Ấn tượng tốc độ phát triển nền kinh tế Trung Quốc

(PLVN) - Tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ qua được đánh giá là vô cùng ấn tượng, thậm chí được gọi là “thần tốc”.
Trung Quốc đã chế tạo tàu cao tốc có tốc độ tối đa theo thiết kế lên tới 600km/h
Trung Quốc đã chế tạo tàu cao tốc có tốc độ tối đa theo thiết kế lên tới 600km/h

Những số liệu kinh tế ấn tượng

Trải qua 70 năm, từ năm 1949 đến năm 2019, Trung Quốc đã có những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo China News, theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia, nếu tính từ năm 1952 là năm đầu tiên số liệu GDP quốc gia chính thức của Trung Quốc được thu thập sau khi nước Trung Quốc được thành lập; đến năm 2018, GDP của Trung Quốc đã tăng tới 452,6 lần tính theo giá đồng USD. 

Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dự trữ ngoại hối của nước này trong 13 năm liên tiếp đứng đầu thế giới, tăng từ mức 108 tỉ nhân dân tệ ở năm 1952 lên thành hơn 3 triệu tỉ nhân dân tệ vào năm 2018.

Nền kinh tế Trung Quốc thực sự cất cánh sau năm 1978, khi bắt đầu công cuộc cải cách và mở cửa. Từ năm 1979 đến năm 2018, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 9,4%; là mức cao hơn nhiều so với tỉ lệ 2,9% của nền kinh tế thế giới trong cùng kỳ. 

Bước nhảy vọt của Trung Quốc trong ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu thể hiện rõ ràng ở việc vào năm 2018, theo thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nước này đóng góp tới 27,5% trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tăng 24,4 phần trăm điểm so với năm 1978. 

Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã nâng cao nhanh chóng mức sống của người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới và góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã ký 17 thỏa thuận thương mại tự do với 25 nước và khu vực. Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 160 quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc đang tập trung vào thúc đẩy chất lượng tăng trưởng với phương châm tăng trưởng tốt hơn thay vì tăng trưởng nhanh hơn. Sự thần tốc của Trung Quốc ít mang ý nghĩa tăng trưởng GDP đột phá hay tốc độ xây dựng các tuyến đường, những cây cầu và các tòa nhà chọc trời. Thay vào đó, khái niệm này tập trung nhiều hơn vào việc nền kinh tế quy mô của Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt cách tiếp cận mới. 

Tốc độ phát triển của Trung Quốc nay tập trung nhiều hơn vào công nghệ và đổi mới. Điều này thể hiện rõ nét ở việc Trung Quốc đã thiết kế được tàu cao tốc có tốc độ tối đa theo thiết kế lên tới 600km/h hay việc số lượng phép tính mà siêu máy tính Tianhe-1 của nước này có thể tính toán được trong 1 giờ bằng với số lượng phép tính mà toàn bộ dân số Trung Quốc phải mất tới 340 năm mới có thể thực hiện xong; hay việc mạng lưới 5G của Trung Quốc có thể tải được những bộ phim chỉ trong vài giây.

Sự tiến bộ công nghệ Trung Quốc một phần đến từ việc mức chi cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc từ năm 1992 đến năm 2018 là 20%, đứng thứ 2 thế giới. Tốc độ chuyển đổi của Trung Quốc sang tăng trưởng xanh hơn cũng ấn tượng không kém. Mỗi đơn vị sản lượng kinh tế của Trung Quốc đạt được trong năm 2018 có mức tiêu thụ năng lượng ít hơn 43,1% so với năm 1953 và giảm 11,4% so với năm 2015. 

Thay vì theo đuổi việc phát triển công nghiệp bằng mọi giá, các quan chức Trung Quốc hiện tỏ ra không khoan nhượng đối với các nhà máy thải ra nhiều khí thải và lãng phí năng lượng, bất chấp việc điều đó có nghĩa là tăng trưởng GDP chậm hơn. Do việc cải cách để mở rộng tiếp cận thị trường, giảm thủ tục hành chính, từ năm 2012 đến năm 2017, số lượng doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng trung bình 16,9% hàng năm. 

Nhiều thành tựu văn hóa – xã hội  

Trong 70 năm qua, tổng dân số của Trung Quốc vào năm 2018 đã tăng từ mức 540 triệu vào năm 1949 lên thành gần 1,4 tỷ người. Theo hãng tin Tân Hoa xã, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội Trung Quốc cũng đã những sự thay đổi nhân khẩu học đáng chú ý theo hướng hướng tới một dân số khỏe mạnh và có trình độ học vấn cao hơn. 

Trong đó, xuất phát từ tình trạng khan hiếm thực phẩm và nền y tế kém phát triển, vào năm 1949, tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc khi đó chỉ là 35 tuổi. Tuy nhiên, qua thời gian, với việc bảo hiểm y tế đã cơ bản được bao phủ đầy đủ cho người dân và những đột phá đáng kể trong điều trị các bệnh hiểm nghèo, tuổi thọ của người dân Trung Quốc vào năm 2018 đã tăng hơn gấp đôi, lên thành 77 tuổi.

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh; một dấu hiệu quan trọng khác về sức khỏe tổng thể của một quốc gia; cũng chứng kiến sự tương phản rõ rệt. Nếu như ở thời điểm mới thành lập nước vào năm 1949, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Trung Quốc là 200 ca trên 1.000 ca sinh thì đến năm 2018, tỉ lệ này đã giảm xuống còn đến 6,1 ca tử vong trên 1.000 ca sinh. 

Cùng lúc, trong vài thập kỷ qua, những nỗ lực liên tục của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các biện pháp điều trị các bệnh truyền nhiễm cũng đã đưa đến những thành tựu đáng kể. Hiện nay, bệnh đậu mùa đã được loại bỏ ở nước này còn các bệnh như rối loạn thiếu iốt cũng đã được kiểm soát hoặc loại bỏ một cách hiệu quả.

Với việc những căn bệnh nhẹ không còn là vấn đề nữa, việc có một cuộc sống lành mạnh ngày càng trở thành chuẩn mực của người dân Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành sáng kiến Trung Quốc lành mạnh để tăng cường sức khỏe của mọi người. Theo thống kê, lượng người Trung Quốc tích cực tập luyện thể dục thể thao tại các câu lạc bộ thể hình ở nước này đến tháng 5/2019 đã tăng 1,7% so với năm ngoái, với tổng cộng 64,22 triệu người hàng tháng tích cực đến các trung tâm tập luyện.

Về dân số, sau khi trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng từ năm 1949 đến năm 1970, dân số Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn, khoảng 0,5% kể từ năm 1991. Dù quốc gia đông dân nhất thế giới đã chứng kiến xu hướng giảm số lượng người trong độ tuổi lao động trong những năm gần đây nhưng tổng lực lượng lao động của nước này vẫn ở mức khoảng 900 triệu vào năm 2018.

Cùng với đó, trong 70 năm qua, trình độ học vấn của người dân Trung Quốc đã đạt được những bước nhảy vọt. Hiện nay, 1/3 người dân nước này có bằng tốt nghiệp trung học trở lên. Số năm học trung bình của người dân trong độ tuổi lao động ở nước này năm 2018 đã tăng lên 10,63 so với năm 1982. Với một nền dân số có trình độ học vấn cao hơn, lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển theo hướng chất lượng cao của nước này.

Đọc thêm