Ấn Độ xây 'Tháp khói' cao 25 ​​mét ở trung tâm thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Tháp khói" được tạo thành từ 40 chiếc quạt khổng lồ. Những chiếc quạt này bơm 1.000 mét khối không khí mỗi giây qua các bộ lọc với mục đích giảm một nửa lượng hạt bụi mịn PM 2,5 trong bán kính 1km quanh tháp.
Công trường xây dựng tháp khói cao 25 mét ở Thủ đô New Delhi. Ảnh: AFP
Công trường xây dựng tháp khói cao 25 mét ở Thủ đô New Delhi. Ảnh: AFP

Năm 2020, Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới cho thấy New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong năm thứ ba liên tiếp. Nồng độ của các hạt PM 2.5 thường xuyên hơn 20 lần so với giới hạn an toàn. TP này có hàng nghìn ca tử vong mỗi năm được cho là có liên quan đến chất lượng không khí kém.

Tọa lạc tại Connaught Place, một trung tâm mua sắm và tài chính sầm uất ở trung tâm thành phố, "tháp khói" được tạo thành từ 40 chiếc quạt khổng lồ. Những chiếc quạt này bơm 1.000 mét khối không khí mỗi giây qua các bộ lọc với mục đích giảm một nửa lượng hạt PM 2,5 trong bán kính 1km quanh tháp.

“Trong cuộc chiến chống ô nhiễm, tháp khói đầu tiên của đất nước đã được thành lập ở Delhi. Nếu kết quả của dự án thí điểm này là tốt, thì nhiều tháp khói như vậy sẽ được lắp đặt trên khắp Delhi” - Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

Các nhà khoa học tại IIT Bombay và IIT Delhi sẽ đánh giá tác động thực sự của tháp đối với ô nhiễm trong khu vực như một phần của nghiên cứu kéo dài hai năm. Thông tin này sẽ giúp thành phố quyết định xem việc xây dựng thêm tháp khói có giúp cải thiện chất lượng không khí hay không.

Các chuyên gia tại Đại học Minnesota (Mỹ) đã thiết kế công nghệ này nói rằng nó có thể “hạn chế khoảng 50% nồng độ bụi mịn PM 2.5, giúp cứu sống vài trăm nghìn người” nếu New Delhi xây dựng 100 tòa tháp trong vài năm tới.

Việc xây dựng tòa tháp tiêu tốn 2 triệu đô la và việc lắp đặt đủ tháp để làm sạch không khí của thành phố sẽ có chi phí rất cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng những "tháp khói" hiện đại này không bao giờ giải quyết được vấn đề ô nhiễm khói bụi của New Delhi.

Theo Sunil Dahiya, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, "Nếu chúng ta thực sự, thực sự muốn giải quyết ô nhiễm, thì phải được giải quyết tại nguồn ô nhiễm, chứ tháp khói không phải giải pháp thực sự".