Sau gần hai mươi giờ bay từ Việt Nam đến Washington DC, thủ đô của nước Mỹ, những mệt mỏi dường như dịu bớt khi tôi nhìn thấy dòng chữ Việt to, rõ trên tấm bảng hướng dẫn của nhân viên sân bay “Điểm đến cuối” giữa những dòng chữ Anh, Nhật. Chợt ước rồi một ngày tiếng Việt sẽ có mặt ở tất cả các sân bay trên thế giới, tiếng Việt sẽ là một trong những ngôn ngữ thông dụng bởi sự giao lưu, cởi mở…
Tác giả với mùa thu vàng trên đất Mỹ |
Ngôi nhà Việt
Ngay ngày đầu tiên ở Washington DC, chiều 24/10/2011, đoàn nhà báo Việt Nam (được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời sang “Tìm hiểu về báo chí Hoa Kỳ”) đã được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường tiếp thân mật.
Ở Mỹ hiện có một Đại sứ quán, một Tổng lãnh sự quán của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở thêm các lãnh sự quán nữa nhằm thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, các hội thảo về văn hoá, kinh tế của Việt Nam. Gần đây, Đại sứ quán Việt Nam đã làm tốt hơn vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam khi liên quan đến dân sự, hoặc các quyết định của cơ quan pháp luật Hoa Kỳ.
Đại sứ quán đã cử cán bộ đến thăm lao động Việt Nam tại Hawai và thăm bà con người Việt tại Trung tâm Eđen – Filadenfia… Bà con Việt kiều đã tìm đến Đại sứ quán và Lãnh sự quán nhiều hơn để sinh hoạt hội họp và để nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã dành một phòng họp lớn để làm “Ngôi nhà Việt Nam” với sự bài trí của văn hoá và tâm linh Việt. Ngày Quốc Khánh, dịp lễ tết, học sinh, sinh viên và bà con Việt kiều đã tụ hội về ngôi nhà Việt để làm lễ dâng hương Vua Hùng , nhớ về cội nguồn dân tộc. Giữa thủ đô Washington có một ngôi nhà Việt Nam như thế.
Ký ức Việt
Đến Wasington DC, một địa danh mà khách du lịch không thể bỏ qua, đó là Đài tưởng niệm binh lính Mỹ chết trận tại Việt Nam. Nhưng, ký ức về Việt Nam không chỉ là Đài tưởng niệm ở Washington, mà còn lưu giữ trong báo chí và những người làm báo Mỹ.
Tại Trung tâm báo chí điều tra ở thành phố Berkely, bang California, nhà báo Robert Rosenthal còn lưu giữ chồng báo New York Times xuất bản từ năm 1971. Ông nói, ngày đó chiến tranh Việt Nam được coi là tài liệu mật của Lầu Năm Góc. Tờ New York Times đã phanh phui điều bí mật này. Đến bài báo thứ ba thì ngay ở Lầu Năm Góc đã nổ ra những cuộc tranh luận, và các ông chủ ở đó đã yêu cầu toà án vào cuộc, buộc tờ báo ngừng đưa tin về chiến tranh Việt Nam.
Nhưng những người làm báo vẫn tiếp tục công việc một cách dũng cảm và những bài báo đã dấy lên một làn sóng chống cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Khi nhìn nhận lại, nhiều người cho rằng các bài báo đã giúp cho cuộc chiến tranh chấm dứt nhanh hơn. Robert Rosenthal coi những tập báo lưu này như một tài sản trong sự nghiệp làm báo của mình, nó nhắc nhở ông và những người làm báo Mỹ về trách nhiệm phải viết lên sự thật, nhất là ở một nơi được coi là tự do báo chí.
Ở thành phố Jacksonville, bang Arkansas, ông chủ báo The Leader - nhà báo Gari Rick Feldman - dẫn chúng tôi đến vùng đất 200 ha mà Cty Dow Chenicals đã dùng làm nơi sản xuất 50 triệu lít dioxin - chất độc màu da cam để rải xuống Việt Nam. Ông gọi đây là nơi xấu xí nhất của vùng Arkansas và phải đến 30 năm sau, người dân ở Arkansas mới biết khu đất bí mật này.
Người dân Mỹ đã biết đến di chứng của chất độc da cam qua những người lính từ Việt Nam trở về và ngày càng biết nhiều hơn về sự tàn phá môi trường, sức khoẻ của người dân Việt Nam sau cuộc chiến.
Con đường mà các Tổng thống Mỹ phải đi bộ đến khi nhậm chức |
Tính cách Việt
Có thể nói, bang California là nơi tập trung nhiều người Việt nhất. Ở đây, có một Việt kiều được vinh danh là một trong 100 công ty hàng đầu của Mỹ có nhiều đóng góp cho cộng đồng về môi trường, anh David Dương. Tháng 2/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra quyết định bổ nhiệm David Dương vào ban quản trị Quỹ giáo dục Việt Nam VEF, và cũng năm 2010 tại hội nghị lần thứ nhất người Việt Nam ở nước ngoài, David Dương là một trong 15 doanh nhân Việt kiều được Nhà nước vinh danh.
Năm 1977, David Dương cùng gia đình sang Mỹ. Gia đình của một trong những ông chủ phế liệu có tiếng trước 1975, ông Dương Tài Thu, bắt đầu mưu sinh ở xứ người bằng nghề nhặt rác. Ngày ấy, gia đình ông Tài Thu hàng đêm đều chực chờ ở những bô rác để thu gom, phân loại phế liệu trong cái lạnh giá thấu xương. Sau ba năm gian khổ, bị xua đuổi, khinh khi, gia đình ông đã sắm được chiếc xe tải nhỏ đầu tiên để chở rác.
Một năm sau, gia đình có bảy chiếc xe, mở rộng điểm thu gom và nhận thêm lao động là bà con Việt kiều. Đến nay, Cty xử lý chất thải rắn do David Dương làm chủ đã có ba cơ sở ở California, mỗi cơ sở xử lý được 350 tấn rác một ngày, tái chế thành các loại hàng hoá xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Luôn hướng về Tổ quốc, năm 2005, David Dương về Việt Nam đầu tư 90 triệu USD vào hai cơ sở chế biến rác lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Long An. Trên vùng đất sình lầy ở Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã mọc lên hệ thống nhà xưởng hiện đại với các chuyên gia hàng đầu của Mỹ và 300 lao động là người địa phương đang hoàn tất các công đoạn để chờ nhà máy chính thức vào hoạt động.
Khi gặp anh Nguyễn Hữu Cúc (John Wyn), CEO của tập đoàn bất động sản Imperial thì tôi càng nhận ra rằng, để thành công trên xứ người, ngoài sự cần cù, nhẫn nại vốn có của người Việt , cần phải có thêm những ý tưởng độc đáo để tạo con đường đi cho riêng mình. Là sinh viên y khoa, những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, Nguyễn Hữu Cúc kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận việc nơi nhà xác của bệnh viện, một công việc mà ai cũng chê…
Ngoài giờ học, giờ làm, anh lại tìm kiếm những ngôi nhà treo biển bán mà cỏ mọc um tùm hoặc cỏ cháy khô để xin chủ nhà cho trang hoàng, sơn phết lại; khi bán được, phần tiền chênh lệch anh xin chủ nhà chia cho một nửa.
Thế mà đến nay, anh đã là ông chủ của làng quốc tế The Globe thành phố Fremont, California. Trên diện tích 47ha, The Globe phục vụ cho nhu cầu giải trí, bán lẻ hàng đầu trong vùng. Được hỏi nếu đầu tư ở Việt Nam, anh chọn lĩnh vực nào, Nguyễn Hữu Cúc nói đang nuôi ý định xây dựng chuỗi bệnh viện dưỡng lão ở quê nhà.
Mười ngày với lịch trình làm việc khép kín, đón và đi cùng chúng tôi ở sân bay Washington DC, từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ (San Francisco), ba phiên dịch đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc, trong đó có bác Phan Lâm - cựu sinh viên Huế - đã để lại trong chúng tôi những cảm xúc khó phai.
Tiễn chúng tôi đến tận cửa soát vé sân bay, bác Phan Lâm đưa bàn tay lên vẫy mãi, nói với chúng tôi bằng giọng đặc Huế: “Hẹn khi mô gặp lại…” Tôi bật cười, rưng rưng nhớ đến chuyện bác đã 41 lần về Việt Nam, cứ gom được chút tiền là lại về, trong đó có lần cùng các nhà từ thiện đem tiền về xây dựng một trường học cho trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc da cam ở Đông Hà, Quảng Trị…
I'm from Việt Nam Được tham dự một tiết học “Tìm hiểu về Việt Nam” ở trường tiểu học quốc tế gibbs, thành phố Little Rock bang Arkansas, một cô bé đứng lên nói I’m from Việt Nam (tôi đến từ Việt Nam). Đó là bé Olivia tên Việt Nam là Huỳnh Ngọc Thuý, em được ba mẹ nuôi đưa sang Mỹ năm 2001, khi mới một tuổi. Em nói, mẹ em hay kể về Việt Nam cho em nghe và ở trường ai cũng biết em là người Việt Nam. |
Nguyễn Loan