Ẩn ý câu chuyện 'Con hổ và trái hồng' của người Hàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, những câu chuyện cổ thường bắt đầu với câu “Ngày xửa, ngày xưa” thì tại Hàn Quốc, các câu chuyện cổ tích lại bắt đầu bằng câu rất độc đáo: “Thời mà hổ còn hút thuốc”.
Ảnh minh họa câu chuyện “Con hổ và quả hồng” của người Hàn Quốc.
Ảnh minh họa câu chuyện “Con hổ và quả hồng” của người Hàn Quốc.

“Thời hổ còn hút thuốc”

Theo một ghi chép, câu nói “Thời mà hổ còn hút thuốc” xuất phát từ việc khi thuốc lá mới được bán ở Hàn Quốc, nó được quảng cáo như một sản phẩm chữa bệnh và hầu như tất cả mọi người đều hút thuốc. Sau đó, đến thế kỷ 17, thuốc lá trở thành mặt hàng xa xỉ và chỉ những quý tộc mới được phép hút. Những người nông dân lúc bấy giờ chỉ biết nhìn những người có tiền, có quyền hút thuốc và chép miệng: “Nhớ thời cả hổ còn hút thuốc”.

Cụm từ này sau đó được biến tấu đi và về sau, khi kể những truyền thuyết hoặc câu chuyện cổ tích cũ, người Hàn Quốc thường nói: “Rất lâu trước đây, khi hổ còn hút thuốc”.

Đối với người dân sống trong và xung quanh các khu rừng của Hàn Quốc, hổ được coi là biểu tượng của Thần núi hay Vua của các loài động vật trên núi. Vì vậy, người Hàn Quốc còn gọi hổ là “San Gun”, có nghĩa là Chúa sơn lâm. Tương tự như ở Trung Quốc, trong văn hóa người Hàn Quốc, con hổ được coi là biểu tượng của điềm lành, của thần giám hộ, có thể giúp xua đuổi tà ma, tránh được vận hạn và đem đến nhiều phúc lộc.

Bài học về lòng chính trực

Nói đến những câu chuyện cổ tích liên quan đến con hổ ở Hàn Quốc, không thể không nhắc đến câu chuyện “Con hổ và quả hồng”.

Hồng là loại quả thường dùng trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của Hàn Quốc. Sách kinh nói rằng, nếu bạn trồng một cây hồng từ hạt, nó sẽ cho quả nhỏ nhưng nếu ghép một nhánh từ cây hồng khác sẽ cho một cây đậu quả tốt hơn. Tương tự như nhiều hiện tượng được quan sát trong tự nhiên, điều này được sử dụng như một phép ẩn dụ để nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đối với một con người.

Trong câu chuyện “Con hổ và quả hồng”, hổ chui vào làng ăn trộm bò. Cùng lúc, một tên trộm cũng lẻn vào chuồng bò với ý đồ tương tự. Đúng lúc đó, đứa trẻ trong nhà khóc ngằn ngặt. Dù người mẹ có lấy gì ra để dọa, kể cả dọa “Hổ đến kìa!” nhưng đứa trẻ vẫn không ngừng khóc. Đột nhiên, con hổ nghe thấy người mẹ nói: “Hồng khô đây” và đứa trẻ im bặt. Con hổ khựng lại và nghĩ rằng, quả hồng khô hẳn là thứ gì đó rất đáng sợ, đến nỗi một đứa trẻ, ngay cả hổ cũng không sợ mà lại bị dọa cho đến mức không dám khóc.

Đúng lúc đó, tên trộm nhầm con hổ với bò nên nhảy lên lưng hổ. Hốt hoảng, con hổ lao ra khỏi làng với tên trộm trên lưng vì nghĩ rằng đó là quả hồng khô đáng sợ.

Trong khi có nhiều biến thể khác của câu chuyện, về cơ bản, câu chuyện mang hàm ý rằng, sự ranh mãnh (biểu trưng là con hổ) và sự sai trái (tên trộm) sẽ không thể thắng thế nếu lòng nhân từ được gieo sâu vào tính cách con người, giống như cây hồng.

Thoạt nghe qua, đây chỉ là một câu chuyện dành cho trẻ em nhưng biểu tượng con hổ và quả hồng trở thành những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ nhằm giáo dục trẻ, để chúng trở thành những thế hệ công dân chính trực sau này...