An ninh nguồn nước và cạnh tranh cấp nước: Quản lý thế nào cho hiệu quả?

(PLVN) - Không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng, chịu trách nhiệm về sự cố ô nhiễm nước sông Đà và câu chuyện cạnh tranh giữa nước sông Đà, sông Đuống vừa qua. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, đang có tình trạng cái Nhà nước cần quản lý thì không quản lý, trong khi cái Nhà nước không cần quản lý thì Nhà nước lại nắm chặt quá…
Trong khi các quốc gia đặt nặng về vấn đề an ninh nguồn nước thì chúng ta đang thả lỏng toàn bộ? Ảnh minh họa
Trong khi các quốc gia đặt nặng về vấn đề an ninh nguồn nước thì chúng ta đang thả lỏng toàn bộ? Ảnh minh họa

Lúng túng phản ứng

“Đúng là lâu nay chúng ta không để ý. Cứ nghĩ nước là trên trời rơi xuống, nhưng khi sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà xảy ra, rồi câu chuyện sông Đà, sông Đuống, mỗi “ông” một dòng sông khác nhau nhưng lại cạnh tranh nhau. Từ câu chuyện này, nhìn rộng hơn, các nhà lãnh đạo không phản ứng hoặc phản ứng rất lúng túng…”- nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề tại một cuộc Tọa đàm hẹp về “An ninh nguồn nước và thị trường nước cạnh tranh” do CIEM tổ chức ngày 2/12.

Nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, ông Nguyễn Hoàng Hà - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, câu chuyện liên quan đến nước rất phức tạp ở nhiều quốc gia và Liên Hợp quốc cũng có 1 khung quy định về nguồn nước.

“Ngành nước là hạ tầng cốt yếu của quốc gia. Nhìn chung ở các nước, nhà nước kinh doanh toàn bộ hoặc kết hợp với tư nhân cung cấp nước. Chỉ cung cấp thôi còn quy hoạch vẫn là Nhà nước…”, ông Hà lưu ý. Nghiên cứu của ông Hà cũng chỉ ra Việt Nam thuộc nhóm nước có giá nước thuộc loại đắt đỏ (chỉ sau nhóm ít nước thuộc loại “rất đắt đỏ”).

Liên hệ thực tế Việt Nam, mà trực tiếp là Hà Nội, TS Cung cho rằng, ở Việt Nam lĩnh vực này trước đây do Nhà nước làm, sau không có tiền, không có năng lực quản lý nên tư nhân nhảy vào và hiện lĩnh vực này đang do tư nhân đang nắm. 

“Vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu vắng kiểm soát độc quyền. Cũng một vùng, một thị trấn phải cấp nước theo 1 giá, nhưng hiện nay là cùng trên địa bàn Hà Nội chẳng hạn, nhưng quận này 1 giá, quận kia 1 giá. Trong khi tôi là người dân, tôi chỉ có quyền tiếp cận 1 nguồn nước mà không có quyền tiếp cận nguồn nước thứ hai… Khi giá nước hai quận khác nhau là cả vấn đề”, ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, 1 giá không phải cào bằng mà có tính chất cạnh tranh nhưng người dân phải có quyền lựa chọn, còn không phải 1 giá, có thể như giá điện, dùng nhiều trả nhiều…

Theo TS Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, muốn 1 giá Nhà nước phải bù giá. “Ông” sông Đà báo lãi nhiều quá, vậy quyền lợi của người dân ở đâu? Vai trò quản lý nhà nước (QLNN) như thế nào? Phải có cơ quan nào đó chứ?”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Thiếu quy định rõ ràng

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, trước đây, Bộ Thủy lợi quản lý tất cả các nguồn nước nhưng từ khi sáp nhập, quản lý nhà nước bị bỏ ngỏ, các Bộ  (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường…) chỉ quan tâm đến thu phí thuộc lĩnh vực Bộ mình quản lý? “Trong khi các quốc gia đặt nặng về vấn đề an ninh nguồn nước thì chúng ta đang thả lỏng toàn bộ; Phân phối phải có cạnh tranh, nhưng người dân không có thông tin về đấu thầu, chính quyền Hà Nội không chia sẻ với người dân”, chuyên gia này nghi ngại.

Đề cập đến vai trò QLNN,  Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan  Đức Hiếu dẫn Luật Tài nguyên nước và cho biết, rất nhiều bộ, ngành QLNN nhưng quy định không rõ.

“Cảm nhận hiện nay là chúng ta đang thiếu cơ quan QLNN, khi xảy ra sự cố thì không cơ quan nào lên tiếng chịu trách nhiệm. Người dân mất nước mấy chục ngày không ai chịu. Hay không trả tiền bị cắt nước… Có được làm thế không? Phải tìm cơ chế khác để giải quyết vấn đề!”- ông Nguyễn Đình Cung đề nghị. 

Theo ông, không nên đặt vấn đề Nhà nước hay tư nhân làm bởi nước là mặt hàng thiết yếu, ai làm cũng phải kiểm soát, kiểm soát về độc quyền cung cấp, kiểm soát cả chất lượng và giá nước. “Nhà nước phải quản lý trên nguyên tắc hiệu quả và đảm bảo lợi ích cơ bản giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phải tính toán như thế nào để các nhà đầu tư bỏ vốn làm, để thu hút tư nhân làm  nhưng không phương hại lợi ích Nhà nước và người dân…”, nguyên Viện trưởng CIEM đề nghị.

Ông Cung cũng khẳng định dứt khoát nên tiếp cận công bằng cùng giá nước, ai sử  dụng nhiều thì trả nhiều. Nếu hiệu quả không bù được công bằng thì Nhà nước phải bằng cách nào đó bù chênh lệch giá. Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu, điều tra một cách bài bản để đưa ra kiến nghị cho Chính phủ chứ không thể để tình trạng buông lơ như nhiện nay...”, nguyên Viện trưởng CIEM đề nghị. 

Đọc thêm