Ảnh chế, chế thế nào thì không bị 'xử'?

(PLO) - Nghị định 28/2017 có hiệu lực vào ngày 5/5/2017 đã đưa ra chế tài nhằm xử lý các hành vi chế ảnh mang tính tiêu cực. Hành vi chế ảnh, vốn trở thành một thói quen đùa cợt của cư dân mạng, ngoài một số vi phạm rõ ràng, thì hầu hết, các ảnh chế khá khó khăn để phân định đâu là “cho vui”, đâu là xúc phạm người khác.
Sơn Tùng MTP là một trong những sao làng giải trí bị chế ảnh nhiều nhất, trong đó có không ít ảnh mang tính xúc phạm.

Tràn lan hành vi chế, ghép ảnh

Nghị định 28/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của hai nghị định xử phạt vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì những hành vi như sửa chữa ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… sẽ bị xử phạt với mức từ 3-5 triệu đồng. Trước đó, mức phạt đề xuất của các hành vi này là 5-10 triệu đồng.

Trước khi Nghị định ra đời, đã có không ít trường hợp ảnh chế, ảnh ghép gây ra nhiều hậu quả không hay. Giờ đây, với các ứng dụng của điện thoại thông minh, không cần có kĩ năng về photoshop, người dùng cũng có thể dễ dàng chỉnh sửa hình ảnh theo ý muốn của mình. Từ đó, chế ảnh trở thành một trào lưu lan rộng khắp mạng xã hội.

Hầu như bất cứ sự kiện, nhân vật nổi bật nào cũng có thể trở thành mục tiêu của trào lưu ảnh chế: Từ một nhân vật trong phim ảnh, một trích đoạn phim, nhân vật hoạt hình, sự kiện văn hóa, thời sự xã hội…

Tuy nhiên, vượt ra khỏi sự vui chơi, nhiều cá nhân đã đi quá đà, hoặc có những mục đích không hay khi chế ảnh lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia, xuyên tạc lịch sử nghiêm trọng. Những ảnh như thế tồn tại trên mạng rất nhiều.

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đại biểu quốc hội, lãnh đạo tỉnh thành trong nước, bị chế ảnh, ghép khuôn mặt với các phát biểu rất tiêu cực, hoặc bị xuyên tạc ý nghĩa của phát ngôn để công chúng hiểu sai. Những bức ảnh chế này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng, nhiều người, chưa cần xác thực tính chính xác của phát ngôn đã ném đá, chửi bới, thóa mạ nhân vật trong ảnh.

Bên cạnh việc chế, ghép ảnh để xuyên tạc lịch sử, phá hoại uy tín lãnh đạo nhà nước…, hành vi chế ảnh phổ biến phải nói đến chế, ghép ảnh các nhân vật nổi tiếng nhằm nhiều mục đích khác nhau. Nhiều ngôi sao trong làng giải trí Việt đã trở thành nạn nhân của trò chế, ghép ảnh như trên. Một nữ ca sĩ chia sẻ, có lần, cả tuần cô không dám xuất hiện trong một show diễn nào trước công chúng chỉ vì một tấm ảnh ghép lan truyền trên mạng và công chúng thì tưởng thật, ném đá cô tơi tả.

Cần xử lý cả người phát tán

Ngoài việc ghép, chế ảnh để giải trí, nhiều người còn mượn việc ghép, chế ảnh để kinh doanh, trục lợi. Ảnh cắt ghép, chế lại của nữ diễn viên Jenifer Phạm, hoa hậu Kì Duyên, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, ca sĩ Đông Nhi… đã từng xuất hiện trên khá nhiều website chuyên về kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, kinh doanh game, thậm chí, có trường hợp bị ghép ảnh với nhân vật trong… web sex chuyên buôn bán dâm của nước ngoài.

Ngoài ra, ảnh ghép, chế còn được một số cư dân mạng sử dụng với mục đích giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Không ít trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý vì mâu thuẫn, xích mích trong tình cảm, làm ăn… đã cắt ghép ảnh đối phương với hình khỏa thân, với cả… động vật để tung lên mạng, hạ uy tín của nhau.

Tất nhiên, những hành vi nói trên là hoàn toàn sai trái, đáng bị xử lý. Nhưng bên cạnh những hành vi rõ ràng như thế, vẫn còn nhiều hành vi ghép ảnh nằm ở “lưng chừng”, khá là khó phân định có vi phạm hay không. Các hành vi này rất phổ biến, như ghép ảnh chế giễu một khoảnh khắc của nhân vật nổi tiếng nào đó như nghệ sĩ, cầu thủ, diễn giả, MC, thậm chí cả nguyên thủ quốc gia của nước khác.

Các ảnh liên quan đến tình hình thời sự trong và ngoài nước, thậm chí cả thiên tai, tai họa lớn vẫn bị chế ảnh, giễu nhại. Những ảnh chế, ghép như thế, nằm giữa ranh giới trò đùa cợt và sự xúc phạm, thậm chí nhân vật trong ảnh cũng “ngó lơ”, không lên tiếng. Vậy thì, căn cứ thế nào để biết đó là ảnh chế mang tính xúc phạm, bôi nhọ để quyết định có xử phạt hay không?

Ngoài ra, việc chế ảnh đã trở thành thói quen của cư dân mạng, việc dò tìm và xử lý tất cả ảnh chế vi phạm là không dễ. Cạnh đó, một nhân tố góp phần khiến các ảnh chế, ghép gây hậu quả xấu hơn, đó là những người phát tán, chia sẻ ảnh một cách thiếu suy nghĩ, kèm theo những lời xúc phạm, chửi bới, thóa mạ. Thiết nghĩ, những đối tượng này cũng nên đưa vào quy định xử phạt để răn đe.

Tất nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tung ảnh, phát tán ảnh trên mạng xã hội chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, chế tài đã có, hy vọng cơ quan chức năng sẽ “giơ cao đánh mạnh”, để góp phần trong sạch hóa mạng xã hội, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật giấu mặt.

Đọc thêm