An Giang: Nhiều mô hình hay, cách làm mới của Tư pháp Châu Phú

(PLVN) -  Ngoài những công việc “truyền thống” được giao, Tư pháp Châu Phú (tỉnh An Giang) luôn nỗ lực hoàn thành những công việc được lãnh đạo địa phương giao. Từ đó khẳng định vị thế và tầm quan trọng của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt, ngành tư pháp Châu Phú luôn có cách làm hay, mô hình mới, nâng cao hiệu quả công tác.

Có thể nói, thời gian qua, Tư pháp Châu Phú được đánh giá là một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc và đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên địa bàn tỉnh An Giang. Xác định nhiệm vụ chính trị được giao là “phần cứng”, Tư pháp Châu Phú khéo léo tư duy, đổi mới, sáng tạo để có “phần mềm” là cách làm mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc. Đảm bảo nhiệm vụ được cấp trên giao đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuyên truyền, lắng nghe ý kiến của phụ nữ

Tuyên truyền, lắng nghe ý kiến của phụ nữ

Những phương pháp và cách làm mới của Châu Phú đều dựa trên nền tảng là tình hình thực tế tại địa phương. Những khó khăn, vướng mắc thực tế chính là động lực để thôi thúc cán bộ, công chức tư pháp phải tư duy, tìm giải pháp khắc phục.

Như những địa phương khác, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Châu Phú cũng đẩy mạnh việc phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể. Tuy nhiên, Phòng Tư pháp lại yêu cầu các đơn vị rà soát và tuyên truyền nội dung pháp luật cần thiết đến từng đối tượng, tầng lớp khác nhau. Trước những đợt tuyển quân tại địa phương, Phòng đã phối hợp tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự ở các xã, đảm bảo người dân biết và hiểu để tuân thủ, tránh những trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc xảy ra.

Với Hội LHPN, Phòng tập trung phối hợp tuyên truyền về Bình đẳng giới và bảo vệ người tiêu dùng. Phòng Tư pháp còn phối Liên đoàn Lao động tuyên truyền điểm mới chính sách cho người lao động. Đặc biệt, biết được nhiều hộ dân ký kết thực hiện dự án 1000 ha lúa khí thải thấp, Phòng khẩn trương tuyên truyền về hợp đồng dân sự để nông dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong khi thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân được bảo vệ.

Thực hiện phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật

Thực hiện phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật

Trên địa bàn huyện Châu Phú có 2 mô hình tuyên truyền PBGDPL trong đồng bào dân tộc rất hiệu quả là Mô hình PBGDPL cho người Chăm ở xã Khánh Hòa và mô hình PBGDPL cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Bình Mỹ. Đồng thời, lực lượng cán bộ tư pháp cũng là thành phần cốt lõi, quan trọng trong mô hình MTTQ xã họp lắng nghe ý kiến nhân dân hằng quý.

Qua đó, Phòng lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, triển khai những vấn đề phát triển kinh tế xã hội, tuyên truyền các chính sách pháp luật, chính sách của địa phương. Mô hình thường chọn địa điểm tại các quán cà phê, văn phòng ấp… để tạo sự gần gũi với người dân. Nhiều đơn vị cấp xã đã tuyên truyền hiệu quả về xây dựng nông thôn mới đến từng khóm, ấp, người dân. Từ đó, giúp người dân nhận thức rõ mục đích, chủ thể và người thụ hưởng của chương trình. Nhờ đó, người dân trên địa bàn các xã đã đồng thuận cao với chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí và chỉ tiêu về nông thôn mới.

Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Để nâng cao hiệu quả hòa giải, huyện tập trung nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cho hòa giải viên ở ấp. Tại các đợt tập huấn, Phòng Tư pháp đều mời các ngành như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an… để báo cáo chuyên đề và tư vấn, hướng dẫn cho hòa giải viên cách xử lý, giải thích cho người dân hiểu khi có mâu thuẫn xảy ra.

Riêng đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp thì hòa giải viên ở khóm, ấp sẽ nhờ công chức tư pháp cấp xã hỗ trợ hồ sơ và tham gia hòa giải. Những trường hợp phức tạp hơn nữa, Phòng Tư pháp sẽ cử chuyên viên xuống hỗ trợ. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải ở cơ sở của huyện Châu Phú đạt kết quả rất cao, hòa giải thành 151/158 vụ, đạt tỷ lệ 95,6%.

Đối với công tác trợ giúp pháp lý, mỗi năm huyện tổ chức 4 đợt, phối hợp với Hội Luật gia, Văn phòng Luật sư trên địa bàn, Phòng Công chứng đi xuống các xã, khóm, ấp trợ giúp, tư vấn và trao quà cho các hộ nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội Luật gia tỉnh cũng chủ trì phối hợp với Phòng tổ chức 4 đợt trợ giúp. Địa điểm được chọn là những nơi có tình hình căng thẳng, có nhiều tranh chấp…

Từ đó để Phòng kịp thời tư vấn, trợ giúp cho người dân hiểu rõ và ý thức được việc nào đúng, nào sai. Ngoài công việc “truyền thống”, Phòng Tư pháp còn tham mưu nhiều chính sách cho UBND huyện trong phát triển kinh tế, xã hội. Phòng còn tham mưu nhiều chính sách cho UBND huyện đối với những trường hợp tồn đọng, phức tạp kéo dài và những vụ việc khiếu nại của người dân.

Tư vấn pháp luật lưu động cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số

Tư vấn pháp luật lưu động cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Trần Thanh Tâm – Trưởng Phòng Tư pháp huyện Châu Phú cho biết, công tác tư pháp, đặc biệt là PBGDPL là công việc “đi trước đón đầu”, rất quan trọng. Từ đó, yêu cầu các đơn vị cần bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin thời sự trong dư luận để có định hướng tuyên truyền. “Phải tuyên truyền những quy định cần thiết, gần gũi, mà người dân muốn tìm hiểu. Kiến thức pháp luật phải cụ thể, giản lược một cách dễ nghe, dễ hiểu. Xác định nội dung tuyên truyền trước rồi mới tính đến phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng như vậy công tác PBGDPL mới hiệu quả”, ông Tâm nhấn mạnh.

Theo ông Tâm, sắp tới huyện sẽ tổ chức Hội thi kiến thức pháp luật cho các Trưởng, Phó ấp của 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó giúp tuyên truyền, cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật và trao đổi kinh nghiệm xử lý tình huống pháp lý xảy ra trực tiếp tại địa phương. Đặc biệt, Phòng tiếp tục xin kinh phí tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho cấp xã, cấp huyện để làm cánh tay nối dài, lan tỏa, đưa kiến thức pháp luật đến gần dân.

Đọc thêm