Án tham nhũng chậm không phải tại một mình ai

Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, trong thời gian gần đây, án oan sai đã giảm đáng kể

Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn nhanh Phó Viện trưởng VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.

PV: Thưa ông, ông giải thích thế nào về nguyên nhân chậm giải quyết các vụ án tham nhũng thời gian qua?

*. Tại phiên họp thứ 13 ngày 8/7/2010, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thừa nhận thực trạng một số vụ án tham nhũng xử lý chậm so với tiến độ đã đề ra; có vụ chưa tạo được sự đồng thuận trong đánh giá bản chất, thiếu phối hợp.

Nguyên nhân của sự chậm tiến độ trên, theo tôi là do thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ theo đúng như nguyên tắc phối hợp mà BCĐ đề ra. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng trong cơ chế phối hợp đó, mỗi cơ quan phối hợp có một chức năng, thẩm quyền riêng nên xử lý kịp thời, nhanh chóng nhưng phải chính xác, thận trọng mới đảm bảo đúng pháp luật, không oan, không lọt.

PV: Một số vụ án tham nhũng đang được dư luận quan tâm như vụ việc ở Vinashin, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ Trần Ngọc Sương... hiện tiến độ giải quyết đến đâu thưa ông?

*. Về vụ việc ở Vinashin, hiện Thanh tra Chính phủ đang được giao thẩm quyền thanh tra toàn diện trong thời gian 75 ngày nên CQĐT, VKS chưa thể vào cuộc.

VKSNDTC đã đề nghị chuyển hồ sơ vụ Vinashin cho CQĐT xem xét nhưng Ủy ban kiểm tra Trung ương chưa chuyển nên chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ để xem xét có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không, để quyết định khởi tố hay không khởi tố?

Vụ Trần Ngọc Sương, sau khi TANDTC xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì hiện các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ đang tiến hành điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Còn vụ Huỳnh Ngọc Sỹ hiện CQĐT Bộ Công an đang tiến hành rất khẩn trương, quyết liệt. Nhưng vì đây là án tham nhũng được phát hiện, khởi tố trên cơ sở tài liệu Nhật Bản cung cấp, mà hiện giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa ký Hiệp định Tương trợ tư pháp nên được giải quyết trên nguyên tắc có đi có lại.
Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phía Nhật Bản cung cấp hồ sơ, rồi mời Đại sứ nước bạn đến trụ sở VKSNDTC làm việc nhưng việc đẩy nhanh tiến độ chưa thực sự rõ nét. Tinh thần chung là chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, căn cứ vào pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước để xử lý vụ việc.

PV: Xin được hỏi ông về những trường hợp công dân bị truy tố oan trong năm 2009, đến nay việc xin lỗi, bồi thường cho họ đã được VKS thực hiện đến đâu? Và những trường hợp bị truy tố oan trong 6 tháng đầu năm 2010 như thế nào?

*. Chống oan sai trong tố tụng hình sự là một yêu cầu quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 49, cũng là mục tiêu quan trọng được toàn ngành KSND nỗ lực thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả.

Điều này thể hiện qua các con số các vụ án oan năm sau bao giờ cũng giảm đáng kể so với năm trước. (Năm 2009, chỉ còn 29 trường hợp VKS đã truy tố nhưng bị toà án tuyên không phạm tội, con số này năm 2008 là 60 trường hợp- PV).

Mọi trường hợp bị truy tố oan đều được VKS xin lỗi, bồi thường theo Nghị quyết 388. Nếu giữa công dân và cơ quan VKS thương lượng được việc bồi thường thì sẽ giải quyết ngay; còn nếu không thương lượng được thì sẽ giải quyết theo con đường tố tụng dân sự tại Tòa án.

Về những trường hợp bị truy tố oan từ đầu năm đến nay thì chưa có con số cụ thể, thực tế cũng có một vài trường hợp VKS truy tố bị Tòa tuyên không phạm tội nhưng vẫn đang trong thời gian kháng cáo hoặc còn có thẩm quyền kháng nghị.

Nhưng tôi khẳng định, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo VKSNDTC, toàn ngành đã và sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác để tạo những chuyển biến tích cực, các vụ án oan được giảm thiểu đáng kể so với năm trước.

*Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Lưu (Thực hiện)

Đọc thêm