Angela Merkel - “Người mẹ” Đức của EU

(PLO) - Như nhiều người dự đoán, liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Thủ tướng Angela Merkel một lần nữa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Liên bang Đức được tổ chức 4 năm một lần với 32,5% số phiếu ủng hộ. 
Hình ảnh thân thiện của bà Angela Merkel với người Đức
Hình ảnh thân thiện của bà Angela Merkel với người Đức

Trong 12 năm qua, Thủ tướng Merkel được nhiều dân Đức gọi là “Mutti”, có nghĩa là “mẹ”, một người luôn cố gắng bảo vệ “những đứa con” - tức người dân Đức và người dân châu Âu - không bị chệch hướng trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng gần như đe dọa Liên minh Châu Âu (EU). 

Nghịch lý

Bà Merkel, 63 tuổi đóng vai trò như một “người lính cứu hỏa” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng đồng euro và khủng hoảng người tị nạn. Bởi không rơi vào cảnh hỗn loạn, Đức hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ sau khi thống nhất năm 1990. Ảnh hưởng của Đức với các vấn đề toàn cầu cũng tăng lên. Mặc dù các thành tích của bà Merkel đã được thừa nhận rộng rãi, nhưng các chính sách về người tị nạn của bà đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích gay gắt. Bà “có sự quyết tâm tuyệt đối để dành quyền lực”, nhưng bà lại không từ bỏ các nguyên tắc bất chấp các nguy cơ chính trị. 

Là một học sinh xuất sắc có năng khiếu ngoại ngữ, một người ngưỡng mộ nhà soạn nhạc Richard Wagner, một người hâm mộ môn bóng đá đến mức phải dõi theo tin tức trận đấu ngay cả trong Quốc hội, bà Merkel cũng là phó phát ngôn viên của chính phủ Đông Đức cũ, bộ trưởng của nước Đức sau khi thống nhất và cũng là lãnh đạo phe đối lập. Năm 2005, bà cuối cùng đạt được vị thế chính trị cao nhất tại Đức và thậm chí toàn châu Âu. 

Giới quan sát chính trị nhận thấy sự nghiệp và tính cách của bà cho thấy hai đặc tính trái ngược - vừa mong muốn theo đuổi quyền lực trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc. Nhà bình luận chính trị Gerd Langguth từng nói: “Bà Angela Merkel có quyết tâm tuyệt đối để giành quyền lực”. Trong sự nghiệp chính trị của mình, bà Merkel đã từ bỏ những người bạn thân khi họ không được lòng dân hay các chính trị gia có ảnh hưởng khác. Bà đã không cứu giúp 2 nhà “mạnh thường quân” của bà - 2 bộ trưởng đã phải từ chức vì một số bê bối - và sau đó tiếp quản vai trò của 2 người đó trong đảng. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức luôn đảm bảo duy trì các giá trị và nguyên tắc bất chấp các nguy cơ chính trị. Đối mặt với dòng người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố hồi giữa năm 2015, bà Merkel đã quyết định mở cửa biên giới Đức và đón nhận họ. Tuy nhiên, kéo theo sau quyết định đó là tình hình an ninh trong nước tồi tệ hơn và tỷ lệ tín nhiệm của đảng CDU sụt giảm. Mặc dù thừa nhận rằng chính sách người tị nạn của bà có phần sai lầm, bà Merkel vẫn nhắc lại rằng đó là quyết định đúng đắn để đối phó với “trường hợp nhân đạo ngoại lệ”. 

“Chính sách mở cửa” của bà trong cuộc khủng hoảng người tị nạn đã làm dấy lên những lời chỉ trích gay gắt từ một số nước Trung Âu và Đông Âu. Thậm chí tại quê nhà, đồng minh của bà là đảng CSU đã đe dọa chấm dứt quan hệ đối tác với đảng CDU, nhưng bà Merkel đã không thay đổi quan điểm. Thay vào đó, trong bài phát biểu chào năm mới 2016, bà Merkel nói: “Cho dù điều gì xảy ra đi nữa, trong tương lai, chúng ta vẫn muốn là một quốc gia mà ở đó chúng ta được tự do, luôn động lòng trắc ẩn và mở cửa với thế giới”. 

Một số hãng truyền thông quốc tế, thậm chí các hãng từng hoài nghi về bà Merkel, đã ca ngợi sự can đảm của bà. Tờ Economist bình luận rằng “bà Merkel có thể là chính trị gia quyền lực nhất ở châu Âu, nhưng bà hiếm khi thể hiện xu hướng lãnh đạo áp đảo... Trong cuộc khủng hoảng mà châu Âu không mấy gì “tự hào”, cách lãnh đạo của bà Merkel là một ngoại lệ ngời sáng”. 

Niềm vui chiến thắng tại trụ sở đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo
Niềm vui chiến thắng tại trụ sở đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo

Nhiều thử thách trong nhiệm kỳ mới

Ở nhiệm kỳ thứ 4, không ít thách thức toàn cầu đang chờ đợi bà Merkel, trong bối cảnh thế giới vốn đang bị bao vây bởi vô vàn cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ rõ quan điểm của nước Pháp về cải cách châu Âu. Bà Merkel đã thận trọng tỏ ý ủng hộ, song trong chiến dịch tranh cử, bà lại có xu hướng không tán thành một số quan điểm của ông Macron, chẳng hạn như việc tạo ra một EU “đa tốc độ” hay một ngân sách chung cho khu vực đồng euro. Mặc dù trước công chúng các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đầu tàu của EU luôn giữ nụ cười, song theo giới quan chức, sự khó chịu đang ngày một tăng ở hậu trường. Một quan chức Đức giấu tên nói: “Macron hành xử cứ như ông ấy là vua, cứ muốn chỉ đạo và điều đó không dễ chấp nhận đối với người Đức”. 

Tranh cãi về cải cách có nguy cơ trở nên phức tạp hơn sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SDP) ủng hộ EU từ chối thành lập liên minh với bà Merkel, buộc bà phải tìm kiếm liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) vốn phản đối gay gắt các ý tưởng của ông Macron. Chủ tịch  FDP Christian Lindner nói rằng một ngân sách chung cho khu vực đồng euro, “trong đó tiền đang đổ vào Pháp để trang trải các khoản chi tiêu của nước này… sẽ là điều không tưởng và là giới hạn đỏ của chúng ta”. 

Bên cạnh đó, bà Merkel có quan điểm cứng rắn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, bà có thể hy vọng rằng ngày càng có nhiều lời kêu gọi hâm nóng mối quan hệ giá lạnh giữa hai bên khi rất đông các nghị sĩ ủng hộ Nga tham gia quốc hội. Trong số 7 đảng có trong Quốc hội, chỉ có đảng CDU của bà Merkel và đảng Xanh là chủ trương giữ nguyên cách thức cũ. SDP đã công khai kêu gọi “giảm bớt căng thẳng” với Moskva, trong khi FDP nói rằng nên coi việc Nga sáp nhập Crimea như “sự đã rồi” và kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt. 

Với Mỹ, dù Đức là đồng minh thân cận, song tình cảm giữa Tổng thống Donald Trump và bà Merkel đã có chút sứt mẻ. Hai bên dường như mâu thuẫn trong các vấn đề then chốt, từ biến đổi khí hậu tới tự do thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran. Tờ Bild của Đức viết: “Với hai người này, việc điều chỉnh mối quan hệ sẽ rất khó”. Sự khác biệt giữa họ lại một lần nữa lộ rõ trong vấn đề Triều Tiên, khi bà Merkel bác bỏ bất cứ một giải pháp quân sự nào. Bà Merkel có thể sẽ tỏ ra cứng rắn trong cuộc chiến trong nước về việc ông Trump cứ khăng khăng rằng Đức phải thực hiện những cam kết của mình trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gia tăng chi tiêu quân sự lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bà Merkel sẽ phải đối mặt với sự chống đối chút ít của FDP về việc này, song SDP phản đối mạnh mẽ việc gia tăng chi tiêu quốc phòng. 

Đặc biệt, Đức đã đối đầu với một số nước Đông Âu - nhất là Hungary - khi các nước này từ chối chấp nhận lượng người tị nạn được phân bổ đổ tới châu Âu năm 2015, và sự cãi vã này không có dấu hiệu giảm bớt. Bà Merkel cảnh báo: “Những ai bác bỏ sự đoàn kết này phải hiểu rằng điều này không phải là không để lại hậu quả gì, kể cả khi chúng ta đàm phán về sự hỗ trợ tài chính tương lai”. Đức hiện cũng tranh cãi với chính phủ cánh hữu của Warsaw về việc chính phủ này cứ khăng khăng rằng Đức đang nợ Ba Lan tiền bồi thường từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Trong khi đó, quan hệ của Đức với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO đã chạm tới đáy sau một loạt tranh cãi do Berlin chỉ trích Ankara tiến hành đàn áp sau vụ đảo chính bất thành ở nước này. Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi người Đức gốc Thổ bỏ phiếu chống lại phe bảo thủ của bà Merkel. 

Biểu tượng của nước Đức xưa và nay

Trong 12 năm cầm quyền vừa qua, bà Merkel đã “rèn luyện” mình và trở nên dày dạn hơn. Nhiều người dân Đức đã quen thuộc với vị trí thủ tướng của bà và coi bà là thành viên trong gia đình, và gọi bà là “mẹ”. Nhờ các cố vấn, hình ảnh của bà Merkel đã được thể hiện là một bà mẹ truyền thống, bảo vệ “các đứa con” không bị chệch hướng, với việc truyền cho họ các nguyên tắc đạo đức và cung cấp các công cụ kinh tế. 

Trong tiểu sử về bà Merkel, nhà bình luận người Anh Matthew Qvortrup viết rằng ở một cách nào đó, bà Merkel là hiện thân của nước Đức thời hậu chiến, một nước Đức khác xa hình ảnh chủ nghĩa dân tộc với ý thức hệ “máu và đất”. Bà Merkel cũng tin vào một nước Đức hùng mạnh...

Đọc thêm