Anh công nhân khiến các nhà khoa học ngạc nhiên

Mò mẫm, đơn độc trong những nghiên cứu thực nghiệm suốt 46 năm, ông Nguyễn Văn Thường khiến nhiều nhà khoa học đầu ngành ngạc nhiên vì những phát hiện của mình. Nhờ có phát hiện của ông, SGK Vật lý đã được sửa lại cho đúng.

Mò mẫm, đơn độc trong những nghiên cứu thực nghiệm suốt 46 năm, ông Nguyễn Văn Thường đã khiến nhiều nhà khoa học đầu ngành ngạc nhiên vì những phát hiện của mình. Nhờ có phát hiện của ông, SGK Vật lý đã được sửa lại cho đúng.

Ông Nguyễn Văn Thường với một thực nghiệm
Ông Nguyễn Văn Thường với một thực nghiệm
Anh công nhân trẻ ham khoa học

Năm 1965, anh công nhân Nguyễn Văn Thường được Nhà máy Dệt len mùa đông cử đi học ĐH Bách khoa với mục đích sau này trở về theo dõi phần kỹ thuật của nhà máy. Đam mê khoa học, thích mày mò nghiên cứu nên khi nghe Giáo sư Nguyễn Trường giảng về cơ học, anh công nhân nhận thấy giữa hoạt động thực tế của máy móc tại nhà máy và  lý thuyết cơ học được dạy ở trường trái ngược nhau.

Không bằng lòng với cách giải thích trên lớp của thầy, anh công nhân bắt tay vào những thực nghiệm của mình và phát hiện ra nhiều điều quan trọng. Ví dụ như trong nhà máy có cơ cấu biên maniven, khi góc anpha tăng lên, lực dọc biên giảm dần, vậy mà sách dạy góc anpha tăng lên lực dọc biên tăng dần, hai kết quả trái ngược nhau hoàn toàn.

Khi anpha tăng, lực dọc biên giảm đến 0, trong khi đó, giáo trình lại dạy tăng tới vô cùng. Anh thợ trẻ nhận thấy nếu tính toán như vậy máy sẽ không thể hoạt động được. Ngay cả trong xây dựng nhà cửa, cầu cống, khi anpha giảm nhỏ tới 0, lực kéo nén các thanh sẽ tiến tới 0, bù lại lực uốn tiến đến cực đại bằng P, trong khi giáo trình lại dạy rằng, lực kéo nén tiến đến vô cùng và không có uốn, đây là một trong những nguyên nhân chính gây đến sụp đổ cầu cống, nhà cửa mà không tìm ra nguyên nhân.

Nghiên cứu của anh công nhân Nguyễn Văn Thường sau đó đã được gửi tới tới Ủy ban Khoa học Nhà nước. Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, khi ấy đang là Chủ nghiệm Ủy ban khoa học Nhà nước, đã ủng hộ người công nhân kỳ lạ bằng cách tổ chức hội thảo.

Cuộc hội thảo từ năm 1968 đã giúp ông Thưởng có cơ duyên gặp gỡ nhiều nhà khoa học lớn của đất nước. Và từ đó, niềm đam mê nghiên cứu của ông Thường nhận được được tiếp sức bằng những lời động viên của những nhà khoa học hàng đầu: GS.Trần Đại Nghĩa, GS.Hoàng Phương, GS.Lê Nhật Thăng, GS.Nguyễn Văn Hiệu...

Nhà khoa học cô đơn

Không có trong biên chế của bất kỳ viện nghiên cứu nào, ông Thưởng bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học của mình trong sự cô đơn, thậm chí, còn chịu áp lực nặng nề, phán xét của nhiều người khác. Những phát hiện của một người công nhân bình thường không phải lúc nào cũng thuyết phục được các nhà khoa học. Những ngày đầu nghiên cứu, ông Thường bị phản ứng dữ dội vì “sách bao giờ cũng đúng”.

Nhưng càng bị phản ứng bao nhiêu, ông Thường lại càng “lì” bấy nhiêu. Cẩn trọng tiến hành từng thực nghiệm để chứng minh lý thuyết của mình là đúng, ông Thưởng bảo “có khi vì tài liệu của mình hơi sốc, hoặc các nhà khoa học không có điều kiện thực nghiệm nên phải chứng minh cho họ”. Mỗi khi khó khăn, ông lại nhớ lời dặn của GS.Lê Nhật Thăng, lúc đó là Cục trưởng Cục đo lường quân đội: “Dù khó khăn thế nào, tớ ra lệnh cho cậu không được bỏ cuộc. Càng bị phản đối thì càng phải kiên trì đấu tranh”.

Ông Thường được mời đến ĐH Tổng hợp, ĐH Bách khoa làm việc nhiều buổi, nhưng lúc ấy, không nhà khoa học nào khẳng định nghiên cứu của ông là đúng. Trong các cuộc hội thảo sau này, các nhà khoa học cũng không đưa được lý thuyết nào để bác bỏ tài liệu cũng như các thực nghiệm của ông, nhưng không ai công nhận ông đúng.

Cho đến tận sau này, khi được làm việc với GS - Viện sĩ  Nguyễn Văn Hiệu và các nhà khoa học của Bộ Giáo dục như GS.Vũ Quang, GS.Tô Giang, GS.Dương Trọng Bái..., những phát hiện của ông mới chính thức được công nhận. Chính cụ Ngụy Như Kon Tum, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), sau khi nghe ông Thường trình bày, đã thốt lên “hay quá!”. Rồi cụ đích thân đạp xe đến chỗ GS.Nguyễn Văn Hiệu, lúc ấy là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, để giới thiệu và tổ chức hội thảo cho ông Thường.

Sách giáo khoa thay đổi

Thắng lợi lớn đầu tiên của ông Thường là các bài tập minh họa trong sách Vật lý 8 hệ 10 năm sau đó đã được Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) loại bỏ, thay bằng một loạt các bài toán mới trong sách Vật lý 10 phổ thông hệ 12 năm.

Vui hơn nữa là mới đây, tháng 1/2011, GS.Tô Giang, chủ biên cuốn sách Vật lý dạy cho học sinh giỏi lớp 10 đã thông báo cho ông Thường biết, ý tưởng về nguyên lý độc lập, một trong những nguyên lý quan trọng nhất trong tài liệu của ông Thường đã được in vào sách bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lý phổ thông cơ học 1 để giảng dạy cho học sinh giỏi trên toàn quốc.

Ông Thường chia sẻ, cách giải mới mà GS.Tô Giang biên soạn sẽ làm cho hàng vạn bài toán phải được giảng giải lại với kết quả ngược nhau 180 độ. Ví dụ với bài toán biên maniven trong sách đại học lực dọc biên F = P.cos(anpha) trong khi nếu giải theo sách phổ thông và đại học hiện nay F = P/cos(anpha) nhưng công thức P.cos(anpha) lại được thực nghiệm chứng minh là đúng (đây cũng chính là một trong các bài toán được ông Thường phát hiện qua thực nghiệm tại Nhà máy Dệt len mùa đông).

Với cách giải của GS.Tô Giang, tổng lực P là đường huyền của tam giác vuông lực nên không bao giờ phân lực F1 và F2 lại lớn hơn tổng lực, trong khi đó nếu giải theo hình bình hành của sách phổ thông và đại học hiện nay thì phân lực lại có thể lớn hơn tổng lực. Điều này chỉ đúng khi tổng hợp lực. Nhìn vào kết quả mấy chục năm nghiên cứu của ông Thường, GS.Tô Giang cho hay: “Nói gì thì nói, tôi phục ông Thường ở chỗ, ông đã làm thực nghiệm để tìm ra cái sai trong quan niệm cũ về liên kết và phân tích lực, điều đó rất đáng ghi nhận”.

Mới đến cỡ nào?

Từ việc phát hiện ra các lực chỉ độc lập với nhau khi chúng vuông góc với nhau, ông Nguyễn Văn Thưởng đã nâng lên thành nguyên lý độc lập và nguyên lý này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Kết quả nghiên cứu của ông đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu công nghiệp năm 2005 với tên gọi “Những phát hiện mới về cơ học và vật lý có liên quan đến một số giáo trình cơ bản tại Hà Nội- Việt Nam 1965-2000”.

Ông Thường bảo, ông mừng lắm, vì từ những nghiên cứu của một người công nhân rất bình thường, nhiều kiến thức quan trọng của vật lý cơ học đã được thay đổi. Từ trước đến nay trong xây dựng cầu cống, lắp đặt cần cẩu, bằng lý thuyết cũ người ta chỉ tính đến lực kéo và nén nhưng nguyên lý độc lập của ông tính đến cả lực uốn, một lực quan trọng mà nếu không tính đúng, tính đủ sẽ gây sập đổ cầu cống, nhà cửa, lật cần cẩu. Theo ông Thường, phát hiện của ông là mới, thậm chí mới với cả thế giới.

Chưa ai khẳng định phát hiện của ông Thưởng có mới trên thế giới hay không, nhưng chí ít, những tìm tòi của người thợ cơ khí đặc biệt này đã được giới khoa học Việt Nam công nhận.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam cho biết, sẵn sàng giúp ông Thường về kinh phí để tra cứu các nghiên cứu trên thế giới, qua đó tìm hiểu về độ mới của công trình này. PGS.Phạm Bích San, Giám đốc Văn phòng tư vấn phản biện các vấn đề xã hội của Liên hiệp hội hoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, tốt nhất, ông Thường nên gửi nghiên cứu của mình đến các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Nếu công trình của ông được công nhận, có lẽ sẽ là lần đầu tiên, một người công nhân bình thường làm được điều vĩ đại.

Nếu có một người yêu khoa học đến lạ kỳ, thì người đó chính là ông Nguyễn Văn Thường. Tự đọc sách, tự nghiên cứu, trong tủ sách của gia đình, thậm chí trong đầu ông, là khối lượng khổng lồ kiến thức cơ học từ các sách Nga, Đức, Pháp, Mỹ... Nghiên cứu đến quên ăn, quên ngủ, toàn bộ gánh nặng nuôi dạy con cái, lo kiếm tiền cho gia đình, ông Thường trút cả vào vai bà vợ. Bà Nguyễn Kim Quý, vợ ông nửa đùa nửa thật, trong nhà này, nghiên cứu là việc của ông Thường, còn kiếm tiền là trách nhiệm của phụ nữ. Suốt mấy chục năm, ông Thường không mang đồng nào về nhà, ngược lại còn lấy tiền nhà đi mua các thiết bị phục vụ cho việc thực nghiệm. Vợ ông, dù rất thương chồng, hiểu chồng, nhưng không phải không có những khi hờn dỗi, buồn khóc vì mình chỉ là thứ yếu. Nhưng rồi, nhìn thấy niềm vui nghiên cứu của ông, cả bà Quý cùng ba người con đều hiểu, đó mới thực sự là cuộc sống của nhà khoa học đặc biệt này.

Yến Anh 

Đọc thêm