Ấm tình quân dân trong lũ dữ

 Tại những địa bàn bị thiệt hại nặng nề, liên tục những ngày qua, các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 4 đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, tiếp tục chốt giữ tại những nơi xung yếu, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến vị trí an toàn.

Nửa tháng qua, đời sống của nhân dân vùng lũ ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình rất khốn khó khi nhà cửa vẫn chìm trong nước, lương thực và nhiều tài sản có giá trị bị nước lũ cuốn trôi. Tại những địa bàn bị thiệt hại nặng nề, liên tục những ngày qua, các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 4 đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả, tiếp tục chốt giữ tại những nơi xung yếu, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến vị trí an toàn.

Bò bê ở nhà hai tầng

Sau những cơn mưa xối xả trong các ngày 15 và 16/10, nước sông các sông ở miền Trung lên cao, nhiều nơi vượt mức báo động 3 trên 2 mét. Lúc 6 giờ ngày 16/10, đập Khe Mơ (thuộc xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn) đã bị vỡ gần 30m, với độ cao hơn 10m, khiến lực lượng cứu hộ khó tiếp cận địa bàn. Lúc 12 giờ ngày 16/10, tại hai xã Hương Đô, Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) mực nước đã cao ngang đỉnh lũ ngày 3/10/2010. Đập Khe Nậy ở xã Hòa Hải bị vỡ, mực nước hồ Kẻ Gỗ đạt 30,84m, xả tràn tốc độ 300m3/giây. Đến 16 giờ chiều 16/10, nhiều thôn thuộc 33 xã dọc theo các sồng Ngàn Sâu, Ngàn Phố và Ngàn Trươi đã bị ngập. Quốc lộ 15 bị ngập tới 1,5m tại Hà Linh. Đường Hồ Chí Minh bị ngập, tắc ở hàng chục điểm.

Bò ở nhà... hai tầng
Bò ở nhà... hai tầng

Nước lũ đã cắt các tuyến đường giao thông huyết mạch ở Quảng Bình và Hà Tĩnh làm giao thông tê liệt nhiều giờ liền. Ngày 17/10, phóng viên trang Quốc phòng-An ninh bị kẹt lũ phải trở lại Quảng Bình khi Quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh bị ngập sâu hơn 1 mét khiến giao thông bị tê liệt; các đường tỉnh lộ và huyện lộ còn ngập sâu hơn.

Người dân vùng lũ cho biết, theo quy luật, lũ thường đến sau bão thế nhưng các đợt lũ này dồn dập đổ về khi không có bão. Lũ đổ về ban đêm, lại không phòng bị gì nên thiệt hại của người dân rất lớn. Tại xã Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), để bảo vệ bò, bê-tài sản giá trị nhất của nông dân, xã đã cho phép bà con di dời bò bê đến trụ sở ủy ban. Thế là cả hành lang tầng 1 và tầng 2 của xã, nhà để xe đều trở thành nơi nhốt bò.

Ông Trần Mạnh Hổ - Bí thư Đảng ủy cho biết, riêng Quảng Hải đã thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Khi lũ về, mỗi nhân khẩu được phát 1 gói rồi 1,5 gói mì tôm/ ngày. Hiện mỗi khẩu được phát 10 kg gạo. Trong đợt lũ trước, bộ đội đã về giúp dân di dời dân, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa. Các nhà báo của Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam(VFIJ) đã quyên góp nóng được 15 triệu đồng cùng áo quần, hiện vật ủng hộ bà con ở Quảng Hải.

Ông Hổ nói thêm: Đợt lũ trước, các ngôi nhà bị ngập sâu hơn 1,5 mét. Nước lũ đợt 1 đã rút nhưng hàng trăm ngôi nhà của xã vẫn còn chìm trong nước. Nước lũ đợt 2 khiến giao thông lại bị chia cắt. Phương tiện giao thông ở vùng lũ hiện nay là bè chuối.

Di tản đợt 2

Lũ đợt 2 đổ về khiến tình trạng ngập nặng nề hơn. Sáng ngày 16/10, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã khẩn trương sơ tán 416 hộ dân (1.460 người) lên vùng cao. Huyện Lệ Thủy đã huy động lực lượng xung kích tại chỗ giúp dân sửa chữa lại nhà bị tốc mái và tổ chức di dời dân vùng thấp khi nước lũ dâng cao bảo đảm an toàn cho người và gia súc. Gần 3.400 hộ dân ở hai huyện Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh) và 78 hộ ở xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã được di dời đến nơi an toàn.

Các chiến sĩ Quân khu 4 tìm kiếm nạn nhân của lũ dữ
Các chiến sĩ Quân khu 4 tìm kiếm nạn nhân của lũ dữ

Trưa 16/10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Hữu Cường - Tư lệnh Quân khu dẫn đầu trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Bộ Chỉ huy Quân sự CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã điều động 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đơn vị T41, cùng 2 xuồng cao tốc ST 660, 2 xe vận tải quân sự nhanh chóng có mặt tại huyện Hương Khê vào lúc 14 giờ 30 phút.  Thượng tá Nguyễn Xuân Quảng-Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh-người chỉ huy lực lượng cứu hộ ở đây cho biết: “Đơn vị đã cơ động, tổ chức nhiều hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hầu hết nhân dân ở nơi xung yếu đã được bộ đội, dân quân giúp sơ tán đến vị trí an toàn”.

Chiều 16/10, Đại đội Công binh 17, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn được hàng chục người dân ở xã Hòa Hải, đưa đến vị trí an toàn. Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã được phân công về các xã bị ngập nặng, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

Từ ngày 15/10, tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), các phân đội thuộc Đoàn B24, Đoàn C68 bị cô lập do ngầm Lạc Thiện bị ngập hơn 3 mét. Các tuyến đường dẫn vào trung tâm xã nước dâng cao hơn 1mét. Tuy nhiên, đơn vị đã tổ chức dàn quân tại những nơi xung yếu, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân khi nước lũ tràn về. Ngày 16/10, đơn vị phải sử dụng ca nô chuyển lương thực, thực phẩm từ bên ngoài vào tiếp tế cho nhân dân và bộ đội.

Đến hết ngày 16/10, lực lượng Quân khu 4 và các đơn vị quân đội trên địa bàn đã tổ chức di dời 800 người ở huyện Minh Hóa, 1.940 người ở huyện Tuyên Hóa, 1.200 ở Quảng Trạch, 2.100 ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình về nơi an toàn.

Hôm qua -18/10, mưa tạnh, trời hửng nắng, tại một số nơi nước lũ đã rút dần. Sau gần nửa tháng nghỉ học, học sinh các cấp ở vùng lũ đã bắt đầu tới lớp trở lại. Vấn đề hiện nay ở các vùng lũ là lương thực, quần áo, nước sạch và vệ sinh môi trường. Sau lũ, các đơn vị quân đội lại tiếp tục công việc giúp dân vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa, trường học…

Lam Hạnh

Đọc thêm