Ăn cắp bản quyền ở VTV: “Nạn nhân” và “thủ phạm” là một

(PLO) - Tình trạng vi phạm bản quyền càng trở nên lộn xộn khi VTV không chỉ là “nạn nhân” mà nhiều khi còn là “thủ phạm”. Hành vi xâm phạm quyền tác giả đang ngày càng lộng hành một cách trắng trợn gây thiệt hại nặng nề không chỉ về giá trị kinh tế mà còn là tinh thần của người sáng tạo ra tác phẩm.
Chương trình Táo quân của VTV bị chép lậu tràn lan.
Chương trình Táo quân của VTV bị chép lậu tràn lan.
VTV vừa là “nạn nhân”…
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nhiều lần kêu cứu về tình trạng các chương trình của nhà đài vi phạm bản quyền tác giả diễn ra dưới nhiều hình thức như: sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm tái sinh, cung cấp lên internet để thu phí hoặc thu quảng cáo. 
Đại diện VTV đã không ngại chỉ đích danh nhiều trang web như www.kenh14.vn, www.fptplay.net, www.megafun.vn, www.tv.zing.vn, www.nhaccuatui.com… phát các chương trình ăn khách của VTV trên mạng. Youtube phát lại phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” với lượng xem lên tới hơn 6 triệu, “The Voice Kid” bị tv.Zing phát lại với lượng người xem kỷ lục hơn 32 triệu. Chưa kể “Táo quân” bị sao chép lậu tràn lan trên mạng thu hút hàng triệu người xem “miễn phí”. 
Nếu tính vào lượng xem để tính ra số tiền những đơn vị này phải chi trả bản quyền thì con số này rất lớn, vậy suy ra số tiền mà nhà đài bị thiệt hại quả là khủng khiếp. Những đơn vị “xài chùa” được hưởng lợi lớn nhờ thu hút quảng cáo, trong khi VTV bị lấy cắp bản quyền, ảnh hưởng đến rating (lượng người xem) và lợi ích kinh tế đi kèm.
Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh trên internet diễn ra một cách công khai và trắng trợn ở mức báo động. Theo đại diện của VTV, hàng năm nhà đài phải trả một số kinh phí rất lớn để mua bản quyền các chương trình truyền hình của nước ngoài, đồng thời phải trả thù lao, nhuận bút, tiền bản quyền các tác phẩm, ca khúc cho đội ngũ sáng tạo trong nước để sản xuất các chương trình.
Vừa là… “thủ phạm”
Tình trạng vi phạm bản quyền càng trở nên lộn xộn khi VTV không chỉ là “nạn nhân” mà nhiều khi còn là “thủ phạm”. Trong vài năm qua, VTV bị tố vi phạm bản quyền nhất là ở các chương trình gameshow. Ở mùa thứ nhất, “The Voice” “dính phốt” với ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu” qua phần thể hiện của Bùi Anh Tuấn bị tố “xài chùa”. Cả Bùi Anh Tuấn và Ban tổ chức đều không xin phép tác giả khi trình diễn ca khúc này trên sóng truyền hình. 
Ở mùa thứ 2, “The Voice” lại tiếp tục vi phạm bản quyền với ca khúc “Chạy mưa” và “Những ngày yêu như mơ”. Phản ứng tương tự Nguyễn Đình Thanh Tâm, Hải Yến Idol chia sẻ nỗi buồn của mình khi phải bỏ tiền bạc ra mua độc quyền hai ca khúc này, còn người khác thì sử dụng miễn phí và không một lời hỏi han. 
“Vietnam Idol 2013” bị tố “xài chùa” ca khúc “Nơi ấy bình yên” được độc quyền bởi ca sĩ Thảo Trang. Trước đó, cũng trong cuộc thi Vietnam Idol, thí sinh Uyên Linh sử dụng ca khúc “Đường cong” độc quyền của Thu Minh để dự thi dấy lên những lùm xùm về vấn đề tác quyền âm nhạc.
Uyên Linh "xài chùa" ca khúc Đường cong của Thu Minh.
Uyên Linh "xài chùa" ca khúc Đường cong của Thu Minh. 
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam nhiều lần than thở về việc không ít kênh truyền hình vi phạm bản quyền. Rất nhiều đơn vị truyền hình lấy lý do đang đàm phán với Trung tâm nên chưa trả tiền nhưng vẫn tiếp tục sử dụng tác phẩm. 
Ông Giám đốc Trung tâm chỉ đích danh: 66 kênh của VTV Cable, 235 kênh của SCTV, 119 kênh của HTVC... Một số đơn vị khác thì mới chỉ trả một phần nhỏ như: K-Plus chỉ trả tiền cho 1 chương trình là K+NS trên tổng số 89 kênh, Cáp Hà Nội chỉ trả cho 5 kênh tự sản xuất trên tổng số 95 kênh, VTC chỉ trả cho kênh VTC1 trên tổng số 120 kênh, MyTV chỉ mua 500 bài hát trên tổng số mấy chục nghìn bài sử dụng cho dịch vụ âm nhạc theo yêu cầu.
Rất nhiều ca khúc bị “lọt lưới” bởi theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, khó khăn lớn trong việc trang bị những phần mềm, thiếu công cụ để giám sát tần suất sử dụng tác phẩm. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc lớn nhất Việt Nam hiện nay vẫn đang dùng “công nghệ thủ công” là cử nhân viên trực tiếp ngồi xem các kênh truyền hình hàng ngày để ghi nhận những tác phẩm âm nhạc được sử dụng để phát sóng. “Cách làm này vừa mất công sức, thời gian, vừa có khả năng sai sót cao”- nhạc sĩ Phó Đức Phương than thở.
Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức trong khi nhà sản xuất chương trình bị thiệt hại hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng khi bị “xài chùa”. Hành vi xâm phạm quyền tác giả đang ngày càng lộng hành một cách trắng trợn, gây thiệt hại nặng nề không chỉ về giá trị kinh tế mà còn là tinh thần của người sáng tạo ra tác phẩm.