rằng Tổng thống yêu cầu ông trấn an đất nước. Rodríguez giải thích chuyện đã xảy ra là âm mưu ám sát Tổng thống bằng "các thiết bị bay không người lái". Bảy vệ binh quốc gia bị thương. Bộ trưởng ca ngợi các binh sĩ, nói rằng "đội hình Vệ binh Quốc gia đã giữ nguyên vị trí".

Flannel Soldiers, tổ chức ít tên tuổi thành lập năm 2014 tự mô tả là "các binh sĩ và người dân yêu nước, trung thành với nhân dân Venezuela", đứng ra nhận trách nhiệm. Tổ chức này khẳng định đã sử dụng hai máy bay điều khiển từ xa mang thuốc nổ C4 để tấn công và chúng bị lính bắn tỉa bắn hạ.

"Chúng tôi không thể chấp nhận việc người dân bị đói, bệnh nhân không có thuốc men, tiền tệ không có giá trị và hệ thống giáo dục không có tác dụng. Để hoàn thành cuộc đấu tranh này, người dân Venezuela cần xuống đường và không nao núng", đại diện Flannel Soldiers phát biểu.

Không hề hấn trong vụ tấn công, Tổng thống Maduro có bài phát biểu trên truyền hình vào khoảng 21h. Ông không nhắc đến Flannel Soldiers mà bày tỏ nghi ngờ phe cánh hữu ở Venezuela và chính phủ Colombia - bên thường chỉ trích chính quyền ông vì vấn đề nhân quyền, đứng sau âm mưu. Ngày 5/8, Bộ trưởng Nội vụ Néstor Reverol nói rằng "6 kẻ khủng bố và sát thủ" đã bị bắt giữ, một trong những người đó từng tấn công chính phủ.

Lực lượng vũ trang Venezuela gọi vụ ám sát là "âm mưu nhục nhã" và thề ủng hộ Tổng thống "vô điều kiện". Maduro tuyên bố sẽ thực thi "hình phạt tối đa" cho những kẻ âm mưu ám sát. "Họ đã thất bại một lần nữa và ở Venezuela công lý sẽ được thực thi vì họ đã cố gắng giết tôi", ông nói.

2. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Maduro bị nhắm tới trong các kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền của ông. Chỉ mới cách đây vài tháng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội Venezuela đã âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng tư lệnh.

Âm mưu với mật danh Chiến dịch Hiến pháp (OC) này có sự tham gia của nhiều đại úy, đại tá và tướng đến từ cả 4 quân chủng trong lực lượng vũ trang Venezuela, với mục tiêu bắt giữ Tổng thống Maduro và đưa ông ra tòa xét xử.

Điều tra của Bloomberg cho thấy một phần chiến dịch OC được lên kế hoạch ở Bogota, thủ đô Colombia và các quan chức Mỹ lẫn Colombia đều biết về âm mưu này, nhưng từ chối ủng hộ một cách tích cực hành động của các sĩ quan quân đội Venezuela.

Cuộc điều tra của tờ báo Mỹ dựa trên lời kể của một thành viên điều phối kế hoạch đảo chính và hai người tham gia vào khâu lên kế hoạch, cùng các luật sư và thân nhân của những người bị bắt và truy tố. Tất cả những người này đều giấu danh tính để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Những người này cho biết kế hoạch đảo chính được đề ra từ tháng 4/2017, nhằm ngăn chặn nỗ lực của Maduro tước bỏ quyền lực của quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Tuy nhiên, một biến cố xảy ra hai tháng sau đó khiến họ phải tạm ngừng kế hoạch của mình.

Tháng 6/2017, cựu sĩ quan cảnh sát Oscar Perez cướp một chiếc trực thăng và thả lựu đạn, xả súng xuống trụ sở Tòa án Tối cao Venezuela để phản đối Tổng thống Maduro. Perez được cho là thuộc một nhóm nổi loạn nhỏ hơn trong lực lượng vũ trang Venezuela bất mãn với Tổng thống.

Cuộc tấn công bột phát của Perez khiến chính quyền Maduro tăng cường cảnh giác, cáo buộc trung tướng Miguel Rodriguez Torres, cựu tư lệnh tình báo quân đội, đứng sau âm mưu này. Perez bị tiêu diệt trong một cuộc vây ráp của lực lượng an ninh hồi tháng 1, trong khi tướng Rodriguez Torres và một số chỉ huy tiểu đoàn thiết giáp bị bắt vì tội nổi loạn hồi tháng 3 và vẫn đang ngồi tù.

Đến đầu năm 2018, các chỉ huy chiến dịch OC mới bắt đầu bí mật gặp lại nhau trong các căn hộ ở Caracas. Một thành viên tham gia cuộc họp thậm chí còn phải gắn râu giả, dùng giấy tờ tùy thân giả để nhập cảnh từ Colombia vào Venezuela.

Theo kế hoạch cuối cùng, những thành viên trong nhóm đảo chính sẽ đeo băng tay màu xanh có chữ OC và tràn vào dinh Tổng thống cùng căn cứ quân sự chính ở thủ đô Caracas, khống chế các lực lượng trung thành với Maduro, tước bỏ quyền lực của ông và ngăn chặn cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 20/5.

3. Âm mưu đảo chính của các sĩ quan cấp cao quân đội Venezuela dường như bị bại lộ từ giữa tháng 5, khi nhiều quân nhân, trong đó có một nữ sĩ quan, cùng một số dân thường bị cơ quan an ninh bắt giữ, nhiều người bị truy tố với tội danh phản bội tại tòa án quân sự.

Nhóm chỉ huy âm mưu đảo chính tin rằng họ nhiều khả năng đã bị một điệp viên hai mang bán đứng. Cơ quan an ninh Venezuela đã bắt bạn trai của nữ sĩ quan duy nhất tham gia vào âm mưu đảo chính rồi dùng các biện pháp để buộc anh này khai ra mọi thứ. Đợt truy quét và bắt giữ lớn nhất diễn ra vào thời điểm Maduro tái đắc cử Tổng thống Venezuela.

Bloomberg còn tiếp cận được với một báo cáo của tòa án quân sự Venezuela về lời khai của các thành viên tham gia kế hoạch đảo chính. Trong báo cáo này, tòa án quân sự Venezuela cáo buộc các sĩ quan cấp cao tham gia vào âm mưu nổi loạn, cho rằng chính phủ Mỹ và Colombia đang hỗ trợ tài chính cho một kế hoạch khác có tên là Chiến dịch Armageddon, nhằm ám sát Maduro trong một lễ diễu binh vào tháng 7/2017.

Tuy nhiên, những người được Bloomberg phỏng vấn đều bác bỏ cáo buộc về Chiến dịch Armageddon. Mỹ và Colombia cũng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó khẳng định Washington "không có ý định gây bất ổn hay lật đổ chính phủ Venezuela".

Chiến dịch OC được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với Maduro kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2013 và chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ vốn nổi tiếng giàu có nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ này. Cuộc khủng hoảng giá dầu đã khiến kinh tế Venezuela tuột dốc, tỷ lệ lạm phát tăng phi mã, trong khi nguồn cung nhu yếu phẩm cạn kiệt, khiến đời sống của hàng triệu người dân lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người phải rời bỏ đất nước để tị nạn.

Trong bối cảnh đó, một số thành viên quân đội Venezuela tin rằng hy vọng duy nhất để vãn hồi sự ổn định cho đất nước là loại bỏ Tổng thống Maduro bằng vũ lực. Tuy nhiên, họ dường như không tính đến rằng Maduro đang nắm trong tay những cơ quan quyền lực nhất của Venezuela và có được lòng trung thành của các tướng cao nhất trong quân đội, dù ông chưa một ngày tham gia quân ngũ.

Kể từ khi lên nắm quyền, Maduro đã cho quân đội Venezuela phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như sản xuất dầu mỏ và phân phối thực phẩm. Ông cũng đã thăng quân hàm cho hàng trăm tướng quân đội, bổ nhiệm các sĩ quan quân đội nắm giữ 9 vị trí trong nội các 34 người của mình.

Maduro dường như cũng đã nhận ra những mầm mống bất mãn trong nội bộ quân đội. Trong cuộc diễu binh hôm 23/6, ông tuyên bố: "Đã đến lúc xích lại gần nhau và vạch mặt những kẻ phản bội. Chúng ta cần một quân đội đoàn kết trung thành với đất nước Venezuela và tổng tư lệnh hợp pháp của mình".

Chiến thắng áp đảo của Maduro trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 cho thấy lãnh đạo này vẫn nắm giữ quyền lực vững chắc, bất chấp những chỉ trích từ phe đối lập và bên ngoài.

Theo một báo cáo của tổ chức Giám sát Quốc phòng và An ninh Venezuela, Tổng thống Maduro từ năm 2016 đã thành lập 10 tiểu đoàn an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ mình và các quan chức thân cận. Lực lượng cận vệ này được Maduro gọi là "lá chắn tình yêu" khi họ dùng thân mình cùng các tấm giáp để bảo vệ Tổng thống trong âm mưu ám sát hôm 4/8./.

Đọc thêm