“Bóng ma tiêu cực” bủa vây hai "siêu bất động sản"

(PLO) - Nhà đất tại 120 Quán Thánh và 164 Trần Quang Khải (Hà Nội) từng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì đây là hai tài sản gắn liền với “đại án tham nhũng” Lã Thị Kim Oanh. Và hơn 10 năm sau, một lần nữa những vấn đề tiêu cực lại nổi lên khi hai tài sản này bị đem bán đấu giá một cách thiếu minh bạch.

Lã Thị Kim Oanh.
Lã Thị Kim Oanh.

Hai tài sản trong vụ án Lã Thị Kim Oanh

Cũng là những ngày tháng 4 của 11 năm trước, sáng 5/4/2004, TANDTC đã tuyên phạt tử hình bị cáo Lã Thị Kim Oanh, nguyên Giám đốc Công ty Đầu tư tiếp thị NN&PTNT (Cty Tiếp thị, thuộc Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp - VTNN, Bộ NN&PTNT) về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Sau đó, nhờ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nữ tử tù này được Chủ tịch nước ân giảm xuống án chung thân. Vụ án kết thúc, để lại hậu quả Cty Tiếp thị phải trả một khoản nợ trên 100 tỉ đồng cho Nhà nước. Khoản nợ này, Tổng Cty VTNN có trách nhiệm trả thay cho Cty Tiếp thị nhưng mặt khác, phần lớn tài sản của Cty Tiếp thị cũng được bàn giao cho Tổng Cty VTNN quản lý và sử dụng  gồm: Tòa nhà 164 Trần Quang Khải (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khách sạn 120 Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội), 7.018m2 đất tại Dịch Vọng, Cổ Nhuế để xây dựng 76 căn hộ nhà ở bán cho cán bộ công nhân viên, 23.042m2 đất tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa để thực hiện khu vui chơi giải trí và dịch vụ công cộng...
“Làm xiếc” với tài sản nhà nước
Sau khi tiếp nhận nợ cũng như tài sản của Cty Tiếp thị, người đứng đầu Tổng Cty VTNN ngày đó là Tổng Giám đốc (TGĐ) Trần Văn Khánh đã nối bước Lã Thị Kim Oanh và vướng vòng lao lý.
Trần Văn Khánh.
Trần Văn Khánh. 
Về nợ, ông Khánh có “thành tích” khiến nợ từ thời Lã Thị Kim Oanh không những giảm đi mà còn ngày một tăng lên: Tổng số công nợ phải trả theo biên bản bàn giao ngày 15/7/2003 là hơn 117 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2004, số phát sinh đã tăng thêm hơn 54 tỉ đồng do gốc phát hiện thêm và lãi phát sinh đưa tổng số nợ phải trả lên đến 171 tỉ đồng. Đến ngày 22/12/2005, theo biên bản làm việc của Tổng Cty VTNN và tổ giúp việc cổ phần hóa, số tiền phải trả nợ thay đã lên đến trên 176 tỉ đồng.
Về tài sản, TGĐ Khánh đã quản lý sử dụng các tài sản tiếp nhận từ Cty Tiếp thị theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ”, gây thất thoát của Nhà nước nhiều tỉ đồng. 
Điển hình là việc cho thuê khách sạn 120 Quán Thánh. Tài sản này có nguồn gốc như sau: Cuối năm 1997, đầu năm 1998, lợi dụng chủ trương Bộ NN&PTNT xin mua địa điểm này thay cho việc xây dựng nhà cao ốc văn phòng giao dịch tại Nghĩa Đô, Lã Thị Kim Oanh đã vay 50 tỷ đồng của hai tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Oanh chỉ thanh toán mua khách sạn hơn 20 tỷ đồng và không giải trình được về số tiền còn lại bị thất thoát.
Khách sạn 120 Quán Thánh có diện tích đất 276m2, 11 tầng với 53 phòng, diện tích xây dựng 3.496m2, trang thiết bị hiện đại tương đương khách sạn 3 sao. Theo biên bản xác định giá trị tài sản của hội đồng định giá chuyển nhượng tài sản Tổng Cty VTNN ngày 10/10/2003, giá trị khách sạn là 50,184 tỉ đồng.
Sau khi nhận bàn giao, Trần Văn Khánh đã cho Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Thành Lợi thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Cùng thời điểm này, Tổng Cty VTNN thuê lại của Cty Thành Lợi một chiếc Mercedes với giá 52,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, giá cho thuê một khách sạn trị giá 50 tỉ thấp hơn giá thuê một chiếc Mercedes. Mãi đến 2 năm sau, tháng 8/2006, ông Khánh mới điều chỉnh giá thuê khách sạn lên 350 triệu đồng/tháng.
Khách sạn 120 Quán Thánh
Khách sạn 120 Quán Thánh 
Tòa nhà 164 Trần Quang Khải tiếp nhận từ Cty Tiếp thị cũng không thoát khỏi cảnh bị ông Khánh “làm xiếc”. Theo giá thị trường, tòa nhà tọa lạc trên diện tích đất rộng 536m2 này có giá nhiều chục tỷ đồng nhưng ông Khánh báo cáo với Bộ NN&PTNT rằng cơ sở nhà đất này chỉ trị giá khoảng... 3 tỷ đồng. Có việc này là do TGĐ Khánh giấu nhẹm giá trị quyền sử dụng đất của khối tài sản được khai thác đến năm 2046. Dư luận ngày đó cho rằng: Ông Khánh cho hạch toán giảm giá trị tài sản là để giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để cho các “sân sau” thuê với giá thấp và nhằm chuẩn bị cho cổ phần hóa, sẽ dễ dàng chuyển tài sản nhà nước về tay tư nhân!?
Với rất nhiều sai phạm, ông Khánh sau đó đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 
Thời điểm kết thúc vụ án này, có tờ báo đã bình luận: “Từ một Tổng Công ty 90 hùng mạnh, cầm trịch toàn bộ hoạt động mua bán, nhập khẩu, phân phối phân bón trong nước, sau 13 năm đặt dưới sự “cai trị” của TGĐ Trần Văn Khánh, Tổng Cty VTNN chỉ còn là một doanh nghiệp nhà nước hạng xoàng. Tài sản nhà nước bị bán rẻ, sử dụng vô tội vạ!”.
Tòa nhà 164 Trần Quang Khải
 Tòa nhà 164 Trần Quang Khải
“Bóng ma tiêu cực” ùa về
Vụ án Lã Thị Kim Oanh và sau đó là Trần Văn Khánh đều được dư luận nhìn nhận là những vụ “tham nhũng trọng điểm”. Trong lúc Nhà nước đang cần huy động vốn để phát triển nền kinh tế quốc dân, thực hiện các chính sách nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân thì hai “sếp lớn” này lại bòn rút, chiếm đoạt hoặc gây thất thoát hàng tỉ đồng của Nhà nước gây bất bình trong dư luận, giảm lòng tin của quần chúng đối với hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.
Thời gian thấm thoát trôi đi, mải bận rộn với cuộc mưu sinh nên cũng không còn mấy ai nhắc đến những vấn đề tiêu cực liên quan đến Lã Thị Kim Oanh và Trần Văn Khánh, nhất là khi hai đối tượng này đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Vậy mà gần đây, thật bất ngờ khi “tên tuổi” của Tổng Cty VTNN dưới thời Chủ tịch Nguyễn Hữu Điệp, Tổng Giám đốc Nguyễn Trường Thắng và hai khối tài sản tại 120 Quán Thánh và 164 Trần Quang Khải lại xuất hiện trên nhiều mặt báo. “Bóng ma tiêu cực” đã chính thức ùa về khi báo chí thông tin về hàng loạt dấu hiệu sai phạm trong quy trình, thủ tục bán đấu giá hai “siêu bất động sản” này.
Còn nữa.../.

Đọc thêm