Đám cưới này không kém phần linh đình đám cưới của Nick Jonas và Hoa hậu Thế giới Priyanka Chopra và khiến người dân phát cuồng vì sự xa hoa và giàu có của giới thượng lưu Ấn Độ. Nhưng chúng cũng góp phần tô đậm khoảng cách giàu nghèo, một vấn đề nhức nhối của xã hội Ấn Độ mà những cuộc ăn chơi xa xỉ khó có thể xóa mờ.
Sự kiện này được so sánh với một đám cưới hoàng gia thực thụ, thậm chí còn hoành tráng hơn. Các đám cưới ở Ấn Độ vốn có truyền thống là kéo dài và kỳ công, nhưng đám cưới Ambani - Piramal đã vươn lên một tầm cao mới. Cô dâu 27 tuổi và chú rể 33 tuổi trải qua ít nhất 5 sự kiện ăn mừng để trở thành vợ chồng.
Kinh phí của tuần lễ cưới nói trên ước tính là 100 triệu USD, đưa nó trở thành đám cưới đắt đỏ bậc nhất lịch sử. Nhưng theo một ước tính khác, một nguồn tin thân cận với gia đình cho rằng kinh phí chỉ vào khoảng 15 triệu USD, bao gồm khách sạn 5 sao, các chuyến bay cao cấp, đồ ăn và các dịch vụ giải trí cho khách mời.
Lâu đài Antilia của tỷ phú Mukesh Ambani, nơi tiệc cưới diễn ra tối 12/12, chính là bất động sản cá nhân có chi phí vận hành tốn kém nhất thế giới. Lâu đài này có gara xe hơi 6 tầng và 3 bãi đáp trực thăng xung quanh.
Tòa lâu đài 27 tầng này được chiếu sáng toàn bộ trong tiệc cưới, bên cạnh hệ thống đèn trải dài khắp mọi ngả đường xung quanh, mặt đường được phủ đầy cánh hoa cúc màu vàng và cam cùng những chiếc chuông lớn. Cổng đón khách được phủ bằng hoa đỏ và những bức tường màu hồng được dựng lên. Buổi tối, khi lên đèn, tòa lâu đài tỏa sáng khắp một vùng.
Hồi tháng 5, đám cưới hoàng gia của Hoàng tử Harry và Công nương Meghan Markle được tổ chức với kinh phí 40 triệu USD. Đó là ở Anh, một đất nước đánh thuế cực cao đối với người giàu. Còn với cặp Ambani - Piramal, số tiền cực lớn được bỏ ra cho đám cưới đều không khiến họ lung lay về khả năng kinh tế.
Mukesh Ambani, bố của cô dâu, có tài sản được ước tính khoảng 43,8 tỷ USD. Con số này tăng chóng mặt trong vài năm qua, nhất là năm 2018 này, giúp ông vượt qua tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc trong bảng xếp hạng người giàu nhất châu Á.
Tập đoàn Reliance Industries của gia tộc Ambani được coi là biểu tượng cho sự phục hưng công nghiệp của Ấn Độ. Đế chế Ambani bao phủ các ngành lớn như dầu mỏ, viễn thông, hóa chất, dệt may, công nghệ và thực phẩm.
Có thể nói, việc kinh doanh của gia tộc Ambani có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mọi người dân Ấn Độ. Đám cưới của ái nữ nhà Ambani thực sự đã mê hoặc công chúng nước này.
Theo chuyên gia James Crabtree, những năm gần đây, các đám cưới ở Ấn Độ đã trở thành biểu tượng của tầng lớp tinh hoa mới giàu. Tác giả cho rằng đằng sau đám cưới giữa các con cái các tỷ phú quyền lực nhất Ấn Độ này cũng là "những thỏa thuận hết sức xa hoa".
Vấn đề là rất nhiều người tham gia vào đám cưới này - không phải khách mời - thực chất là những người vẫn ở mức nghèo khổ. Đó là các nhân viên phục vụ, dựng rạp, quét dọn, chuẩn bị thức ăn và bất cứ nhân công nào tại đám cưới. Họ hầu như đều được trả công rẻ mạt.
"Vấn đề không phải là của riêng Ấn Độ mà là trên khắp thế giới, về những ai biện minh cho thói tham lam và lãng phí của họ bằng cách nói rằng họ đang tạo ra việc làm", một ý kiến, "Tại Mỹ, các thành phố cũng bị các tập đoàn lừa phỉnh bằng những lời hứa sẽ tạo ra việc làm nhưng họ lấy hết lợi nhuận, phớt lờ lời kêu gọi trả lương đúng mức và rời thành phố khi lợi nhuận đạt mức tối đa".
Bất chấp cơn sốt trên mạng xã hội Ấn Độ, không phải ai cũng háo hức với đám cưới này. Trên mạng, có luồng ý kiến cho rằng sự xa hoa của sự kiện này là không phù hợp khi đặt trong bối cảnh xã hội Ấn Độ còn nhiều người nghèo đói đến vậy.
Tài khoản K. C. Singh viết: "Hãy tưởng tượng sức ảnh hưởng mà đám cưới nhà Ambani có được nếu thay vì đốt tiền vào những điệu múa ngu ngốc, âm nhạc xập xình thì ngài Mukesh dùng tiền đó cho các mục đích xã hội: quyên góp cho trẻ mồ côi, chăm sóc mắt miễn phí cho người nghèo và đôi trẻ giàu có kia có một đám cưới đơn giản hơn nhưng được mọi người dân chúc phúc".
Tháng trước, một khảo sát của Viện Bất bình đẳng Thế giới cho thấy tính đến năm 2012, 10% dân số giàu nhất Ấn Độ đang kiểm soát 63% tài sản của nước này, tăng 45% so với năm 1981.