Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc xã hội
Ông Lê Văn Chương vốn là một cử nhân Luật. Nhập ngũ năm 1977, ông công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 5, rồi về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1990 và sau đó là Viện kiểm sát quân sự Quân khu 5. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Khu vực 1 Quân khu 5.
Đến tháng 11/2014, ông Lê Văn Chương được nghỉ hưu theo chế độ. Với phương châm “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc xã hội”, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng ở địa phương và được bà con, chính quyền, các tổ chức, ban, ngành đoàn thể rất tín nhiệm. Tháng 1/2018, ông được Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Ngãi tuyển dụng vào làm việc tại Hội CCB tỉnh và được bầu vào Ban Chấp hành Hội.
Tham gia công tác Hội, ông giữ chức Chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó, với chuyên môn luật cũng như kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác pháp luật trong quân đội, ông được giao kiêm nhiệm phụ trách mảng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn, trợ giúp pháp lý của Hội. Đây cũng là hoạt động mà ông vô cùng tâm huyết, dành nhiều thời gian cũng như công sức để triển khai.
“Tuyên truyền, PBGDPL có vai trò rất quan trọng. Bà con Nhân dân, trong đó có các hội viên hội CCB, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Người dân, CCB không hiểu pháp luật thì việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN sẽ rất khó khăn, nhất là việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hay như việc triển khai Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân theo Quyết định 977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng phải đi sâu xuống cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì mới đạt được mục tiêu đề ra”, ông Lê Văn Chương lý giải.
Các buổi tuyên truyền, PBGDPL thu hút đông đảo CCB và bà con Nhân dân tham gia. |
Với Hội CCB, công tác tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý, thực hiện các chế độ, chính sách đối với CCB và hội viên Hội CCB là một trong những nhiệm vụ công tác của Hội được quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh CCB. Vì vậy, ông Lê Văn Chương đã tham mưu cho Thường trực Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đến các cấp Hội CCB trong tỉnh triển khai các chương trình, hoạt động cùng nhiều biện pháp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, hội viên để mọi người luôn tôn trọng, chấp hành pháp luật.
Điển hình là, trong 10 năm qua, ông Lê Văn Chương đã tham mưu cho Thường trực Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 654 buổi và hội nghị chuyên đề về tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 47.000 lượt cán bộ làm công tác Hội và hội viên. Trong đó, bản thân ông trực tiếp làm báo cáo viên 31 hội nghị. Cùng với đó, ông trực tiếp và tham mưu tổ chức 14 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật An ninh mạng; Luật An toàn giao thông; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Bảo vệ môi trường…
Đưa pháp luật đến với bà con người dân tộc thiểu số
Ông Lê Văn Chương cho biết, từ năm 2019 đến nay, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có những khởi sắc, nhiều dự án đầu tư được mở rộng, tạo được nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có CCB ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như tình trạng lấn chiếm, nạn đốt rừng, phá rừng lấy đất làm nương rẫy xảy ra nhiều nơi, làm suy giảm rừng tự nhiên, nhất là ở các huyện miền núi. Bên cạnh đó, tình trạng tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ ở địa phương cũng còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất trật tự, an toàn xã hội.
Dù nghỉ hưu nhưng ông Lê Văn Chương vẫn miệt mài với công tác PBGDPL. |
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Chương đã tham mưu Hội CCB tỉnh đã chủ động thống nhất với chính quyền, địa phương ban hành Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, PBGDPL tập trung tại 6 cụm, mỗi cụm gồm từ 1 đến 2 huyện, mỗi năm phổ biến 3 đến 4 buổi cho bà con về các vấn đề liên quan. Bản thân ông Lê Văn Chương đã trực tiếp làm báo cáo viên cho 7 huyện miền núi, 3 huyện đồng bằng với thời lượng 28 buổi cho 2.240 cán bộ làm công tác Hội cơ sở, chi hội trưởng và hội viên tham gia.
Trong đó, ông tập trung giới thiệu những kiến thức như việc thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp; hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế, có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; chống các hành vi lấn chiếm, đốt, phá rừng lấy đất làm nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó biến đổi khí hậu, giữ vững quốc phòng, an ninh…
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ông Lê Văn Chương tập trung phổ biến các quy định để các hội viên Hội CCB và bà con Nhân dân nhận thức rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và những trường hợp không được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng cũng như cá nhân có liên quan; thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “CCB tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”…
Trên lĩnh vực trợ giúp pháp lý, trong những năm qua, với trách nhiệm là Trưởng Ban Tổ chức - Văn phòng của Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Văn Chương đã trực tiếp gặp gỡ và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý 7 vụ việc và thực hiện tư vấn, trợ giúp 7 vụ việc.
Chia sẻ về công việc này, ông Lê Văn Chương cho biết, cái khó nằm ở chỗ tại các khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh có các dân tộc thiểu số với tiếng khác nhau. Do đó, để đưa được pháp luật đến với người dân nơi đây không hề dễ dàng. “Vì không biết ngôn ngữ của bà con nên tôi phải nhờ phiên dịch để trao đổi. Trong khi đó, pháp luật là lĩnh vực khó, bà con một số nơi chưa có nhiều hiểu biết”, ông Lê Văn Chương cho hay. Thế nhưng, với sự kiên trì của mình, ông đều thực hiện được tốt công việc đặt ra.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL của Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi mà ông Lê Văn Chương là một nhân tố nòng cốt, ý thức chấp hành pháp luật của các hội viên CCB nói riêng và bà con Nhân dân trong vùng nói chung được nâng cao; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở các huyện miền núi giảm đáng kể, nhất là trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng. Bà con chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Những người tham gia hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ cũng chấp hành tốt quy định về chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Kết quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL trước hết đã giúp bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của cán bộ, hội viên Hội CCB; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương; đồng thời đóng góp tích cực vào việc xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ XHCN.
Ông Lê Văn Chương sinh năm 1959. Trong suốt quá trình công tác, ông luôn nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, ông đã có hơn 40 năm tuổi Đảng. Với những đóng góp bền bỉ và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý, năm 2022, ông được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL.