Âm nhạc trong show Vũ điệu trên mây- một sự thể nghiệm táo bạo

(PLVN) - Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Tiến, một trong hai “cha đẻ” tạo ra âm hưởng rất riêng cho Vũ điệu trên mây đã có những chia sẻ thú vị quanh việc sáng tác nhạc cho show diễn này.
Âm nhạc trong show Vũ điệu trên mây- một sự thể nghiệm táo bạo

“Vũ điệu trên mây” là một show diễn khá đặc biệt khi kết hợp được các tầng lớp văn hóa khác nhau của Tây Bắc. Phần âm thanh của show này có phải là một thách thức lớn với anh không?

- Sau khi ý tưởng show được đạo diễn Phạm Hoàng Nam đưa ra, ekip phụ trách âm nhạc chúng tôi chỉ có khoảng một tháng để chuẩn bị. May mắn là suốt 20 năm qua, tôi đã lang thang qua rất nhiều nơi ở Đông Tây Bắc và đặc biệt thích âm nhạc của vùng đất này. Ở đó có tiếng đàn truyền thống của người Mông, tiếng trống của người Dao và kèn của người Tày Nùng. Vì vậy, khi nhận lời làm show, chúng tôi rất hào hứng. Chúng tôi chia nhau đi thực tế các vùng miền, đóng vai những nhà dân tộc học trước khi sáng tác. Mục đích cuối cùng là phải tạo ra một phần âm nhạc bao hàm nhiều nhất cho cộng đồng Tây Bắc nói chung.

Mỗi một dân tộc đều có những nhạc cụ riêng. Ý tưởng kết hợp chúng lại với nhau để thành một chỉnh thể đến với anh như thế nào?

- Trước tôi từng làm Giám đốc cho một dàn nhạc tập hợp nhạc cụ của khoảng 40 dân tộc khác nhau. Đó là một kinh nghiệm rất hay, gần giống với ý tưởng tạo nên dàn nhạc giao hưởng. Ở đây, chúng tôi cũng muốn thành lập một dàn nhạc giao hưởng riêng của các dân tộc vùng Hoàng Liên Sơn. 

Chúng tôi thử lấy Pí của người Thái, sáo của người Mông, kèn nứa của người Dao rồi trộn lại với nhau. Đôi khi chúng tôi lại sử dụng trực tiếp những tiếng hát được thu live để mix vào. Việc này rất ít người làm. Nhưng quan điểm của chúng tôi là âm nhạc cũng cần có sự giao lưu. 

Trải qua nhiều thử nghiệm, cuối cùng, chúng tôi thành công trong việc kết hợp. Trong phần đầu, âm nhạc của show có âm thanh đàn tính của người Tày chìm thành phần giai điệu, có tiếng sáo của người Mông lướt lên trên, có tiếng trống và tiếng kèn nứa của người Dao giữ phách. Hay ở giai đoạn sau đó là tiếng sáo Bắc Bộ, tiếng trống người Dao ẩn chìm trên nền nhạc Phật...

Bất cứ một dân tộc nào khi nghe những giai điệu đó đều nhận ra phần âm thanh hồn cốt của mình. Nó vừa chung, nhưng cũng rất riêng.

Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Tiến
Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Tiến

Vũ điệu trên mây là một show vũ kịch với tiết tấu biến đổi liên tục. Trong khi đó, âm nhạc truyền thống Tây Bắc lại có giai điệu khá mênh mang và dài. Anh và ekip đã giải quyết sự khác biệt này như thế nào?

- Toàn bộ các dải âm thanh riêng biệt từ các loại nhạc cụ khác nhau được chúng tôi kết hợp lại theo phong cách World Music- thể loại âm nhạc không biên giới, khai thác các chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền, không bó buộc trong phong cách thể hiện mà có thể pha trộn các thể loại âm nhạc với nhau.

Phong cách này đặc biệt phù hợp với show diễn đại chúng. Ở đây, chúng tôi đã kết hợp âm nhạc truyền thống của Tây Bắc với một nền nhạc hiện đại của Châu  u và Mỹ, tạo tiết tấu và độ mở cho phần âm nhạc. Vì vậy, mặc dù sử dụng nhạc cụ dân tộc, nhưng người nghe có cảm giác rất trẻ trung và khỏe khoắn.

 

Điểm xuyết trong dải âm nhạc của Vũ điệu trên mây còn là những âm thanh rất lạ, khi là tiếng cười khúc khích, lúc lại là tiếng chim líu lo. Thậm chí, ở phần hai, tiếng tụng kinh, gõ mõ và cả câu kệ... cũng được cài vào. Đây liệu có phải là điểm nhấn giữa “dàn giao hưởng”của anh?

- Ngay từ khi bắt tay vào khởi động, đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã luôn muốn có sự đa dạng. Ở phần đầu tiên, khán giả nghe thấy một tiếng cười trong vắt vang lên giữa những điệu múa Mường Hoa. Nó tượng trưng cho sự hồn nhiên của đồng bào Tây Bắc. Một tiếng cười trong không gian buổi sáng sớm hay giữa phiên chợ làm cuộc sống cứ nhẹ tênh đi và thanh thản rất nhiều.

Đến giai đoạn Tâm linh hội tụ thì một loạt các chất liệu khác được sử dụng. Đó là tiếng chuông tầng tầng lớp lớp đánh dấu cho bước chuyển cảnh từ văn hóa hội hè sang miền tâm linh. Đó là tiếng tụng kinh được thu từ cả người Việt lẫn đất Phật Tây Tạng. Những âm thanh ấy tạo ra không khí Thiền, hướng người xem, người nghe tới sự tĩnh lặng trong tâm hồn, đúng như ý đồ nghệ thuật của đạo diễn Phạm Hoàng Nam.

Đặc biệt, câu kệ của thiền sư Thích Nhất Hạnh vang lên ở gần cuối là một điểm nhấn táo bạo, hướng tất cả tới cái tâm trong sáng nhất. Đôi khi trong cuộc sống, chỉ cần một sát na như thế đã là đáng quý lắm rồi.

Tất nhiên, ở phía dưới tất cả, chúng tôi vẫn sử dụng guitar của Châu  u để tạo nền cho tiếng chuông, mõ và âm thanh tụng kinh theo đúng phong cách World Music.

 

Có điều khá đặc biệt là phần lớn các nghệ sỹ chơi nhạc cụ của show đều là dân “nghiệp dư”. Điều này có thuận lợi và khó khăn gì?

- Việc tập luyện cho các nghệ sỹ “nghiệp dư” tương đối vất vả. Điển hình như đối với cây kèn nứa. Đây là loại nhạc cụ của người Dao ở Yên Bái nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất một nghệ nhân làm được và không còn nhiều người thổi được nữa. Tôi buộc phải thu âm lại rồi về hướng dẫn anh em tập. Nhưng hình như, chính vì không chuyên và mộc mạc nên tất cả các âm thanh mà anh chị em nghệ sỹ không chuyên tạo ra lại rất gần, rất đời và cũng rất... đáng yêu theo đúng chất Tây Bắc.

Xin cám ơn anh! 

“Vũ điệu trên mây” diễn ra tại Sảnh sân mây ga đến cáp treo hoặc Sảnh Bảo An Thiền Tự ga đi - khu du lịch Sun World Fansipan Legend (tùy vào điều kiện thời tiết), từ ngày 13/7 đến 13/10/2019, liên tục trong ba tháng, với 2 suất diễn ngày thường và chủ nhật lúc 9h30 và 11h30, và 3 suất diễn ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy) lúc 9h30, 11h30, và 14h30. Mỗi show diễn có thời lượng 20 phút, nghỉ vào thứ ba hàng tuần.