Khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ninh Bình là vùng đất cố đô, nơi gắn liền với 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và khởi đầu triều Lý với hơn 1.800 di tích lịch sử văn hóa với nhiều công trình nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm… Rất đặc biệt, khi vùng đất này cũng là nơi hai tôn giáo Phật giáo, Công giáo có mặt từ sớm. Lịch sử ghi nhận, từ thời Hai Bà Trưng, trên đất Hoa Lư đã có những ngôi chùa. Còn vùng cửa biển Thần Phù - Yên Mô là một trong những nơi Công giáo truyền vào Việt Nam sớm nhất.
Hiện nay, Phật giáo và Công giáo cũng là hai tôn giáo có đông tín đồ ở Ninh Bình với gần 700 cơ sở thờ tự, hơn 930 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và hơn 230 ngàn tín đồ, chiếm gần 24% dân số toàn tỉnh.
Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo nói chung, vận động chức sắc, đồng bào tôn giáo nói riêng, những năm qua, tỉnh Ninh Bình coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức vận động và đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, nhất là những cán bộ làm công tác dân vận, công tác mặt trận luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đoàn kết tôn giáo.
Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận (tháng 8/1962), Người căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”. Với Ninh Bình, cách riêng với đồng bào tôn giáo, tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Phát Diệm (huyện Kim Sơn), thăm giám mục, các linh mục và bà con giáo dân. Người căn dặn: “… Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo phải nên nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà… Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”. Nhà Phật có câu: “Vạn chúng nhất tâm”, nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”.
“Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đất nước phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng với ý chí, nghị lực cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã vượt qua tất cả và làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp xứng đáng của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo đã chung sức, đồng lòng vì sự phát triển chung của đất nước”.
- Trích phát biểu của Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo, ngày 13/6/2024.
Đặc biệt, trong những ngày này, cùng chung niềm tiếc thương vô hạn của người dân cả nước về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân Ninh Bình, nhất là các chức sắc Công giáo, bà con giáo dân Phát Diệm - Ninh Bình đều nhắc lại những kỷ niệm dịp Tổng Bí thư, khi đó giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội về thăm, chúc Tết tại tỉnh Ninh Bình (tháng 2/2010). Trong dịp này, đồng chí cũng đã tới thăm Tòa Giám mục Phát Diệm.
Bày tỏ vui mừng nhận thấy, bà con giáo dân đã thực hiện tốt nội dung Thư Chung của Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam là Đồng hành cùng dân tộc, sống Phúc âm trong lòng dân tộc, vừa thực hiện tốt trách nhiệm công dân, vừa kính Chúa, yêu nước, đóng góp tích cực, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào Việt Nam, trong đó có giáo dân đều chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, cùng chung một mục đích là xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những tư tưởng, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành “kim chỉ nam” cho các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai sâu, rộng, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đặc biệt coi trọng đoàn kết tôn giáo.
Cần nhân rộng những mô hình, hoạt động có sự chung tay của các chức sắc, tín đồ tôn giáo
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, cần nhân rộng những mô hình hoạt động có sự chung tay của các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Trong ảnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình, đại diện ban, ngành, các tôn giáo cùng dự khánh thành nhà cho người nghèo. (Ảnh: MTTQ cung cấp). |
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tôn giáo là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Ông Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, MTTQ các cấp ở Ninh Bình đã quán triệt, thực hiện tốt quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo, xây dựng, phát huy nguồn lực tôn giáo. Đóng góp của các chức sắc, tín đồ các tôn giáo vào phát triển kinh tế - xã hội, chung tay trong công tác an sinh xã hội thật sự hiệu quả, đi vào chiều sâu.
“Trên cơ sở, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo. Qua đó, các chức sắc, chức việc, bà con các tôn giáo đã góp công, góp sức thực hiện nhiều ngôi nhà, mỗi ngôi nhà trị giá từ 150 - 300 triệu đồng. Đây không chỉ là món quà ý nghĩa đối với các hộ nghèo mà còn thể hiện mối đoàn kết tôn giáo trên địa bàn tỉnh”, ông Kiên cho biết.
“Các hoạt động xã hội, phong trào thi đua thường xuyên được tổ chức, vận động, phát huy nguồn lực của các tôn giáo, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo sợi dây cho đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo. Cần nhân rộng những mô hình hoạt động có sự chung tay của cả chức sắc, tín đồ Phật giáo và Công giáo trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương những nhân tố tích cực, tấm gương người tốt, việc tốt có nhiều đóng góp cho các hoạt động, phong trào, bảo đảm sự tôn trọng, bình đẳng giữa các giáo hội tôn giáo”.
- Trích bài viết “Đổi mới, tăng cường vận động chức sắc tôn giáo ở tỉnh Ninh Bình: Kết quả và những bài học kinh nghiệm”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.
Bên cạnh mô hình chung tay xây dựng nhà cho người nghèo, thời gian qua, các chức sắc, tín đồ tôn giáo ở Ninh Bình cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác đoàn kết tôn giáo đạt được những kết quả nổi bật. Với vị trí của mình, các chức sắc, bằng nhiều việc làm cụ thể đã “nêu gương sáng”, lan tỏa nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp, lòng nhân ái đến các tín đồ và qua đó đến cộng đồng xã hội.
Các chức sắc đã góp phần quan trọng trong việc vận động đồng bào các tôn giáo đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hàng tỷ đồng, hiến hàng nghìn m2 đất, tự nguyện phá dỡ công trình, tường bao để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình công cộng vì lợi ích chung. Các hoạt động bảo vệ môi trường, từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, chung tay vì người nghèo… được các chức sắc tôn giáo ủng hộ, gương mẫu đi đầu và tăng cường thuyết giảng, vận động thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, Ninh Bình là điểm sáng, đứng đầu cả nước trong phong trào hiến tặng giác mạc (với khoảng 15.000 người đăng ký và gần 500 người đã hiến, trong đó chủ yếu là người theo tôn giáo).
Đánh giá về công tác vận động chức sắc tôn giáo ở Ninh Bình, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình), trong bài viết “Đổi mới, tăng cường vận động chức sắc tôn giáo ở tỉnh Ninh Bình: Kết quả và những bài học kinh nghiệm” (Tạp chí Cộng sản, tháng 9/2022) cho rằng: Thành công của nhiều hoạt động, phong trào có sự tham gia của các chức sắc, đồng bào tôn giáo “được tạo dựng trên nền tảng đoàn kết, hòa hợp của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh”.
Từ thực tiễn công tác vận động chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm qua, nhằm tiếp tục phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được, một trong những bài học kinh nghiệm được PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra đó là: cần thiết đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động xã hội tạo sự tôn trọng, gắn kết hòa hợp tôn giáo.