Ấn Độ hoàn toàn đồng ý với Việt Nam về vấn đề Biển Đông

(PLVN) - “Ấn Độ hoàn toàn đồng ý với Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Các tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp  quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish khẳng định.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish

Đóng tàu sẽ là một lĩnh vực hợp tác

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Ấn Độ coi Ấn Độ -Thái Bình Dương là một khu vực địa lý và các nước ASEAN nằm ở trung tâm khu vực này, nối hai đại dương với nhau. Các nước ASEAN không chỉ nằm ở trung tâm trên khía cạnh địa lý, mà còn trên khía cạnh văn hóa văn minh. Cho nên với Ấn Độ, tính trung tâm và thống nhất của ASEAN nằm tại trái tim của Ấn Độ -Thái Bình Dương.

“Chúng tôi tin rằng khu vực này cho phép tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu có quyền tiếp cận biển một cách bình đẳng, miễn là họ có chung vùng biển. Điều này đòi hỏi tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế, đương nhiên bao gồm cả UNCLOS, giao thương không bị cản trở, và tự do hàng hải và hàng không”, ông nói. 

Ấn Độ tin rằng kết nối là quan trọng và các nước cần hành động vì kết nối trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. “Về phía Ấn Độ, chúng tôi đều có quan hệ với các bên để khu vực này mang tính bao trùm, đa phương, thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế”, ông nhấn mạnh. Vẫn theo Đại sứ Ấn Độ, Ấn Độ hoàn toàn đồng ý với Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

“Các tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chúng tôi hy vọng các bên tuân thủ Tuyên bố ứng xử (DOC) và mong chờ Bộ Quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc được hoàn thành sớm nhất có thể”, Harish cho biết.

Về quan hệ Việt - Ấn, theo Đại sứ Harish, hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Ấn Độ. Hai nước hợp tác trong rất nhiều mảng của lĩnh vực này, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.

“Mỗi đơn vị trong quân đội hai nước có quan hệ rất tốt đẹp. Chúng ta có hội đàm hải quân, lục quân và không quân giữa hai nước. Hai bên cũng có sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng”, ông cho biết.

Trong lĩnh vực an ninh, Ấn Độ đang cung cấp khóa huấn luyện cho nhân viên an ninh Việt Nam tại các viện đào tạo của Ấn Độ. Hai bên cũng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh mạng, hợp tác chống khủng bố. 

Khẳng định sản xuất thiết bị quân sự là lĩnh vực quan trọng, Đại sứ Harish bày tỏ hy vọng có thể triển khai nhanh hơn dự án đóng tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam do Công ty đóng tàu Larsen & Touburo đảm nhận theo gói tín dụng 100 triệu USD mà Chính phủ Ấn Độ cấp cho Việt Nam. Ấn Độ cũng hy vọng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất chung các thiết bị quân sự.

“Nửa số tàu đó sẽ được đóng ở Ấn Độ và nửa còn lại ở Việt Nam nên sẽ có chuyển giao công nghệ, hợp tác chặt chẽ hơn. Vì vậy, đóng tàu sẽ là lĩnh vực hợp tác giữa hai bên”, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh.

Mong chờ kim ngạch thương mại 15 tỉ USD

Đại sứ Harish cũng bày tỏ lạc quan về một tương lai tươi sáng trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong 2 năm qua, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ, theo số liệu của Ấn Độ, đã tăng từ 7,8 tỷ USD vào năm 2016 lên gần 13 tỷ USD vào 2018.

“Năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được 14 tỷ USD, nghĩa là hai bên đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu thương mại song phương 15 tỷ USD năm 2020. Có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để đạt mục tiêu đó. Thương mại nông nghiệp và nông sản là nhân tố chủ chốt trong thương mại tổng thể giữa hai nước. Hai bên đang hợp tác chặt chẽ trong một vài lĩnh vực. Về đầu tư, các công ty Ấn Độ đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do FTA rất hấp dẫn đối với các công ty Ấn Độ. Họ đang tìm kiếm cơ hội trong ngành dầu khí, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, trong ngành nông sản. Trong những năm tới sẽ có nhiều hơn nữa các công ty Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở đây”, ông nói.

Nói về hợp tác văn hóa Việt Nam – Ấn Độ, Đại sứ Harish cho rằng mối liên kết văn hóa là mối liên kết lâu đời nhất giữa nhân dân Ấn Độ và nhân dân Việt Nam. Đây là trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi hồi tháng 9/2016. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi đã tới chùa Quán Sứ và phát biểu trước hàng nghìn sư thầy và sư cô của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thủ tướng nói rằng trong khi các nước khác đến Việt Nam với thông điệp chiến tranh thì Ấn Độ đến Việt Nam với thông điệp của Đức Phật, của hòa bình và lòng từ bi. Cho nên chính văn hóa là mối liên kết giữa hai nước.

Cũng với quan điểm như vậy, khi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam vào tháng 11/2018, Tổng thống đã thăm Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm và các nhóm tháp tại khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Những nơi đó đại diện cho mối liên kết của các nền văn minh hai nước. “Viện Khảo cổ Ấn Độ đang hỗ trợ Việt Nam trong công tác trùng tu và bảo tồn 3 nhóm tháp tại khu di tích Mỹ Sơn. Và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này”, vị Đại sứ cho hay.

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ cũng có rất nhiều sự tương đồng về văn hóa. Chúng ta đều hướng về gia đình, có văn hóa truyền thống như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, Phật giáo và Ấn Độ giáo. Các bộ phim truyền hình Ấn Độ cũng rất được yêu thích tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, yoga rất được yêu thích tại Việt Nam. Mỗi năm, Đại sứ quán hợp tác với Chính phủ Việt Nam và UBND các địa phương để tổ chức ngày quốc tế Yoga trên khắp các tỉnh thành cả nước. Hàng nghìn người Việt Nam luôn tham dự rất nhiệt tình. Điều này cũng phản ánh sự kết nối văn hóa chặt chẽ giữa hai nước.

“Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sẽ tiếp tục gìn giữ mối quan hệ ấy. Chúng tôi cũng hy vọng có thể tăng cường quan hệ văn hóa và giao lưu nhân dân hai nước”, ông nói thêm. 

Vẫn theo Đại sứ Harish, việc Ấn Độ phối hợp với Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước và UBND Phú Thọ và Vĩnh Phúc trong năm 2018 tổ chức Trại lắp chân giả Jaipur là một sáng kiến xuất sắc, đã được đón nhận nhiệt liệt. Với sáng kiến này, Ấn Độ đã lắp chân giả cho khoảng 500 người có nhu cầu tại Việt Nam.

“Đây là một sáng kiến độc đáo. Chân giả Jaipur rất linh hoạt, được thiết kế cho phù hợp với văn hóa châu Á, giúp người khuyết tật có thể ngồi cho phù hợp với bối cảnh xã hội và văn hóa nước họ. Chúng tôi hy vọng có thể tổ chức một Trại lắp chân giả tương tự tại Hà Nội và đang trong quá trình đàm phán với UBND thành phố Hà Nội để thực hiện dự án này trong vài tháng tới”, ông nói thêm.