Ẩn số cổ phần hóa BIDV

Trong bối cảnh thị trường chứng khoản bết bát, việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIVD) có phải là một “cú huých” tốt lành?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoản bết bát, việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIVD) có phải là một “cú huých” tốt lành?

BIDV: IPO theo… chỉ đạo?

“Không đặt vấn đề tại sao BIDV cổ phần hóa (CPH) trong bối cảnh thị trường như hiện nay. Bởi việc CPH BIVD là một nội dung tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nằm trong khuôn khổ chỉ đạo và kết luận của Bộ Chính trị, đây là ý chí của Đảng và Chính phủ…”- ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐTV BIDV khẳng định tại buổi công bố phương án CPH BIDV vào chiều ngày 30/11, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2124/QĐ-TTg, phê duyệt Phương án CPH BIDV.

Về thời điểm CPH BIDV, cả Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng khẳng định như vậy.

Theo lộ trình, hôm nay, 2/12, ngân hàng này sẽ công bố thông tin bán đấu giá chính thức; ngày 10 và 11/12 tổ chức Roadshow tại Hà Nội và TP. HCM; ngày 21/12 đăng ký đấu giá; ngày 26/12 là ngày cuối cùng bỏ phiếu đấu giá; ngày 28/12 tổ chức đấu giá; bán CP cho người lao động và Công đoàn trước ngày 31/12/2011; cấp tập trong vòng 1 tháng để kịp tổ chức ĐHCĐ lần thứ nhất và chuyển đổi thành NHTMCP vào quý I/2012, và dự kiến niêm yết trên SGDCK TP.HCM “không muộn hơn qúy III/2012”. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ tiến hành ngay trong năm 2012.

Thực ra cũng như một số NHTM nhà nước khác, BIDV khởi động việc CPH từ khá sớm nhưng lại là “người về sau” - khi thị trường đang lúc khó khăn. Cách đây 4 năm, vào tháng 7/2007, ngân hàng này đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn cổ phần hóa với Morgan Stanley Asia (Singapore) Pte.

Sở dĩ có sự kéo dài như vậy, theo ông Phạm Viết Muôn, thời điểm năm 2008-2009, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo nghiên cứu giãn tiến độ CPH, không CPH bằng mọi giá, CPH phải đạt hiệu quả. “Việc cổ phần hóa BIDV là quá trình rất lâu và công phu, Chính phủ họp vài lần mới quyết định IPO BIDV…”- ông Muôn cho biết.

Đã tính tới khả năng thị trường xấu

Trước khi CPH chính thức BIVD, BIVD đã đưa ra IPO 2 đơn vị thành viên là Cty chứng khoán BSC và Cty bảo hiểm BIC. Trên thực tế thị trường đón nhận 2 công ty này tốt, cả giá lẫn khối lượng. “Với thương hiệu và cách làm của chúng tôi, IPO BIDV sẽ thành công” - ông Trần Bắc Hà tin tưởng.

Theo ông Vũ Bằng, TTCK Việt Nam đi xuống cũng không nằm ngoài tình hình chung của khu vực và thế giới, diễn biến thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố vĩ mô và yếu tố tâm lý. Ngoài ra, Việt Nam còn có những đặc thù riêng như phải ưu tiên chống lạm phát, tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, huy động vốn khó ảnh hưởng đến DN…

“Nhìn vào báo cáo của anh Hà (Chủ tịch BIDV) trên cơ sở giá trị sổ sách, tính toán giá trị trong thị trường hiện nay thì trong phương án CPH của BIVD đã tính tới khả năng thị trường xấu và trên cơ sở đó đưa ra khối lượng chào bán (chào bán công khai cho nhà đầu tư 3% vốn điều lệ) và giá chào bán theo thị trường. Nếu tính toán phù hợp, tổ chức tốt và thành công, việc CPH BIDV sẽ tác động tốt đến thị trường…”- ông Bẳng kỳ vọng.

Ông Bằng cũng cho biết, tới đây TTCK cũng có nhiều tín hiệu tích cực như: Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố giao cho NHNN xem xét có giải pháp đối với TTCK và bất động sản. “Tôi cho rằng tuyên bố đó rất quan trọng. Rất nhiều năm nay chúng tôi khó khăn trong việc trình Chính phủ hỗ trợ, nay nếu NHNN được trao chìa khóa hỗ trợ TTCK, chúng tôi hy vọng nó sẽ có tác động tốt cho thị trường, bối cảnh tốt như vậy và việc CPH BIDV sẽ khiến hai bên tác động lẫn nhau”, ông Bằng phát biểu.

Theo người đứng đầu UBCKNN, cơ quan này cũng đang nghiên cứu quy định về hủy niêm yết. “Việc này hoàn toàn do ĐHCĐ quyết định, nhưng để bảo vệ nhà đầu tư thì khi hủy niêm yết thì ý kiến ĐHCĐ phải có tỷ lệ đồng ý biểu quyết rất cao, cao hơn 72% và ít nhất tỷ lệ cổ đông nhỏ thông qua phải trên 50%, vì khi hủy niêm yết thì việc giao dịch cổ phiếu bị ảnh hưởng, bất lợi nhiều hơn cho cổ đông thiểu số và khi hủy niêm yết thì không phải cứ muốn là ngay lập tức quay lại thị trường” - ông Bằng cho biết.

Bất chấp những tin tốt  nêu trên, hôm qua -1/12, trên cả 2 sàn HOSE và HNX sắc đỏ vẫn là gam màu chủ đạo…

Thanh Thanh

Đọc thêm